Sự quan tâm của dư luận hiện nay không chỉ do tính quyết liệt, mà còn vì mỗi ứng cử viên sẽ tạo nên một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Người Mỹ muốn được tin rằng bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra đều có cơ hội trở thành Tổng thống. Lòng tin này sẽ có thể trở thành hiện thực trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay.
Trong lịch sử nước Mỹ, chưa bao giờ có một ứng cử viên nữ cho chiếc ghế Tổng thống. Và cũng chưa bao giờ một người gốc Phi, hay một người không phải da trắng, ứng cử cho chiếc ghế Tổng thống. Nếu được đảng Dân chủ đề cử, Hillary Clinton sẽ là người phụ nữ đầu tiên và Barack Obama sẽ là người da màu đầu tiên ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống. Tuy nhiên, dù là ai, Clinton hay Obama, đây sẽ là một sự thay đổi mang tính biểu tượng đối với nước Mỹ.
Phụ nữ Mỹ trong rất nhiều năm qua đã đấu tranh vì sự bình đẳng trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt các cơ hội việc làm, giáo dục và nắm giữ quyền lực lãnh đạo. Nếu Hillary Clinton được đảng Dân chủ đề cử, đây sẽ là một dấu mốc lớn đối với phụ nữ Mỹ.
Lịch sử Mỹ trong quá khứ là một câu chuyện về sự làm nhục và áp bức đối với những người dân gốc Phi. Hàng trăm năm trước, tổ tiên của hầu hết những người Mỹ gốc Phi đã bị đưa tới Mỹ làm nô lệ. Ngay sau khi cuộc nội chiến đặt dấu chấm hết cho chế độ nô lệ tại Mỹ hơn 1,5 thế kỷ trước, người Mỹ gốc Phi vẫn phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và những bất công. Dưới thời Tổng thống Kennedy và Johnson, phong trào chống phân biệt chủng tộc mà Martin Luther King lãnh đạo, những hành vi phân biệt sắc tộc bị coi là bất hợp pháp. Và sự bất hợp pháp này sẽ kết thúc, nếu Barack Obama được đảng Dân chủ đề cử.
Theo các nhà phân tích, dù đảng Dân chủ đề cử Clinton hay Obama, điều này cho thấy người Mỹ đã có thể giải quyết những bất công cơ bản trong đời sống của họ. Những thay đổi căn bản đó thường được thực hiện qua các cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, Obama đang phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng trong cuộc vận động tranh cử của mình. Sức hút lớn của Barack Obama đối với cử tri Mỹ nằm ở hứa hẹn của ông về “sự thay đổi” và “hy vọng”. Hình ảnh của Obama trên diễn đàn tranh cử là một con người đầy hứng khởi có thể đưa người Mỹ vượt qua những tranh cãi và đối đầu vẫn chia rẽ người Mỹ. Mặc dù trong chiến dịch tranh cử Obama đề cập vấn đề rất chung và đưa ra rất ít chi tiết về những chương trình hay hành động sẽ thực hiện nếu đắc cử Tổng thống, nhưng chính nhờ vào cá tính riêng và khả năng diễn thuyết tích cực đến cử tri đã làm cho ông trở thành ứng cử viên được ưa thích một cách khác thường.
