📞

Cách Ireland tiếp cận Nhà Trắng

08:00 | 01/04/2017
Ngày Thánh Patrick mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với người dân Ireland và còn với Chính phủ của Hòn đảo lục bảo.

Đó là vì “Lễ tiếp nhận cỏ ba lá” (Shamrock Ceremony) diễn ra đúng vào ngày này và là một trong những cơ hội hiếm hoi các nhà lãnh đạo Ireland có thể giao thiệp trực tiếp với người đứng đầu Nhà Trắng. Theo đó, Thủ tướng Ireland sẽ tặng Tổng thống Mỹ một bát/chậu thủy tinh trồng cỏ ba lá thật tươi tốt - biểu tượng cho mối quan hệ gần gũi giữa hai nước. Sau đó, các nhà lãnh đạo sẽ trò chuyện và dùng bữa trưa (hoặc bữa tối).

Tổng thống Reagan thưởng thức màn giải trí theo phong cách Ireland năm 1983.

Ban đầu, buổi lễ tiếp nhận chỉ nhằm vinh danh di sản lâu đời của người Ireland tại Mỹ. Nhưng ngày nay, buổi lễ đã trở thành một phần không thể thiếu trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Ireland.

Khởi đầu sự kiện “có một không hai”

Quay lại ngày 17/3/1952, Đại sứ Ireland tại Mỹ John J. Hearne đã gửi tặng Tổng thống Truman một hộp nhỏ có những cây cỏ ba lá, vốn thường được dùng để gắn vào áo khoác hoặc áo blouse mỗi dịp Lễ Thánh Patrick.

Ông Hearne, khi đó được mệnh danh là Thomas Jefferson của Ireland vì có công soạn thảo Hiến pháp năm 1937, đã được cử làm Đại sứ Ireland đầu tiên tại Mỹ. Lúc bấy giờ, nước cộng hòa non trẻ này mong muốn được nhìn nhận là một nhà nước hiện đại, song mối quan hệ giữa Ireland và Mỹ đã sứt mẻ khi Ireland giữ thế trung lập trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và từ chối tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hơn nữa, Ireland cũng đã không lấy gì làm thích thú với Đại sứ Mỹ trước đó là Thomas Gray. Bởi vậy, chậu cây cỏ ba lá của Hearne là một nỗ lực nhỏ nhưng mang tính chiến lược nhằm thiết lập lại mối quan hệ với cường quốc số 1 thế giới.

Nghi thức ngoại giao kéo dài gần bảy thập kỷ giữa hai nước bắt nguồn từ hành động nhanh nhạy của Hearne khi đã khôn ngoan mở tiền lệ cho những “Lễ tiếp nhận cỏ ba lá” trong tương lai. Theo yêu cầu của Đại sứ thông qua Nghị định thư ngoại giao, người ta sẽ tổ chức một buổi lễ vào ngày Thánh Patrick để gửi tặng cỏ ba lá cho Tổng thống, và đề nghị đích thân Tổng thống tiếp nhận món quà này như những vị Tổng thống trước từng làm trong quá khứ. Chính bởi vậy, những chiếc lá tuy nhỏ bé nhưng đã ghi đậm nét giao lưu đặc trưng của quan hệ hai nước.

Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến Thánh Patrick. Một trong số đó là Patrick có khả năng làm người chết sống dậy. Người ta nói rằng ông đã sử dụng cỏ ba lá để giải thích cho dân chúng về học thuyết “Ba ngôi một thể” (The Trinity) trong Thiên Chúa giáo vào thế kỷ thứ V. Vào ngày Thánh Patrick, người Ireland mặc trang phục màu xanh lá có hình cỏ ba lá để kỷ niệm truyền thuyết đó.

Truyền thống chưa từng bị gián đoạn

Theo Tiến sỹ Michael Kennedy, Tổng Biên tập Tạp chí Tư liệu về Chính sách đối ngoại của Ireland (Documents on Irish Foreign Policy), từ đó, ngày  Thánh Patrick đã trở thành một ngày “tối quan trọng” với Chính phủ Ireland: “Việc có được từ 15 - 20 phút với người quyền lực nhất thế giới mỗi năm là điều vô cùng đặc biệt mà không nước nào, ngoài Ireland, có được”.

