Tương lai của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu ông Biden đắc cử Tổng thống vẫn đang khó đoán định. (Nguồn: AP) |
Mặc dù không thể dựa vào các chính sách trước đây để đánh giá triển vọng tương lai và không thể dự đoán chính xác các nội dung trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Joe Biden, nhưng hồ sơ chính sách đối ngoại của ông, nhất là dưới thời ông Obama, cũng như các tuyên bố của những người đại diện cho ông có thể vạch ra những đường nét khái quát.
Có thể dự đoán rằng, cách tiếp cận của ông Biden đối với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông sẽ cứng rắn hơn trước đây, nhưng sẽ khác biệt đáng kể về phong cách và phần nào về bản chất so với cách tiếp cận của ông Trump.
Vấn đề Trung Quốc
Biển Đông vẫn là tâm điểm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của bất kỳ đảng nào và quan hệ với Trung Quốc là chìa khóa giải mã chính sách khu vực của Mỹ trong mọi thời kỳ. Ông Biden nổi tiếng là một chính trị gia ôn hòa, tính tình nhã nhặn, trái ngược với thái độ gay gắt và khó đoán của ông Trump. Tuy nhiên, phần lớn những nội dung cơ bản trong cách tiếp cận hiện tại, theo ông James Kraska có lẽ sẽ vẫn được duy trì dưới thời ông Biden.
Phản ứng của ông Trump là khơi mào cuộc chiến thương mại, làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc nhưng cũng gây thiệt hại cho chính Mỹ. Sức mạnh kinh tế là nền tảng để Trung Quốc trỗi dậy vượt bậc và mang lại sự tự tin cho quốc gia này.
Ông Trump cũng tập trung củng cố các liên minh quân sự và tăng cường các chiến dịch hiện diện quân sự thông qua việc đẩy mạnh triển khai các lực lượng hải quân và không quân từ Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) đến Biển Đông.
Có thể dự đoán rằng, Chính quyền Biden sẽ tiếp tục các chính sách này với một số thay đổi, tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng quan hệ với các đồng minh khu vực, nhưng có thể sẽ giảm bớt các chiến dịch hiện diện quân sự.
Tái định hướng chính sách quân sự
Trong gần 5 thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, ông Biden thường xuyên thay đổi quan điểm, thể hiện sự linh hoạt trong việc cân đối các lợi ích mâu thuẫn nhau của Mỹ, dù không có lợi thế của một tầm nhìn chiến lược đã có từ trước. Trên thực tế, có thể dự đoán, ông sẽ đi theo đường lối trung dung, coi trọng ngoại giao nhằm tìm kiếm các kết quả có lợi cho tất cả các bên và giải quyết các vấn đề quan trọng đối với cử tri Mỹ.
Năm 2019, ông Biden đã đánh giá thấp thách thức từ Bắc Kinh khi cho rằng Trung Quốc “không phải là đối thủ cạnh tranh”. Song kể từ đó, ông đã thay đổi lập trường theo hướng cứng rắn hơn khi lên tiếng cảnh báo Trung Quốc. Quả thật, hai chính đảng ở Mỹ hiện đều cho rằng, Trung Quốc đã ngày càng trở thành mối đe dọa, nếu không muốn nói là nghiêm trọng, đối với Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác.
Nếu ông Biden đắc cử, Chính quyền Mỹ có thể sẽ thừa nhận rằng, thời kỳ bá quyền và thống trị của hải quân Mỹ tại Đông Á đã khép lại. Thực tế mới sẽ đòi hỏi Mỹ phải từ bỏ các công cụ “ngoại giao pháo hạm” truyền thống vốn là trọng tâm của chiến lược, chẳng hạn như tàu sân bay và thay vào đó tập trung vào các lợi thế bất đối xứng với chi phí thấp.
Với quan điểm này, Mỹ sẽ đối phó với sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc không phải bằng một chương trình đóng tàu đắt tiền, mà bằng các tên lửa được triển khai phía trước, trong đó có các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình siêu thanh.