Mặc dù vậy, có lẽ phần quan trọng trong sức hút của Obama là việc ông không phải là người da trắng. Tại Mỹ, do điều kiện lịch sử, mối quan hệ giữa các nhóm sắc tộc vẫn rất phức tạp. Những nhà lãnh đạo chính trị trong cộng đồng người da đen rất khó được chấp nhận trong vị trí lãnh đạo quốc gia và có thể giành được sự ủng hộ từ phần đông những người da trắng. Cho đến ngày hôm nay, chưa có người lãnh đạo da đen nào có thể lấp khoảng trống đó. Ở thời điểm hiện tại, Barack Obama đã chứng minh là nhà chính trị da màu đầu tiên có thể vượt lên trên sự chia rẽ này và có sức hút đối với toàn bộ người dân Mỹ, bất kể màu da. Đây là lợi thế lớn của Obama trong tư cách ứng cử viên và cũng là lý do mà ông giành được sự ủng hộ của cử tri... …
Những người ủng hộ Hillary Clinton đã tìm nhiều cách thức tinh vi nhất để hủy hoại hình ảnh Obama - một nhà lãnh đạo có khả năng vượt lên sự chia rẽ sắc tộc của nước Mỹ. Trong bầu cử sơ bộ tại South Carolina, bà Clinton đã đưa ra lời nhận xét với mục đích gây sự chú ý đến màu da của Obama và gợi ý rằng ông sẽ gặp khó khăn trong việc giành được đủ số phiếu từ những người da trắng. Tại California, Texas, và những bang khác, chiến dịch của Clinton đã lợi dụng sự chia rẽ sắc tộc của những cử tri Mỹ gốc Mexico. Những nỗ lực này tuy không làm tổn hại nghiêm trọng đến chiến dịch tranh cử của Obama, nhưng nó dần dần tạo ra một xu thế phân cực về màu da trong quá trình bầu cử. Trong những cuộc bầu cử sơ bộ gần đây nhất, có một xu hướng rất rõ ràng là những cử tri da trắng đứng về phía Clinton trong khi những cử tri da đen nghiêng về phía Obama. Tất nhiên, xu hướng này dường như có chủ ý nhằm đi ngược lại với chủ trương của Obama là vượt lên trên vấn đề màu da trong quá trình ứng cử.
Mới đây, người ta được biết mục sư tại nhà thờ mà Obama và gia đình đến cầu nguyện trong 20 năm qua đã có một số bài thuyết giáo sử dụng những lời lẽ lăng mạ người da trắng và chính nước Mỹ. Điều này đã đẩy Obama vào tình thế rất khó khăn bởi ông đã cầu nguyện tại nhà thờ đó rất nhiều năm và chưa bao giờ đưa ra lời chỉ trích đối với mục sư này. Hơn nữa, những nhà lãnh đạo các tôn giáo ở Mỹ rất được kính trọng, vì thế, khi muốn chỉ trích những bài diễn văn gây hận thù của vị mục sư, Obama phải rất cẩn trọng để tránh xúc phạm đến những cử tri da màu vốn ngưỡng mộ vị mục sư này.
Để phản ứng lại, ông đã thuyết trình một bài diễn văn dài trên đài truyền hình quốc gia. Ông đã chỉ trích những lời nói của vị mục sư và nói rằng người Mỹ cần giải quyết những chia rẽ sắc tộc và vượt qua những chia rẽ này. Thời điểm này còn quá sớm để biết liệu bài diễn thuyết có đạt được các mục tiêu và đưa Obama trở lại với thông điệp hy vọng và thay đổi hay không.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu Obama muốn tiếp tục tạo sức hút đối với người Mỹ trong tư cách một người da màu thực sự tốt đối với mọi người dân Mỹ, ông có thể sẽ đắc cử chức Tổng thống. Nhưng nếu ông tiếp tục lún sâu vào những tranh luận chính trị sắc tộc nổi cộm đang diễn ra, thì nền tảng chính đến vị trí lãnh đạo của ông sẽ sụp đổ, và sẽ là một cơ hội chiến thắng cho Hillary Clinton giành được sự đề cử của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, cả Clinton và Obama đang phải đối đầu với đối thủ nặng ký của đảng Cộng hòa John McCain hiện đang chiếm được cảm tình của dư luận trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng vào tháng 11. Theo cuộc điều tra dư luận mới nhất của Reuters, McCain đang dẫn trước Obama 6% tỷ lệ ủng hộ và trước Clinton 8% .Cuộc chạy đua này sẽ vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều thú vị.