📞

Chất xúc tác mới cho quan hệ Mỹ và ASEAN

Sơn Trà 14:15 | 02/06/2022
Xung đột Nga-Ukraine đã tạo động lực mới để khởi động lại quan hệ Mỹ-ASEAN sau 45 năm gắn bó.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại phiên họp về Chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ ngày 14/5. (Nguồn: Bernama)

Sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ở thủ đô Washington D.C vào tháng 5/2022, lập trường của Mỹ với khu vực Đông Nam Á là chủ đề tiếp tục được tranh luận.

Lợi ích kinh tế và an ninh

Một thực tế đang nổi lên, đó là khu vực này cần sự hiện diện của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoan nghênh thiện ý của Tổng thống Joe Biden khi đưa ra lời mời tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt lần đầu tiên vào tháng 10/2021.

Các lợi ích kinh tế và an ninh chung lâu đời của hai bên trở thành định hướng quan trọng cho quan hệ Mỹ-ASEAN. Nhưng sự trỗi dậy của các cường quốc mới như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã khiến đối thoại cấp cao nhất giữa Mỹ và ASEAN trở nên cấp thiết hơn.

Niềm tin của các nhà lãnh đạo ASEAN đối với vai trò của Mỹ trong khu vực đã tăng lên dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, ông Biden đã bổ nhiệm một trong những cố vấn thân cận của mình, ông Yahannes Abraham, làm đặc phái viên mới của Mỹ tại Ban Thư ký ASEAN sau 6 năm bỏ trống.

Điều quan trọng cần lưu ý, Trung Quốc đã không bỏ lỡ hơn hai chục hội nghị cấp cao liên quan đến ASEAN kể từ khi Bắc Kinh trở thành đối tác đối thoại với ASEAN vào năm 1992.

Các cuộc họp cấp cao thường xuyên đã củng cố quan hệ ASEAN-Trung Quốc và biến nó thành quan hệ đối thoại năng động nhất của khối. Mối quan hệ Trung Quốc và ASEAN đã nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2021.

Australia cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN vào năm 2021.

Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ở Washington, Mỹ và ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Với cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, Mỹ đang cố gắng thu hút sự ủng hộ của ASEAN đối với các lệnh trừng phạt với Nga.

Từ đầu năm 2021, chính quyền của ông Biden nhận ra rằng, để giành được sự ủng hộ và hợp tác từ ASEAN thì cần phải có các tiếp cận linh hoạt hơn. Nằm trong định hướng đó, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mới được công bố, một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, được thiết kế để đáp ứng lợi ích của cả Mỹ và các nước khu vực.

Bảy trong số mười thành viên của ASEAN nằm trong số 13 nước ký kết thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng minh. IPEF vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và các cuộc thảo luận và đàm phán về nội dung IPEF sẽ mất thời gian do sự khác nhau về các quan điểm và thực tiễn kinh tế.

Coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN

Để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới, Mỹ nên tập trung vào các cách thức để tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với ASEAN, từ đó sẽ thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.

Phải mất gần một thập kỷ nước Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama mới chấp nhận vai trò lãnh đạo của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Kể từ bây giờ, Washington phải thể hiện sự sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo các đường hướng do ASEAN khởi xướng.

ASEAN đã ưu tiên 4 lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế. Mỹ sẽ cần cởi mở khi hợp tác với ASEAN vì các khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác đã cam kết làm như vậy.

Hợp tác chung trên các khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Mỹ và ASEAN sẽ tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và giải quyết các thách thức trong khu vực.

Theo thời gian, cả hai bên có thể mở rộng hợp tác từ dịch Covid-19 và an ninh y tế toàn cầu cho đến khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững, các vấn đề hàng hải, giáo dục, giao lưu nhân dân và can dự kinh tế.

Để nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới, cả hai bên nên tập trung thúc đẩy chương trình nghị sự song phương và tận dụng sức mạnh tổng hợp của mình trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

(theo Eurasia Review)