📞
100 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với công tác xây dựng ngành: Những di sản ngoại giao còn mãi

Hải Yến 14:06 | 14/05/2021
Bên cạnh việc tham gia chỉ đạo, đề xuất nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy công cuộc Đổi mới của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng dành nhiều công sức, tâm huyết cho công tác xây dựng ngành ngoại giao, đưa công tác xây dựng ngành lên vị trí ngang tầm với thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại cuộc họp báo ở khách sạn Wentworth, ngày 18 tháng 3 năm 1984. (Nguồn: Getty Images)

Sau gần 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, trong đó có hơn 11 năm giữ cương vị Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp to lớn trên mặt trận đối ngoại, góp phần đưa đất nước phá thế bao vây, cô lập.

Những cống hiến, bài học đúc rút, tầm nhìn của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong công tác xây dựng ngành đã đặt nền móng vững chắc về tổ chức và điều hành bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ để Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả hơn chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, từ đó trở thành những kinh nghiệm quý báu để có thể vận dụng trong xây dựng nền ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, góp phần phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Năm chân kiềng của xây dựng ngành

Trước tiên, công tác xây dựng ngành bao gồm việc bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ cán bộ ngoại giao kế cận và để lại được nhiều công trình nghiên cứu mang ý nghĩa chiến lược cho tương lai.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 15, diễn ra vào năm 1982, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhấn mạnh: “Tôi muốn đề nghị với các đồng chí, làm sao cuộc đời chúng ta, cuối đời chúng ta, thành công lớn nhất của chúng ta: một là chúng ta đã hoàn thành được nhiệm vụ, nhưng hoàn thành nhiệm vụ thứ hai quan trọng hơn là làm sao để lại đội ngũ cán bộ cho mai sau. Và để được lại những công trình nghiên cứu cho mai sau tôi nghĩ là quan trọng nhất. Chứ còn bây giờ để chúng ta có nhiều chức vụ hơn, tất nhiên Đảng và Chính phủ phải quan tâm đến. Nhưng bây giờ chúng ta nghĩ cái này là chính, còn hậu thế mai sau không nghĩ đến, tôi nghĩ như thế không tốt lắm”.

Thứ hai, công tác xây dựng ngành ngoại giao cần được thực hiện trong quá trình đấu tranh ngoại giao, qua đó vừa nâng cao ý thức và hiểu biết của đội ngũ cán bộ, vừa có tư duy về các vấn đề chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khẳng định: “…Trước đây chúng ta cứ nghĩ là cứ làm công tác, lúc nào rảnh thì mới xây dựng. Không thể được! Chính trong vấn đề này, chỉ có trong quá trình đấu tranh ngoại giao anh mới có thể nâng cao được ý thức, nâng cao được hiểu biết, và qua quá trình anh mới thấy được vấn đề chiến lược, sách lược".

Thứ ba, công tác đối ngoại và xây dựng ngành có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ, đều có vai trò quan trọng như nhau và cần được thực hiện song song với nhau.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 17 diễn ra vào năm 1987, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có phát biểu: “Tôi nghĩ đánh giá cái trưởng thành của ngành ta phải căn cứ vào những kết quả chứ không phải vào những việc mà chúng ta đã làm. Ở đây có thể rút ra được một bài học là chúng ta giải quyết được một quan niệm rất sai lầm là bận công tác ngoại giao thì không thể xây dựng ngành được, mà ngược lại càng bận và muốn làm được việc thì phải xây dựng ngành. Đó là chúng ta giải quyết được một vấn đề cơ bản. Tức là có xây dựng ngành thì mới làm được công tác. Và chỉ có thông qua thử thách về công tác thì mới có thể biết được xây dựng ngành là đúng hay sai, mới xây dựng ngành đúng được”.

Cho rằng quá trình chiến đấu trên mặt trận ngoại giao cần được thực hiện cùng lúc với công tác xây dựng ngành, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch từng chia sẻ: “…Trong tình hình đó, đại bộ phận cán bộ nói rằng phải ngừng xây dựng ngành lại để mà chiến đấu. Nhưng chúng ta nhất định không chịu mà cứ tiếp tục vừa xây dựng ngành vừa chiến đấu. Qua kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng không có xây dựng ngành thì không thể chiến đấu được, mà không qua chiến đấu thì không thể xây dựng ngành. Đó là một bài học rất quý báu với chúng ta”.

Thứ tư, công cụ đấu tranh trong xây dựng ngành, bao gồm phê bình và tự phê bình, chính là kim chỉ nam cho sự phát triển của ngành ngoại giao.

