Brazil khởi động năm Chủ tịch G20 với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững". (Nguồn: Brazilian Report) |
Ngày 1/12 vừa qua, Brazil chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2024 với một chương trình nghị sự gồm hơn 100 cuộc họp và kết thúc bằng hội nghị thượng đỉnh từ 18-19/11 tại Rio de Janero. Đây là năm đầu tiên của G20 mở rộng với sự góp mặt của Liên minh châu Phi (AU) - khối có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD và dân số hơn 1,4 tỷ người.
Năm 2024 cũng là thời điểm Brazil đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), tuy nhiên như Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Fernando Haddad giải thích, Brasilia đã quyết định chuyển nhiệm vụ đó sang năm 2025 để tập trung làm tốt cả hai vai trò.
Là diễn đàn của những nước có quy mô kinh tế lớn nhất trên thế giới, các cuộc thảo luận tại G20 chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế toàn cầu và các vấn đề liên quan. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil được biết đến như một nhà lãnh đạo sớm ủng hộ diễn đàn G20 ngay từ năm 2008, khi G20 nâng cấp từ diễn đàn của các bộ trưởng tài chính lên cấp nguyên thủ quốc gia. Lúc bấy giờ, ông đã khẳng định đây là một sự kiện lịch sử và rất lạc quan về tương lại của G20. Những cố gắng của Brazil nhằm thúc đẩy vai trò của G20 cũng nằm trong nỗ lực xây dựng một hệ thống đa phương tốt đẹp hơn mà trong đó, những nước như Brazil có vai trò lớn hơn.
Chương trình nghị sự 2024 tập trung vào 3 chủ đề lớn là chống nghèo đói, bất bình đẳng; phát triển bền vững với ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; và cải cách hệ thống quản lý toàn cầu. Điều này cho thấy nước chủ nhà Brazil đặt nhiều kỳ vọng vào năm Chủ tịch G20 của mình theo hướng nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống tài chính toàn cầu, nhất là trong việc tăng các khoản cho vay ưu đãi cho các nước nghèo đối với các dự án chống biến đổi khí hậu và tái cơ cấu các khoản nợ của các nước này. Ngoài ra, quốc gia Mỹ Latinh này cũng muốn thúc đẩy việc cải cách hệ thống thuế toàn cầu đã được bàn thảo tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhưng chưa đi đến kết quả cụ thể.
Để đạt được sự đồng thuận của G20 trong các vấn đề trên, Brasilia cần có sự ủng hộ của các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7Đ cũng là thành viên của G20 cũng như Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước chủ nợ lớn nhất của nhiều nước nghèo đang có nguy cơ vỡ nợ. Bên cạnh đó, nước chủ nhà còn phải xử lý một vấn đề khó khăn là sự tham gia của Nga khi Brazil là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế, tổ chức đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin. Tình hình thế giới vẫn đang diễn ra phức tạp và khó đoán định, tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang ở nhiều nơi, đà phục hồi kinh tế đang chậm lại, mối lo ngại về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tội phạm mạng...
Đó là những thách thức mà Brazil phải vượt qua trong năm 2024 để đạt được những kỳ vọng của mình trong năm đảm đương vị trí Chủ tịch G20, diễn đàn chính trị và kinh tế có khả năng tác động và ảnh hưởng nhất đến các chương trình nghị sự quốc tế.