Thủ tướng Anh đã có "nước cờ" đầu tiên về Brexit. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, đề nghị này của ông Johnson chỉ nhận được sự hờ hững lạnh nhạt của EU.
Nỗ lực rũ bỏ vấn đề "chốt chặn"
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) thay thế vấn đề "chốt chặn" tại Ireland bằng cam kết thực hiện những "sắp xếp khác". Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 19/8, Thủ tướng Johnson lặp lại đề nghị gỡ bỏ vấn đề "chốt chặn" ra khỏi thỏa thuận mà EU đã đạt được với cựu Thủ tướng Theresa May.
"Chốt chặn" là một chính sách đảm bảo tránh sự thiết lập trở lại một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) thời hậu Brexit. Thủ tướng Johnson, vốn cam kết sẽ đưa Anh rời EU vào ngày 31/10 tới dù có hoặc không có thỏa thuận, tin tưởng khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó cho đề nghị nói trên và đây là "ưu tiên tối ưu" của chính quyền London dưới sự lãnh đạo của ông.
Bức thư có đoạn: "Anh và EU đã nhất trí rằng 'những sắp xếp khác' có thể là một phần của giải pháp". Ông Johnson cho rằng, vấn đề "chốt chặn" cần được thay bằng một cam kết thực hiện những dàn xếp hải quan thay thế tại biên giới Ireland trong thời kỳ chuyển giao 2 năm sau khi tiến trình Brexit được kích hoạt. Tuy nhiên, ông Johnson cũng đề xuất cần có những cam kết để tạo sự tin tưởng rằng sẽ không có đường biên giới cứng trên đảo Ireland nếu hệ thống hải quan thay thế nói trên không được triển khai cho đến thời điểm sau Brexit.
Trong bức thư, tân Thủ tướng Johnson đánh giá vấn đề "chốt chặn" đơn thuần "không khả thi" vì chính sách này "không mang tính dân chủ và mâu thuẫn với chủ quyền của nước Anh với tư cách là một nhà nước" và rằng, vấn đề này sẽ giữ Anh mãi mãi ở lại liên minh thuế quan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng cam kết đảm bảo không để xảy ra tình trạng biên giới cứng xuất hiện trở lại ở hòn đảo này. Bức thư có đoạn: "Chính phủ sẽ không thiết lập cơ sở hạ tầng, trạm kiểm soát hoặc trạm kiểm tra tại biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland".
Đề xuất của ông Johnson về những dàn xếp thay thế là yêu cầu lâu nay của các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit vốn cho rằng có thể tìm ra giải pháp để né tránh sự cần thiết phải thiết lập các chốt kiểm soát tại biên giới Ireland. Tuy nhiên, ý tưởng về những cam kết nhằm tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland dường như là một đề xuất mới và có thể dấy lên đồn đoán rằng ông Johnson sẽ tìm đến một phương kế tương tự như chính sách "chốt chặn" song ông có thể gọi bằng cái tên khác như một sự nhượng bộ.
Vấn đề chốt chặn sẽ buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU nếu không tìm ra được giải pháp nào khác để duy trì một đường biên giới "mềm" giữa Bắc Irealand và Cộng hòa Ireland. Việc duy trì hòa bình trên hòn đảo này cũng là điều cốt yếu. Tuần này, ông Johnson sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình trên cương vị thủ tướng Anh, có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, để thảo luận thêm về quan điểm của Anh đối với vấn đề Brexit.
Tuy nhiên, EU khá thờ ơ với đề xuất mới của Anh. (Nguồn: Sky News) |
EU "cứng" lập trường
Từ trước đến nay, EU luôn khẳng định không thể đàm phán lại thỏa thuận Anh rời EU. Các nguồn tin từ Brussels đêm 19/8 một lần nữa loại bỏ khả năng tái đàm phán thỏa thuận Anh rời EU, kể cả vấn đề chốt chặn. "Vấn đề chốt chặn có thể thực hiện được về mặt pháp lý nhằm tránh đường biên giới cứng và vẫn đóng vai trò cốt lõi trong thỏa thuận Anh rời EU", một nguồn tin thân cận Brussels chia sẻ với tờ Guardian.
Trước đó, các nguồn tin EU tiết lộ rằng, Brussels từng hy vọng ông Johnson sẽ tham gia "cuộc chơi" Brexit bằng những luận điệu cứng rắn về vấn đề chốt chặn, đồng thời thương lượng lại tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai Anh và EU, một tài liệu không mang tính ràng buộc pháp lý mà EU vẫn đề ngỏ khả năng thay đổi nội dung. Thế nhưng, những hy vọng này dường như đã sụp đổ. Một nguồn tin cấp cao của EU nhận định bức thư của ông Johnson là "sự thay đổi hoàn toàn luật lệ đối với vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và nhạy cảm vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên đảo Ireland".
Báo Guardian dẫn lời nghị sĩ đảng Bảo thủ Alberto Costa cho rằng bức thư của ông Johnson sẽ mở đường để ông đưa phiên bản được soạn lại của thỏa thuận mà EU đã đạt được với cựu Thủ tướng Theresa May quay trở lại Hạ viện và ông có thể để cho phiên bản này qua được "cửa ải" Hạ viện với sự trợ giúp của một số nghị sĩ Công đảng.
Tuy nhiên, nhóm nghị sĩ 'nổi loạn' bác bỏ quan điểm này, cho rằng EU sẽ chẳng hề lay chuyển trong bất kỳ tình huống nào. Nhóm này cũng cáo buộc ông Johnson đặt ra yêu cầu quá cao trong quá trình thương lượng khi yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn chính sách "chốt chặn", đặt Anh vào con đường Brexit không thỏa thuận.