Trong Báo cáo về công tác xây dựng ngành trong 10 năm qua phương hướng nhiệm vụ xây dựng ngành trong những năm 1987-1990, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khẳng định: “Nhìn chung, cuộc đấu tranh trong xây dựng ngành là một cuộc đấu tranh kiên trì, liên tục và lâu dài, diễn ra hàng ngày hàng giờ trên tất cả các vấn đề, các khâu lớn và nhỏ của nó, giữa yêu cầu đổi mới tư tưởng bảo thủ, trì trệ, giữa động cơ trong sáng vì sự nghiệp của ngành với tư tưởng địa vị, quyền lực, cơ hội, vụ lợi…"

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khẳng định, công cụ đấu tranh là tự phê bình và phê bình, nhưng để sử dụng tốt công cụ này không thể coi nó chỉ như một công cụ, mà là một quy luật phát triển của ngành”.

Thứ năm, nội dung cơ bản của công tác xây dựng ngành gắn liền với xây dựng con người, sợi dây liên kết giữa hai nhân tố này rất “động”, vì vậy cần xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình đó.

“Xây dựng ngành là xây dựng con người – đó là con người làm việc trong ngành, gắn liền với phương tiện hoạt động, mục tiêu, môi trường và đối tượng hoạt động của ngành. Những nhân tố này rất động, mối liên hệ tương tác giữa nó với con người luôn luôn biến đổi. Công tác xây dựng ngành phải nhận thức và xử lý đúng đắn các mối quan hệ đó, nhất là phải phát hiện kịp thời và xử lý đúng đắn những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của nó, từ đó đảm bảo cho mỗi người và toàn ngành phát huy tính năng động của mình, chủ động và tích cực tác động vào môi trường và đối tượng hoạt động, thực hiện có hiệu quả những mục tiêu được xác định trong nhiệm vụ chính trị của ngành trong từng thời gian”, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nêu trong báo cáo trên.

Những di sản trường tồn

Nếu như trong mắt bạn bè và đối tác quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao sắc sảo và lỗi lạc, thì đối với những thế hệ cán bộ ngoại giao, ông chính là một người thầy, người anh cả, người đặt nền móng cho ngành ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Tâm huyết và công lao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đối với công tác xây dựng ngành, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ kế cận vẫn là một trong những di sản lớn nhất mà ông để lại cho ngành ngoại giao Việt Nam.

Mặc dù những thế hệ cán bộ ngoại giao trẻ sau này không có cơ hội được làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhưng cũng được thừa hưởng nhiều di sản quý báu mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp “trồng người” của ngành ngoại giao.

Thứ nhất, xác định con người là trung tâm trong công tác xây dựng ngành ngoại giao, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ giỏi ngoại ngữ, chuyên môn tốt, nghiệp vụ cao, bắt kịp nhanh chóng với xu thế ngoại giao số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ tại Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đưa ra những tư duy mới và áp dụng những bước đột phá giúp phá vỡ cơ chế cứng nhắc trong công tác tổ chức cán bộ, khi đứng trước tình hình đất nước đã chuyển giai đoạn từ chiến tranh sang hòa bình và yêu cầu cần có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao.

Đại sứ Vũ Khoan nhận định, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đi tiên phong, đưa ra chủ trương quyết liệt và kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xây dựng ngành ngoại giao ngay khi đất nước vừa mới ra khỏi chiến tranh và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Những chủ trương bao gồm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, gấp rút bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn và ngoại ngữ, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, cải tiến tổ chức bộ máy và phương pháp làm việc... đã được triển khai rất thành công.

Các đại biểu tham dự tọa đàm khoa học "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" diễn ra ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ hai, cơ chế Tập sự cấp Vụ và Tập sự cấp Bộ nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ ngoại giao trẻ có năng lực quản lý đáp ứng được các yêu cầu của ngành.

Đứng trước yêu cầu đặt ra về đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận cho Bộ Ngoại giao được nêu trong Hội nghị ngoại giao năm 1977, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã đưa ra sáng kiến cơ chế Tập sự cấp Vụ và Tập sự cấp Bộ.

Theo đó, những cán bộ ngoại giao phải trải qua kỳ thi rất nghiêm ngặt, học tập toàn diện kiến thức ngoại giao, qua thời gian thử thách Tập sự cấp Vụ và có đề tài nghiên cứu được thông qua, trước khi được xem xét bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ. Sau khi lớp Tập sự cấp Vụ thành công, đầu những năm 1980, Bộ Ngoại giao mới đặt ra cơ chế Tập sự cấp Bộ, còn gọi là Trợ lý Bộ trưởng. Bộ Ngoại giao cũng là cơ quan đầu tiên có cơ chế này.

Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, Bộ Ngoại giao đã và đang phát huy di sản của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, đến nay đã có một cơ chế hoàn chỉnh trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. Cơ chế đó bao gồm: tổ chức các khóa học ngắn hạn và dài hạn ở trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ từ cấp chuyên viên trở lên, cơ chế Tập sự cấp Vụ và Tập sự cấp Bộ… Đó cũng được coi là một “đặc sản” của Bộ Ngoại giao và đã được các cơ quan khác tham khảo học tập.

