📞

Bình luận của TG&VN: Thấy gì qua Cấp cao Nhật - Ấn lần 3?

09:15 | 01/11/2018
Trung Quốc là một trong những chủ đề thảo luận trọng tâm giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ ngày 29/10, tại Tokyo.  

Ngày 29/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm chính thức với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Nhật Bản - Ấn Độ lần thứ 13, nhằm thảo luận chi tiết về các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh giữa hai cường quốc châu Á, qua đó góp phần định hình một trật tự mới ở châu Á.

“Mặt trời mọc” trong quan hệ song phương

Thủ tướng Modi rất coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 ông Modi thăm xứ sở mặt trời mọc và là lần thứ 5 hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong vòng có vài năm trở lại đây. Hai nước luôn thể hiện mối quan hệ hết sức tốt đẹp thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm và gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo, Nhật Bản hôm 29/10. (Nguồn: AP)

Trước cuộc hội đàm chính thức tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ tại dinh thự riêng của ông ở tỉnh Yamanashi, phía Tây thủ đô Tokyo. Đây là lần đầu tiên ông Abe mời một lãnh đạo nước ngoài đến khu dinh thự riêng này. Tất cả cho thấy mối quan hệ đặc biệt và sự trọng thị giữa hai nhà lãnh đạo. Trong văn hóa Nhật Bản, chỉ có những người bạn thân thiết mới được mời đến nhà dùng cơm.

Quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ có nhiều tiềm năng phát triển khi cả hai đều là những cường quốc có tiếng nói trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong khi Nhật Bản là thành viên chủ chốt của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) sau khi Mỹ rút khỏi, thì Ấn Độ thể hiện vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện.

Về chính sách đối với khu vực có thể thấy Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do” mà Thủ tướng Abe vạch ra phù hợp với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Nam Á cũng như Đông Á... Chính vì vậy, trong chuyến thăm Tokyo lần này, hai nhà lãnh đạo có thể tìm kiếm các hướng hợp tác hiệu quả và đi vào chiều sâu thực chất.

Một trong số đó là thảo luận về Hiệp định hỗ trợ quân nhu (ACSA), cho phép quân đội hai nước cung cấp, chia sẻ cho nhau thực phẩm, nhiên liệu, đạn dược, hợp tác hỗ trợ hậu cần, y tế trong các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí nâng cấp Đối thoại an ninh và ngoại giao “2+2” từ cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng.

Trong bối cảnh tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông diễn biến phức tạp, hai bên đều cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển rộng mở, đồng thời tuyên bố sẽ cùng với Mỹ và Australia thực hiện một số bước đi cụ thể để bảo vệ an ninh hàng hải khi cả hai đều phụ thuộc vào thương mại biển.

Nếu hơn 10 năm trước, quan hệ hai nước chỉ giới hạn trong những cam kết về nguồn viện trợ ODA và thương mại, thì hiện nay mối quan hệ đó đã đa dạng hơn và đan xen nhiều lợi ích, bao gồm an ninh khu vực và toàn cầu, chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh hàng hải, hợp tác về năng lượng, biến đổi khí hậu và cải tổ Liên hợp quốc.

Vì mục tiêu chung

Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác song phương, chuyến thăm Nhật Bản lần này còn là cơ hội để Tokyo và New Delhi bắt tay, tăng cường thế đối trọng với một Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do, xây dựng, kết nối mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng cao từ châu Á sang châu Phi dựa trên nguyên tắc bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, mà Tokyo và New Delhi có vai trò trụ cột, được coi là để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến vành đai và con đường ở khu vực.

Trong cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo còn bàn thảo việc đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai nước hơn nữa để sao cho đôi bên cùng hưởng lợi, tránh để thị trường các bên rơi vào tay của Trung Quốc. Cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần này đã tạo cơ hội để hai nước thực hiện mục tiêu tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại cho tương xứng với quan hệ giữa hai nước lớn của châu Á.

Không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy quan hệ song phương, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Modi lần này cho thấy hai quốc gia châu Á còn hướng tới việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định để phát triển, hạn chế ảnh hưởng đang ngày càng rõ nét của Trung Quốc trên tất cả các mặt trận.