Đại sứ Mỹ tại Burkina Faso Andrew Young là Đại sứ Mỹ đầu tiên mắc Covid-19. (Nguồn: New York Times) |
Khi những số liệu công bố về ca nhiễm bệnh cũng như ca tử vong ngày càng cao ở nước sở tại hay ngày càng nhiều những lời kêu cứu của công dân nước họ, điều đó cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng mối nguy cơ đối diện với rủi ro mắc bệnh của những nhà ngoại giao đang công tác nhiệm kỳ...
Tổn thất lớn của Bộ Ngoại giao Mỹ
Một vài ngày sau khi gặp gỡ các quan chức Chính phủ Burkina Faso và các tổ chức viện trợ để thảo luận về cách bảo vệ quốc gia Tây Phi trước đại dịch Covid-19, Đại sứ Mỹ Andrew Young bị các triệu chứng khó chịu như ho khan, nhức mỏi và sổ mũi. Một tuần sau, ông tự giam mình trong phòng cách ly, trước khi có mặt trên chuyến bay sơ tán khỏi thủ đô Ouagadougou trở về Mỹ ngày 25/3, cùng với 120 công dân khác từ Burkina Faso và Liberia.
Ông Andrew Young là Đại sứ Mỹ đầu tiên có kết quả dương tính với chủng mới virus corona (SARS-nCoV-2) gây bệnh Covid-19. Song không hẳn là người cuối cùng. Tính đến 4/4, theo tờ New York Times, 154 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới đã có xét nghiệm dương tính với virus gây chết người và hơn 3.500 người có triệu chứng và tự cách ly, phần lớn trong số đó đang công tác ở các cơ quan đại diện Mỹ ở nước ngoài.
Cho đến nay, cũng theo tờ New York Times, 3 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thiệt mạng về Covid-19, đều là công dân nước sở tại đang làm việc cho phái bộ ngoại giao Mỹ. Thông báo ngày 31/3 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có 2 nhân viên ngoại giao tử vong do Covid-19: 1 người ở Indonesia và 1 người ở CHDC Congo. Còn thông báo ngày 3/4 có đề cập 1 ca tử vong nữa, không phải công dân Mỹ, nhưng không nói rõ địa bàn nào.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã sơ tán hơn 38.000 công dân và người thân, chủ yếu là khách du lịch, sinh viên hoặc người Mỹ sống ở nước ngoài. Trong số đó, khoảng 6.000 nhà ngoại giao và thành viên gia đình. |
Mỹ có 171 đại sứ quán và 87 lãnh sự quán trên toàn thế giới và hiện chỉ có 2 phái bộ đóng cửa, đó là các Lãnh sự quán ở Vladivostok, Nga và Vũ Hán, Trung Quốc do dịch Covid-19. Tuy nhiên, 12 phái bộ ngoại giao không có biên chế đầy đủ do một bộ phận nhà ngoại giao đã trở về nước khi đại dịch lan rộng. Chẳng hạn, khoảng hai phần ba nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và các Lãnh sự quán ở Trung Quốc đã rời khỏi Trung Quốc.
Nỗi lo không loại trừ ai
Trong khi trên thế giới, danh sách những chính trị gia, người nổi tiếng… mắc bệnh Covid-19 ngày càng dài hơn thì số lượng các nhân viên ngoại giao trở thành nạn nhân của đại dịch này cũng ngày càng nhiều lên.
Tin xấu đầu tiên liên quan đến giới ngoại giao có lẽ là thông báo của Bộ Ngoại giao Anh ngày 25/3 về sự ra đi của Phó Đại sứ Anh tại Hungary Steven Dick do mắc bệnh Covid-19. Nhà ngoại giao người Scotland, thông thạo tiếng Hungary qua đời khi chỉ mới 37 tuổi với nhiều hoài bão trong sự nghiệp. Ông từng công tác tại các Cơ quan đại diện Anh tại Saudi Arabia, Afghanistan và chỉ mới bắt đầu nhiệm vụ mới tại Budapest cách đây vài tháng.
Đại sứ Philippines tại Lebanon Bernardita Catalla là Đại sứ đầu tiên qua đời vì Covid-19. (Nguồn: Straits Times) |
Và mới đây, ngày 2/4, Đại sứ Philippines tại Lebanon Bernardita Catalla đã qua đời tại một bệnh viện ở thủ đô Beirut sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-nCoV-2. Như vậy, nhà ngoại giao 62 tuổi vốn có bệnh hô hấp mãn tính là Đại sứ đầu tiên trên thế giới thiệt mạng do đại dịch gây ra gần 70.000 ca tử vong tính đến nay.
Trước khi đảm nhiệm vai trò Đại sứ Philippines tại Lebanon, bà Bernardita Catalla là Tổng Lãnh sự Philippines tại Hong Kong và từng công tác tại các cơ quan đại diện nước này tại Kuala Lumpur và Jakarta.