Trong khi đó, Đại sứ Vũ Khoan nhận thấy, cơ chế Tập sự cấp Vụ và Tập sự cấp Bộ được coi là cơ chế hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, khi triển khai đã rất thành công, tạo cơ hội cho những cho cán bộ ngoại giao trẻ có năng lực được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ.

Còn nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình cho rằng, sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần giải quyết vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ và đảm bảo đào tạo lực lượng cán bộ lãnh đạo kế cận theo chủ trương Hội nghị ngoại giao năm 1977.

“Vì lúc đó, đa số cán bộ lãnh đạo cấp Bộ, cấp Vụ đều tham gia cách mạng từ năm 1945 hoặc trước đó. Bộ Ngoại giao thiếu cán bộ trẻ để kế thừa. Bên cạnh đó, cán bộ ngoại giao được tập hợp từ rất nhiều nguồn khác nhau, chưa được chuẩn hóa về kiến thức ngoại giao”, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình chia sẻ.

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, cũng như rèn luyện tư duy phân tích, phương pháp làm việc khoa học, qua đó kịp thời tham mưu các quyết sách phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo chia sẻ của Đại sứ Vũ Dương Huân – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất coi trọng công tác nghiên cứu nên đã cho triển khai hàng loạt sáng kiến giúp xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu, như thành lập các viện nghiên cứu, ban nghiên cứu; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu; sử dụng đội ngũ cán bộ trình độ cao để biên soạn giáo trình đào tạo cán bộ.

Trong công tác nghiên cứu, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn nhắc phải đặt vấn đề nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu trong chiều rộng của không gian và chiều sâu của lịch sử, và trong quá trình vận động không ngừng.

Còn trong trí nhớ của nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn nhắc nhở các cán bộ ngoại giao phải hết sức coi trọng công tác nghiên cứu, phải thường xuyên đọc, cập nhật kiến thức để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Trong công tác xây dựng ngành, ông là người có tư duy, cách làm rất mới, sáng tạo; đối với các cán bộ trẻ, ông luôn đặt niềm tin, mạnh dạn sử dụng và giao việc.

Trong phương pháp làm việc, Đại sứ Trần Trọng Toàn, nguyên thư ký của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cho hay, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất chú trọng phương pháp tích lũy kiến thức qua việc nghiên cứu, ghi chép, suy nghĩ, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, tranh luận. Ông thường căn dặn cán bộ: “Muốn làm việc tốt phải có kiến thức, nhưng nếu không có phương pháp tích lũy thì dù có đọc thiên kinh vạn quyển cũng không đọng lại gì trong đầu!”.

Thứ tư, duy trì tổ chức bộ máy và cơ chế làm việc hiệu quả, coi đây là những viên gạch quan trọng của công tác xây dựng ngành.

Có thể thấy, toàn bộ công tác xây dựng ngành hiện nay của Bộ Ngoại giao, từ tổ chức bộ máy, phương thức chỉ đạo điều hành đến đào tạo và sử dụng cán bộ, văn hóa và lối sống của cán bộ ngành ngoại giao… đều đang dựa trên nền tảng công tác xây dựng ngành mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tạo nên từ cách đây vài thập kỷ.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình cho hay, những di sản mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để lại cho ngành ngoại giao là vô giá và sẽ luôn được các thế hệ sau nhắc đến với sự ngưỡng mộ và biết ơn.

“Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã rời xa chúng ta 23 năm, nhưng không bao giờ tôi nghĩ về ông như một nhân vật của quá khứ”. Lý do mà nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình đưa ra là “bởi vì cho đến nay, toàn bộ những di sản kể trên vẫn cơ bản thực hiện theo đường hướng mà ông đã vạch ra 40 năm trước, với những phát triển mới”.

Trong khi đó, Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch quan niệm sâu sắc rằng muốn làm tốt công tác chuyên môn thì cần có tổ chức bộ máy và quy chế làm việc thực sự hiệu quả.

Còn Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kể lại: “Ông Thạch đôi khi cũng khá khó tính khi đòi hỏi cán bộ cấp dưới phải đạt được yêu cầu công việc cao nhất và không được từ bỏ. Chính vì vậy, chúng tôi luôn phải cố gắng hết sức ở mức cao nhất có thể. Ông truyền cho chúng tôi động lực học hỏi từ tất cả mọi người, từ bạn bè, lãnh đạo và cả đối thủ. Ông từng nói, học từ thất bại là bài học đáng học nhất!”.

Những dấu ấn, tầm nhìn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã, đang và sẽ được các thế hệ ngoại giao tiếp nối, tiếp tục vận dụng sáng tạo, phát huy tầm nhìn đó để xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.