Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) cùng Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cắt băng khánh thành Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi tại Addis Abba, Ethiopia ngày 11/1/2023. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Trong suốt ba thập kỷ qua, các Ngoại trưởng Trung Quốc luôn chọn châu Phi là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu năm của mình. Điều này một lần nữa được chứng minh khi tháng Giêng vừa qua, tân Ngoại trưởng Tần Cương đã có chuyến công du nước ngoài đầu năm mới tới Ethiopia, Gabon, Angola, Benin và Ai Cập.
Trong chuyến thăm, ông đã công bố nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi, bao gồm cả Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi mới ở Ethiopia do nước này tài trợ và xây dựng. Đáng chú ý, ban đầu Mỹ cũng định tham gia xây dựng trung tâm này, song đã rút lui do lo ngại về khả năng Trung Quốc thu thập thông tin tình báo.
Ông Tần Cương cũng cam kết hỗ trợ các nỗ lực tái thiết trên khắp vùng Tigray của Ethiopia, nơi gần đây đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau hai năm tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc thể hiện sự quan tâm với châu Phi bằng vô số giao dịch và khoản đầu tư, đáng chú ý nhất là các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác.
Sự hiện diện mạnh mẽ, rộng khắp của Trung Quốc ở châu Phi đã thu hút sự chú ý của các bên vốn không thực sự quan tâm tới khu vực này. Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai sẽ diễn ra tại St. Petersburg mùa Hè này, sau khi hội nghị đầu tiên năm 2019 có sự góp mặt của nguyên thủ 43 nước châu Phi.
Ông chủ Điện Kremlin nêu rõ: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với những người bạn châu Phi và chúng tôi sẵn lòng cùng nhau định hình chương trình nghị sự toàn cầu”.
Trong suốt ba thập kỷ qua, các Ngoại trưởng Trung Quốc luôn chọn châu Phi là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu năm mới của mình. |
Tất nhiên, chính quyền Mỹ nhanh chóng nhận thấy điều này và Tổng thống Joe Biden đang dành sự chú ý nhiều hơn tới các nước châu Phi. Tháng 12/2022, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi diễn ra tại Washington D.C và một tháng sau, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thăm Senegal, Zambia và Nam Phi. Đầu tháng Ba, Ngoại trưởng Antony Blinken công du Ethiopia và Niger. Phó Tổng thống Kamala Harris vừa kết thúc chuyến công du Ghana, Zambia và Tanzania.
Đáng chú ý, Washington và Bắc Kinh đều cố hết sức để khẳng định rằng sự quan tâm của họ không bị chi phối bởi đối phương. Phát biểu tại Ethiopia, ông Tần Cương cho biết: “Châu Phi nên là một pháo đài lớn cho hợp tác quốc tế, không phải đấu trường cho sự cạnh tranh của các thế lực mạnh”. Trong khi đó, trong chuyến thăm Senegal, bà Yellen cũng khẳng định: “Đây không phải là sự cạnh tranh với Trung Quốc mà chúng tôi muốn cam kết sâu đậm hơn với châu Phi”.
Sẽ là không hợp lý nếu nói rằng việc sự quan tâm của Mỹ với khu vực này không liên quan gì đến cạnh tranh chiến lược hiện nay. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều nước châu Phi đang phải đối mặt với vô số thách thức kinh tế, Washington cũng nên thận trọng trong việc đánh giá về vai trò của khu vực, đặc biệt trong tương lai.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cùng phu quân tại Sân bay quốc tế Kotaka, Ghana ngày 26/3 trong khuôn khổ chuyến công du châu Phi. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Dự báo của Liên hợp quốc cho thấy dân số thế giới sẽ tăng từ con số 7,7 tỷ hiện nay lên 11,2 tỷ vào năm 2100, với phần lớn sự gia tăng đến từ châu Phi. Đến năm 2030, thanh niên châu Phi dự kiến sẽ chiếm 42% thanh niên toàn cầu. Đến năm 2050, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt khoảng 16.100 USD. Đó là chưa kể tới nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào tại đây.
Điều này mang lại cơ hội to lớn cho doanh nghiệp toàn cầu và lãnh đạo châu Phi có thể vạch ra một tương lai kinh tế rõ ràng hơn cho mình.
Tuy nhiên, nếu Mỹ hay Trung Quốc mô tả việc tiếp cận với châu Phi được mô tả là “cạnh tranh chiến lược” hoặc “đầu tư chiến lược”, người dân nơi đây có thể nghĩ rằng: “Một lần nữa, đó không phải là về chúng tôi, mà là về bọn họ”.
Trong bối cảnh đó, điều các nước lớn nên làm là lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ những nhà lãnh đạo, doanh nhân trẻ tại đây theo đuổi ước vọng, hoài bão phát triển…, qua đó thúc đẩy sự phát triển của lục địa nói chung và lợi ích của mình nói riêng.