Việc nhận thức được các giới hạn thực tế của sức mạnh Mỹ cho thấy rõ rằng, Washington đang cần các đồng minh hơn bao giờ hết. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á đồng nghĩa với việc chính quyền Biden có thể sẽ bắt tay vào chương trình khôi phục các liên minh.
Những hiềm khích gây mệt mỏi và vô nghĩa mà ông Trump đã gây ra với các đồng minh xung quanh vấn đề chia sẻ gánh nặng, cũng như việc ông khăng khăng đưa ra những đòi hỏi vô nguyên tắc, mang tính chiến thuật và giao dịch gây thiệt hại cho các mối quan hệ chiến lược, lơ là các giá trị cốt lõi của nhân quyền đã góp phần khiến các mối quan hệ của Mỹ trong khu vực ngày càng rạn nứt.
Giành lại vị thế cho nước Mỹ
Các thực tế quân sự này không đồng nghĩa với việc chính quyền Biden tin rằng, một cuộc Chiến tranh Lạnh là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc và Mỹ vốn dĩ đã rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng các cố vấn của ông Biden nhiều khả năng sẽ tìm kiếm một mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc.
Êkíp của ông Biden gần như chắc chắn sẽ đề cao các giải pháp “đôi bên cùng có lợi” thông qua đàm phán và có thể sẽ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, con đường này sẽ không dễ dàng.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có liên hệ mật thiết với phí tổn kinh tế và sự thịnh vượng của cả hai cường quốc và giữa Mỹ và Trung Quốc có những khác biệt cơ bản về những sự hy sinh có thể chấp nhận được nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Chính quyền tương lai của ông Biden cũng có thể cùng châu Âu thông qua thỏa thuận Iran một lần nữa. Nếu được Thượng viện ủng hộ, chính quyền mới của Mỹ có thể tham gia UNCLOS, một động thái hẳn sẽ được hoan nghênh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ có thể quay lại TPP
Mặc dù việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ chính quyền Mỹ thường không mang lại cho các liên minh quân sự của Mỹ nhiều thay đổi quan trọng, nhưng chính quyền ông Biden có thể thay đổi đáng kể chính sách thương mại của Mỹ.
Năm 2016, Mỹ đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, nhưng Chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định này một năm sau đó. Các quốc gia thành viên còn lại đã thông qua hiệp định giữa họ vào năm 2018 mà không có Mỹ.
Với cuộc thảo luận mới về đa dạng hóa các chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dưới thời ông Biden, Mỹ có thể sẽ quay trở lại với TPP, tạo ra một mạng lưới mới gồm các nền kinh tế cam kết cắt giảm thuế quan và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Cách tiếp cận thích hợp
Mặc dù cả ông Trump và ông Biden đều coi Trung Quốc là vấn đề gây khó chịu với Mỹ, nhưng họ lại có cách giải quyết khác nhau.
Chính quyền ông Biden chắc chắn sẽ tiếp tục xây dựng khả năng răn đe đáng tin cậy thông qua sức mạnh quân sự bất đối xứng và các mối quan hệ lâu dài giữa các quốc gia cùng chung chí hướng, nhưng với giọng điệu có thể bớt gay gắt hơn so với chính quyền Tổng thống Trump.
Bằng cách từ bỏ chính sách “nước Mỹ trước tiên”, vốn đôi khi gây khó chịu cho các đồng minh của Mỹ, ông Biden nhiều khả năng sẽ chú trọng các liên minh và các quan hệ đối tác nhằm mở rộng việc chia sẻ gánh nặng và làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo ban biên tập tờ New York Times, “giải pháp có thể không hào nhoáng nhưng lại có hiệu quả”. Tác động lớn nhất của việc ông Biden lên nắm quyền có thể là sự thắt chặt các mối quan hệ đối tác với các quốc gia khác thay vì trực tiếp thách thức Trung Quốc.