EU công bố Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày 16/9. (Nguồn: ecfr.eu) |
Những lo ngại không thể xem nhẹ
Ngày 16/9 vừa qua, EU công bố Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chia sẻ về chiến lược mới này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Nếu muốn trở thành một chủ thể tích cực hơn trên toàn cầu, EU cũng cần tập trung vào thế hệ tiếp theo của các mối quan hệ đối tác".
Bên cạnh Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU cũng đang tìm cách khởi động “Cánh cổng toàn cầu” (Global Gateway) như một kế hoạch để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
EU dường như quyết tâm phát triển các mối quan hệ đối tác hiện hành ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và củng cố hơn nữa các mối quan hệ này để đảm bảo EU sẽ trở thành một chủ thể chính trị, kinh tế và an ninh tại khu vực.
Châu Âu bắt đầu quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi Đức công bố “Những hướng dẫn chính sách cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” hồi tháng 9/2020.
Ngoài ra, những lo ngại gia tăng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến các lợi ích của châu Âu cũng khiến EU không thể xem nhẹ những chính sách liên quan tới khu vực này.
EU cảm thấy cần phải đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á, chịu trách nhiệm lớn hơn trước các vấn đề của khu vực này. Số phận của châu Á cũng gắn liền với số phận của châu Âu.
Châu Âu chủ yếu tương tác với khu vực này trong lĩnh vực thương mại, do vậy, an ninh của các Tuyến giao thông trên biển (SLOC) và việc đảm bảo qua lại an toàn cho các tàu thương mại là mối quan tâm quan trọng đối với EU. EU sẽ nghĩ đến việc hợp tác cùng các nước cùng chí hướng khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ trong lĩnh vực hàng hải.
EU cần tính đến các chiến lược hợp tác với Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mười một quốc gia thành viên EU coi Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “sự khẳng định quyền tự chủ chiến lược của châu Âu”, tức là châu Âu “tự mình vươn lên mà không cần Mỹ hỗ trợ”.
Tám quốc gia EU coi chiến lược này là một cách quản lý liên minh xuyên Đại Tây Dương, có thể duy trì sự tham gia của Mỹ trong bối cảnh trọng tâm của Washington nghiêng về Thái Bình Dương hơn là châu Âu.
Sáu quốc gia EU cho rằng việc EU công bố Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một phần trong nỗ lực rõ ràng nhằm liên kết với Mỹ tại khu vực này.
Những lập trường khác nhau của các thành viên EU đặt ra câu hỏi liệu EU sẽ nhìn nhận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ ưu thế kinh tế hay ưu thế chiến lược trong chiến lược mới này.
Đa dạng các mối quan hệ
Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như đang hướng nhiều hơn đến việc dựa vào các mối quan hệ đối tác đã được thiết lập từ trước và phát triển các quan hệ đối tác mới với các quốc gia cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đảm bảo vai trò và sự hiện diện ngày càng tăng của EU ở khu vực.
EU đang tìm kiếm các quan hệ đối tác kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, nhằm tăng cường hợp tác và khả năng tương tác về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI).
EU cũng mong muốn hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại với Australia, Indonesia và New Zealand. Mục tiêu chính của việc bắt tay với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là xây dựng các chuỗi giá trị toàn cầu bền vững và linh hoạt hơn.
EU cũng sẵn sàng cộng tác với các nước đối tác là thành viên của nhóm Bộ tứ (Quad), đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu, công nghệ và vaccine.
Mối quan hệ đối tác đối thoại EU-ASEAN cũng được EU coi trọng. EU có niềm tin vào vai trò trung tâm của ASEAN.
Thúc đẩy an ninh hàng hải
Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có đề cập các cuộc tập trận chung, các chuyến ghé cảng để đảm bảo tự do hàng hải và chống cướp biển, trong bối cảnh Pháp và Đức hiện đã đang tham gia các cuộc tập trận chung với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác.
Khả năng thiết lập “Các khu vực hàng hải cùng quan tâm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và hợp tác với các đối tác trong khu vực đã được EU gợi ý.
EU sẽ tìm kiếm các cách thức để đảm bảo các nước thành viên tăng cường triển khai hải quân nhằm giúp bảo vệ các tuyến giao thông trên biển và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường năng lực của các đối tác Ấn Độ Dương trong việc đảm bảo an ninh hàng hải.
Việc chia sẻ thông tin với các nước đối tác cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy thông qua các trung tâm tổng hợp thông tin. EU chuẩn bị đẩy mạnh các hoạt động với các đối tác trong khuôn khổ dự án Tăng cường hợp tác an ninh trong châu Á và với châu Á (ESIWA), bao gồm chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải và quản lý khủng hoảng.
Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã vạch ra một con đường rất an toàn cho EU, và EU sẽ hết sức thận trọng để đi theo con đường này.
Chiến lược này đem lại nhiều cơ hội để các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng bắt tay với EU trong các lĩnh vực khác nhau.