Người dân Brazil tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Trong 24 giờ qua, quốc gia có số ca nhiễm mới Covid-19 cao nhất là Indonesia (40.427 ca), tiếp sau là Anh (34.471 ca), Ấn Độ (30.827 ca), Nga (25.140 ca), Iran (20.829 ca), Colombia (18.650 ca), Brazil (17.031 ca), Argentina (14.989 ca), Mỹ (12.762 ca), Tây Ban Nha (11.310 ca)...
Ngày 12/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về sự lây lan nghiêm trọng của biến thể Delta trên toàn thế giới.
Ông cho biết, kể từ sau khi được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh và gây biến chứng nặng này đã lây lan ra 104 nước và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, thế giới đã ghi nhận 4 tuần liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trở lại sau 10 tuần giảm và đến nay, số ca tử vong do Covid-19 đang tăng.
Lãnh đạo các nước trên thế giới đã đưa ra các biện pháp ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh theo nhiều cách khác nhau như đẩy mạnh tiêm chủng, siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Tuy nhiên, cũng có những nước nới lỏng các biện pháp vào thời điểm này. Anh hiện vẫn giữ ý định dỡ bỏ mọi hạn chế vào ngày 19/7 tới.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus cảnh báo mối nguy hiểm khi các nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn thiếu vaccine tiêm chủng cho người dân.
Liên quan vấn đề bảo đảm công bằng tiếp cận vaccine, WHO tuyên bố các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng Covid-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.
Ông Ghebreyesus nhận định, khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine Covid-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.
* Tại châu Mỹ
Ngày 12/7, giới chức y tế Mỹ khẳng định những người Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 không cần tiêm thêm một mũi nhắc lại.
Tuần trước, Pfizer cho biết hãng dự định đề nghị nhà chức trách Mỹ cấp phép tiêm nhắc lại một mũi vaccine ngừa Covid-19 của hãng này cho những người đã tiêm đủ liều, dựa trên bằng chứng là nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn 6 tháng sau khi tiêm vaccine và sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Một người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) Mỹ cho biết, đại diện của hãng Pfizer đã trình bày với các quan chức của bộ này về dữ liệu sơ bộ mới nhất liên quan việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, sẽ tiếp tục thảo luận thời điểm nào tiêm mũi nhắc lại và liệu có cần tiêm mũi nhắc lại trong tương lai hay không.
Theo người phát ngôn này, cả chính phủ Mỹ và hãng Pfizer đều nhất trí cần khẩn trương chặn đứng virus gây bệnh Covid-19 và các dữ liệu khoa học sẽ chỉ dẫn các bước đi tiếp theo.
Báo cáo thường niên do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và WHO cùng phối hợp thực hiện cho biết, tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng trong năm 2020 tại Mỹ Latinh và Caribbean đang có sự gia tăng rõ rệt.
Số liệu do báo cáo cung cấp cho thấy, so với năm 2019, có thêm khoảng 14 triệu người tại Mỹ Latinh và Caribbean bị rơi vào nạn đói trong năm 2020, tương đương với 9,1% dân số tại khu vực này, nâng tổng số người phải đối mặt với mất an ninh lương thực lên 267 triệu người.
* Tại châu Á
Bộ Y tế Thái Lan vừa thông báo các trường hợp nghi nhiễm đồng thời hai biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Trong cuộc họp báo ngày 12/7, Cục trưởng Cục Khoa học y tế Supakit Sirilak thông báo, các xét nghiệm tại một công trường xây dựng lớn ở thủ đô Bangkok cho thấy, 7 công nhân cùng lúc bị nhiễm hai biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh và biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Hiện những công nhân này vẫn khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại.
Việc đồng thời bị nhiễm hai biến thể không có nghĩa là các triệu chứng của bệnh nhân nghiêm trọng hơn so với những người mắc một biến thể đơn lẻ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trường hợp nhiễm cùng lúc các biến thể khác nhau có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện một biến thể mới vốn là điều mà giới chức y tế luôn lo ngại.
Ngày 13/7, Thái Lan ghi nhận thêm 8.685 ca nhiễm mới Covid-19 cùng 56 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này từ đầu mùa dịch lên 353.712 người, trong đó có 2.847 người không qua khỏi.
* Tại châu Âu
Ngày 12/7, Tòa án Hình sự Brussels (Bỉ) đã tuyên phạt 1 năm tù giam và phạt tiền 4.000 Euro đối với một hành khách nam giới đi máy bay sử dụng xác nhận xét nghiệm PCR giả nhưng từ chối nộp phạt hành chính theo yêu cầu của cơ quan công tố.
Hành khách này đến sân bay ngày 7/5 và trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2. Kết quả đối chiếu với thông tin về phòng xét nghiệm in trên giấy xét nghiệm cho thấy không có bất kỳ xét nghiệm nào liên quan đến những tham chiếu trên giấy.
Trong phán quyết, tòa nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng vì hoạt động đi lại bằng máy bay đã khiến dịch bệnh lan rộng toàn cầu. Đối tượng liên quan đã có thái độ chống đối cơ quan chức năng, thể hiện sự thiếu tôn trọng sâu sắc đối với lực lượng phòng dịch tuyến đầu và gây nguy hiểm đối với sức khỏe và sự an toàn của những du khách khác.
Từ ngày 19/4 đến 11/6, Bỉ đã phát hiện 576 trường hợp sử dụng chứng nhận xét nghiệm PCR giả.
Trong khi đó, chỉ hai tuần sau khi nới lỏng giãn cách cũng như các quy định về đeo khẩu trang và tụ tập đông người, ngày 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên sóng truyền hình để gửi thông điệp tới toàn thể người dân về nguy cơ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta cũng như những biện pháp sẽ áp dụng để đối phó với làn sóng dịch mới, trong đó chiến dịch tiêm chủng mùa Hè sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Theo số liệu thống kê mà Cơ quan Y tế Công cộng Pháp công bố ngày 12/7, tuần qua, mỗi ngày nước này có thêm khoảng 4.000 ca nhiễm Covid-19, cao hơn 63% so với tuần trước.
Về tỉ lệ tiêm chủng, mặc dù chính phủ đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 90% dân số trước tháng 9 để tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng cho đến nay, mới có gần 60% người dân đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi, số người đã tiêm cả hai mũi cũng chỉ đạt trên 40%.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định hầu hết các quy định phòng chống dịch Covid-19 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7, song chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng Johnson đưa ra thông điệp “thận trọng và kiềm chế” trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới tại Anh có thể tăng lên mức kỷ lục 100.000 ca/ngày sau khi biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ.
Theo các cố vấn khoa học của chính phủ, sau khi Anh thực hiện giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 19/7, nước này có thể sẽ trải qua làn sóng dịch Covid-19 thứ ba vào giữa tháng 8 khi các ca mắc mới sẽ đạt mức cao kỷ lục và sẽ kéo dài đến hết tháng.
Số ca nhập viện có thể lên tới 1.000-2.000 ca/ngày và số ca tử vong dự kiến ở mức 100-200 ca/ngày tại đỉnh dịch.
| Covid-19: Chuyên gia WHO phản đối việc tiêm 'trộn' vaccine, tiếp tục kêu gọi bình đẳng Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo mọi người không nên tiêm phối hợp vaccine ngừa Covid-19 ... |
| Nâng cao hoạt động đối ngoại nhân dân trong bối cảnh Covid-19 Dịch Covid-19 đã tác động nhất định đến hoạt động đối ngoại nhân dân, nhưng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) ... |