Kể từ năm 1952 đến nay, truyền thống tặng cỏ ba lá cho Tổng thống Mỹ chưa bao giờ bị gián đoạn và đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện quan hệ hai nước. Tổng thống Mỹ Eisenhower đã mời Thủ tướng Ireland thăm Mỹ lần đầu tiên vào năm 1956. Dưới thời Kennedy, Đại sứ Thomas Kiernan đã có thể tự hào giới thiệu về vị Tổng thống gốc Ireland theo đạo Thiên Chúa đầu tiên của Mỹ.

Đặc biệt hơn, dưới thời Tổng thống Obama, đài phun nước ở Nhà Trắng cũng được nhuộm xanh màu cỏ ba lá. Buổi lễ nhận cây luôn diễn ra trong không khí vui vẻ, dù đây vẫn là cơ hội quan trọng để Ireland thảo luận về các vấn đề chính trị và tài chính với Mỹ. Ông Michael Kennedy cho rằng cuộc gặp “mặt đối mặt” hàng năm của lãnh đạo Ireland với Tổng thống Mỹ thậm chí còn cho họ nhiều cơ hội giao lưu ngoại giao hơn ở Liên hợp quốc.

Cỏ ba lá là biểu tượng cho niềm tin, hy vọng và sự đâm chồi nảy lộc của đất nước Ireland. Cỏ ba lá là một chi thuộc họ Đậu, có thân mềm, sống một năm hoặc lâu năm. Cỏ ba lá rất hiếm cây có năm hay bảy lá. Đặc biệt, những cây cỏ bốn lá được xem là biểu tượng của sự may mắn.

Số phận những món quà

Những cây cỏ ba lá được trao tay làm quà ở Nhà Trắng đều có nguồn gốc từ Living Shamrock - nơi duy nhất trồng loại cây này tại Ballinskelligs, County Kerry, Ireland. Sau lễ tiếp nhận, người ta sẽ mang những cây còn nguyên gốc đến Washington để trồng lâu dài. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Matthew Costello, nhà sử học cao cấp của Hiệp hội lịch sử Nhà Trắng, nhiều khả năng những cây cỏ ba lá không thể sống sót dưới sự kiểm tra gắt gao của nhân viên Nhà Trắng, khi bản thân chúng là một loài thực vật xâm hại và cần phải bị tiêu diệt theo luật.

Tuy vậy, ông Costello cũng cho biết, có một chùm cỏ ba lá đã tìm được… “nơi bình yên” bởi ngày 17/3/1964, phu nhân Jackie Kennedy đã tới thăm mộ chồng tại nghĩa trang quốc gia Arlington và trồng lên đó một cụm cỏ ba lá mà bà từng được Đại sứ Ireland Thomas J. Kiernan tặng.

Về phần những chiếc bát hay chậu để trồng cây cỏ này, nhiều năm qua, Văn phòng Thủ tướng Ireland hầu như đều sử dụng các thiết kế từ các nghệ nhân thủy tinh khắp đất nước. Hầu hết các vị Tổng thống Mỹ đều giữ những “chậu cây may mắn” mà mình được tặng tại Nhà Trắng trong suốt nhiệm kỳ. Tổng thống Ronald Reagan từng đổ đầy chậu cây bằng loại kẹo jellybean màu xanh mà ông thích để trang trí. Ông Bill Clinton thì trưng bày “chiếc bát Ireland” trên tầng 2 tại khu vực nhà ở trong Nhà Trắng. Còn chậu cỏ ba lá năm 2017 vừa được trao tặng là do nghệ nhân Criostal na Rinne làm bằng tay.

Tuy nhiên, ngoài việc tập trung đến những chiếc bát hay chậu hoa hoặc những cây cỏ ba lá, người dân Ireland vẫn chú ý hơn về nội dung cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Ireland Enda Kenny và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những mầm cây của Đại sứ Hearne gieo từ hàng thập kỷ trước, đã bám rễ sâu trong nền tảng quan hệ chính trị giữa Mỹ và Ireland.

(theo atlasobscura)