📞

Bộ trưởng New Zealand: Thế giới cần APEC hơn bao giờ hết!

Vy Anh 13:31 | 08/11/2021
Trong một bài viết gần đây trên tờ Bangkok Post, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O'Connor đã nhấn mạnh tầm quan trọng của APEC trong bối cảnh thách thức chưa từng có đối với khu vực và thế giới, do đại dịch Covid-19.
Một cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 7 về đại dịch Covid-19. (Nguồn: The Diplomat)

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều người có thể không quen với công việc mà APEC đang làm, nhưng tổ chức này đại diện cho một thể chế kinh tế và thương mại hùng mạnh, tác động đến cuộc sống của tất cả chúng ta, từ giá một chiếc ô tô mới, đến việc thúc đẩy năng lượng tái tạo.

APEC được thành lập vào năm 1989, gồm 12 nền kinh tế, với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày nay, APEC là một trong những diễn đàn quan trọng nhất trong khu vực với 21 nền kinh tế thành viên và có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 25 nghìn tỷ USD. Các sáng kiến của APEC đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới và giúp việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.

New Zealand và Thái Lan đều là thành viên sáng lập của APEC. Một lần nữa, hai nền kinh tế này đều nhận thấy có vai trò định hình tương lai của khu vực, với việc New Zealand đăng cai tổ chức APEC vào năm 2021 và Thái Lan vào năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay, APEC đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có, đó là đại dịch toàn cầu.

Các nền kinh tế không thể đơn độc chống lại Covid-19, sự hợp tác thông qua APEC lúc này là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Đối mặt với đại dịch

Dẫn đầu nỗ lực ứng phó với đại dịch trong khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu của New Zealand với tư cách là nước Chủ tịch APEC năm 2021.

Các thành viên APEC chịu trách nhiệm sản xuất hầu hết vaccine Covid-19 trên toàn cầu, do đó, khu vực này rất thích hợp để đạt được tiến bộ tập thể và có ý nghĩa trong việc chống lại đại dịch Covid-19. Tháng 6 vừa qua, tôi đã chủ trì một cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại APEC nhằm đẩy nhanh quá trình vận chuyển vaccine xuyên biên giới, đưa vaccine đến tay người dân càng sớm càng tốt.

Các bên cũng nhất trí xem xét giảm các rào cản thương mại, vốn có thể làm chậm việc phân phối, cũng như làm tăng chi phí vaccine và sản phẩm y tế. Tất cả bộ trưởng các bên liên quan đều nói rõ rằng, sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều được an toàn.

Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O'Connor. (Nguồn: labour.org.nz)

Xây dựng lại tốt đẹp hơn

Xét về tốc độ, APEC có khả năng phản ứng mà rất ít tổ chức đa phương khác có thể đạt được.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC họp bàn về các tác động kinh tế của đại dịch. Các nhà lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, đã cam kết nỗ lực gấp đôi để khắc phục tình trạng khẩn cấp về y tế. Các nhà lãnh đạo cũng nhìn về tương lai và bàn cách xây dựng lại tốt đẹp hơn sau những tác động của Covid-19.

Trong các cuộc thảo luận của APEC, kế hoạch phục hồi của New Zealand đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Hiện các nền kinh tế APEC đã nhất trí về một chương trình cải cách kinh tế kéo dài 5 năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm mới và chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tháng 8, các bộ trưởng nông nghiệp APEC cũng đã vạch ra lộ trình về an ninh lương thực cho thập kỷ tới.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có gần 2,37 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ thực phẩm trong năm 2020, tăng 320 triệu người chỉ trong 1 năm. Đại dịch cũng đã dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung. Là hai nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu, New Zealand và Thái Lan có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này.

Làm việc cùng nhau

New Zealand và Thái Lan có lịch sử hợp tác chặt chẽ với nhau. Năm 2021 là thời điểm hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiệp định thương mại tự do năm 2005 với Thái Lan là một trong những hiệp định đầu tiên mà New Zealand từng ký kết.

Hai nước có thể học hỏi nhiều điều từ nhau. Trong lĩnh vực sữa, chính phủ hai bên đã kết nối nông dân New Zealand và Thái Lan để thảo luận về các phương pháp phát triển. Hai nước cũng đang hợp tác để giảm phát thải trong các lĩnh vực nông nghiệp, với tư cách là thành viên của Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về khí nhà kính nông nghiệp.

Thủ tướng của hai nước cũng sẽ tham gia cuộc họp với các thành viên APEC khác trong tháng 11 này. Vào thời điểm mà rủi ro lên đến mức cao chưa từng có, cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC sẽ giúp định hình diện mạo của khu vực cho các thế hệ sau.

Năm 2020, các nền kinh tế đã thông qua một tầm nhìn mới cho hai thập kỷ tiếp theo. Trong năm 2021, New Zealand đã đi đầu trong việc phát triển kế hoạch biến tầm nhìn này thành hiện thực. Với tư cách là nước chủ nhà APEC tiếp theo, Thái Lan sẽ tiếp tục bước tiến này.

Nhu cầu hợp tác trong APEC được phản ánh trong chủ đề của New Zealand cho APEC năm nay – “Tham gia, làm việc, cùng nhau phát triển”.

Tuần lễ Cấp cao APEC (từ ngày 5-12/11) năm nay sẽ có những hoạt động đáng chú ý sau: Thứ nhất là Hội nghị các giám đốc điều hành (CEO) của APEC, sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp; Thứ hai là sự kiện “Tiếng nói của tương lai”, thể hiện quan điểm của 1 tỷ người trẻ trong khu vực về các vấn đề toàn cầu như Covid-19 và tương lai xanh;

Thứ ba là truyền thống quà tặng với các sản phẩm độc đáo của New Zealand truyền tải được thông điệp “Tham gia, làm việc, cùng nhau phát triển”; Thứ tư là ban hành “Tầm nhìn Putrajaya” về xây dựng lộ trình 20 năm tiếp theo của APEC; Thứ năm là cuộc họp cấp lãnh đạo kinh tế của các thành viên APEC; Thứ sáu là lễ bàn giao vai trò chủ nhà kế tiếp cho Thái Lan.