Chưa có thống kê về số lượng các nhà ngoại giao trên thế giới nhiễm virus nguy hiểm này, những tin tức về các ca nhiễm trong giới ngoại giao vẫn được cập nhật như một hồi chuông nhắc nhở rằng chẳng có quyền "miễn trừ" nào đối với nhà ngoại giao trước đại dịch...
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Israel tại Hy Lạp ngày 9/3 cho biết một nhân viên của Đại sứ quán được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2. Đại sứ quán tạm thời đóng cửa, Đại sứ và nhân viên làm việc tại nhà. Vào thời điểm đó, quan chức y tế Hy Lạp ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này là 84, trong đó có 3 người nước ngoài.
Theo thông báo gửi Liên hợp quốc ngày 12/3, một nhà ngoại giao nữ thuộc phái bộ Philippines tại LHQ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đây là trường hợp nhà ngoại giao nữ đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại trụ sở của cơ quan quốc tế này ở New York.
Thông báo của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 14/3 nêu rõ: “Thật không may, chúng tôi đã ghi nhận trường hợp đầu tiên là một nhà ngoại giao tiếp xúc với SARS-CoV-2 tại một trong các quốc gia". Theo đó, các cơ quan ngoại giao Ukraine tại nước ngoài tạm chuyển sang hoạt động từ xa để đảm bảo mạng lưới hỗ trợ hiệu quả cho công dân Ukraine trên thế giới.
Thông báo ngày 17/3 của Bộ Ngoại giao Israel cho biết, Đại sứ Israel tại Đức Jeremy Isacharoff có kết quả dương tính với virus chết người này. Trước đó, ông đã gặp một lãnh đạo của Quốc hội liên bang Đức. Đại sứ quán Israel tại Berlin cũng đã đóng cửa trong ngày 13/3 và toàn bộ các nhà ngoại giao tự cách ly tại nhà.
Ngày 2/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát thông báo cho biết, một nhân viên người Czech làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Praha có kết quả dương tính với virus gây chết người. Trước đó, ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng xác nhận một nhân viên Czech khác tại Đại sứ quán mắc Covid-19.
Theo tờ Mainichi Nhật Bản ngày 3/4, có 3 nhân viên Nhật Bản tại các cơ quan đại diện ngoại giao Nhật Bản ở Mỹ và Bắc Macedonia nhiễm virus SARS-CoV-2.
...
Việt Nam - chung một chiến hào
Bộ Ngoại giao ngày 3/4 thông tin về ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. |
Với ngành Ngoại giao Việt Nam, thông tin từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 3/4 cho biết, trong quá trình tham gia hoạt động đối ngoại, một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã nhiễm Covid-19. Đây được xem là trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 ở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Một vị Đại sứ Việt Nam đã từng nói rằng, “không có sự lựa chọn nào khác” đối với những nhà ngoại giao đang công tác ở nước ngoài khi giữa một bên là việc bảo toàn sự an nguy cho chính họ, người thân và đồng nghiệp với một bên là xông pha vào trận chiến bảo vệ công dân Việt Nam đang kêu cứu…
Họ, những nhà ngoại giao đang ở tuyến đầu trong việc thực hiện các hoạt động đối ngoại của đất nước cũng chính là những “chiến sĩ” thực thụ trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 đang âm thầm công phá hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thực hiện sứ mệnh bảo hộ công dân, họ kiên cường bám trụ tại địa bàn, bất chấp những hiểm nguy có thể đến vào bất cứ lúc nào. Các Đại sứ, cán bộ phụ trách lãnh sự túc trực ngày đêm, điện thoại "cháy máy" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trả lời email bất cứ khi nào... và lúc cần, đến gặp gỡ, động viên bà con hay lên đường tới sân bay cho những chuyến bay "giải cứu" đưa bà con về nước an toàn.
Có lẽ, hơn ai hết, họ thấu hiểu tình cảnh để có thể nói lên 4 chữ "tôi muốn về nhà", nơi đang được xem là "ngọn hải đăng" trong phòng chống dịch Covid-19. Nhưng dường như, không nhà ngoại giao nào thốt lên như vậy, khi sứ mệnh của họ với đất nước đang còn dang dở, khi cánh cửa mở ra với họ có thể là cánh cửa đóng lại với những người khác.
Những nỗ lực ngoại giao xuyên biên giới trên thế giới vẫn tiếp tục tiếp diễn, từ hỗ trợ trang thiết bị y tế đến hợp tác tìm ra vaccine, chống tin giả..., các nhà ngoại giao vẫn đang thực hiện chính sách "Ai ở đâu, ở yên đấy". Xin mượn lời của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, "Nếu cần, chúng tôi nguyện là những người lính cuối cùng chỉ rời khỏi đất nước này khi tất cả bà con bình an và khi được cấp trên cho phép".