📞
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung vòng thứ 13:

Chỉ là một 'bước đệm nhỏ' cho vòng đàm phán tiếp theo

Chu An 11:42 | 11/10/2019
TGVN. Triển vọng về một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc tại vòng đàm phán thương mại thứ 13 của các quan chức thương mại cấp cao bắt đầu vào tối ngày 10/10 (theo giờ Mỹ) đã quá mờ nhạt.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 13 tại Washington. (Nguồn: Bloomberg)

Theo ABC News, ngăn chặn cuộc chiến tranh thương mại là điều nan giải, nhưng sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4/2017 yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ điều tra việc nhập khẩu thép và nhôm có gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không là một bước đi đúng lúc.

Tháng 2/2018, mức thuế 30% nhìn bề ngoài có vẻ vô hại đã được áp đặt với những mặt hàng nhỏ như pin mặt trời và máy giặt. Một tháng sau, mức thuế đánh vào hàng hóa trị giá 10 tỷ USD đã tăng lên 25% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ và 10% đối với nhôm. Mười tám tháng tiếp theo đó, Mỹ liên tục đưa ra các biện pháp áp thuế bổ sung và bức tường thuế quan ngày càng lớn. Mỹ đã áp thuế nặng đối với khoảng 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 185 tỷ USD.

Như vậy, đến nay, hai bên đã đánh thuế đối với lượng hàng hóa của nhau tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD và Mỹ - Trung sẽ thảo luận nghiêm túc về vấn đề tiền bạc.

Sự lạc quan bị dập tắt

Cách đây vài tuần, vòng đàm phán thứ 13 đã có một chút lạc quan, nhưng nó đã bị dập tắt đáng kể trong những ngày gần đây.

Những dấu hiệu tiêu cực thể hiện ở việc Mỹ đã áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc động thái của Mỹ đã vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, làm suy yếu lợi ích của họ và áp đặt hạn chế thị thực đối với chính họ. Ngay sau đó, Mỹ đã bổ sung một loạt công ty và cơ quan chính phủ của Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại của Mỹ liên quan đến vấn đề nhân quyền này. Đáp lại, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc.

Đặc biệt, một bài đăng trên twitter của một ủy viên Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) ủng hộ người biểu tình Hong Kong đã trở thành một sự cố ngoại giao và Truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) đã hủy bỏ phát sóng các trận đấu (không quan trọng) của NBA trước mùa giải.

Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ 13 vẫn còn một vài dấu hiệu tích cực. Các cuộc đàm phán đã không bị hủy bỏ, thông tin Trung Quốc có kế hoạch rút khỏi vòng đàm phán sớm đã bị bác bỏ. Trước thềm vòng đàm phán, Trung Quốc sẽ đề nghị mua thêm nông sản của Mỹ.

Thêm vào đó, một trong những cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Global Times đã nhấn mạnh rằng, phái đoàn do Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các quan chức cấp cao của Trung Quốc sẽ cố gắng để đạt được kết quả trong vòng đàm phán này.

Tuy phạm vi kết quả không được đề cập, nhưng một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc muốn "nhắm" đến một mục tiêu khá hạn chế, không phải là thỏa thuận sâu rộng về trợ cấp cho ngành công nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ - những vấn đề mà Mỹ lo ngại.

Theo Gao Lingyun, chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, một số quan chức cấp cao Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ lần này, chứng tỏ Bắc Kinh cũng có những kỳ vọng nhất định đối với Washington.

Thỏa thuận xa tầm với

Trước mắt, nếu vòng đàm phán tại Washington kết thúc không suôn sẻ, đợt thuế quan tiếp theo sẽ bắt đầu được áp dụng vào ngày 15/10.

Việc Mỹ tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ 25% lên 30% ban đầu được lên kế hoạch vào đầu tháng 10 này, nhưng đã được hoãn lại 2 tuần như một cử chỉ thiện chí trước cuộc đàm phán tại Washington. Con số 30% có thể chỉ là bước khởi đầu trên đường tiến tới áp thuế 50%, mức thuế được cho phép theo Đạo luật thuế quan năm 1930 nếu hai nền kinh tế thế giới không tìm được "tiếng nói chung".

Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu của Mỹ BlackRock nhận định trước vòng đầm phán lần này: "Chúng tôi thấy một vài khả năng đạt được thỏa thuận 'đình chiến', nhưng một thỏa thuận thương mại toàn diện khó có thể xảy ra".

Tương tự, Ngân hàng đầu tư Citi của Mỹ cũng hoài nghi về vòng đàm phán thương mại thứ 13. Đại diện Citi cho rằng, mặc dù Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận hạn chế bao gồm việc mua hàng nông sản của Mỹ để đổi lấy việc nới lỏng những hạn chế đối với Huawei, nhưng đây chỉ là khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Hay nói cách khác, vòng đàm phán tại Washington sẽ chỉ là "bước đệm nhỏ" trên đường tiến tới vòng đàm phán thứ 14 và có thể còn xa hơn.

(theo ABC)