📞

Chiến lược logistics của Lào trong ASEAN: Mọi đường ray đều dẫn về Vientiane

Lan Anh 17:08 | 19/07/2022
Lào, quốc gia không tiếp giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á, đang hướng tới phát triển thành trung tâm logistics trong ASEAN nhờ hệ thống đường sắt kết nối với các nước láng giềng.
Chính phủ Lào đang nỗ lực biến Vientiane thành điểm nút kết nối ASEAN và thị trường Trung Quốc thông qua cả đường sắt và đường bộ. (Nguồn: aseanbriefing)

Những tuyến đường sắt dần đi vào hoạt động

Theo báo Vientiane Times, tuyến đường sắt Vientiane-Vũng Áng dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay. Đây là bước tiến mới nhất trong chiến lược của chính phủ Lào nhằm tăng cường mạng lưới đường sắt với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, hướng tới đưa thủ đô Vientiane thành trung tâm logistics của ASEAN.

Mới đây, ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade), đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane rằng: “Lễ động thổ công trình sẽ diễn ra vào tháng 11 tới”.

Trước đó, nghiên cứu về tính khả thi của dự án đã được hoàn thành vào giữa tháng Ba.

Tháng 12 năm ngoái, khu logistics ở thủ đô Vientiane đã khai trương, một ngày sau khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào nằm trong khuôn khổ Sáng kiến ​Vành đai và con đường (BRI) được hoàn thành.

Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tham dự lễ khai trương và chứng kiến những chiếc xe tải chất đầy hàng hóa đi đến các điểm ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Cơ sở này là một dự án hợp tác bắt đầu vào năm 2020 giữa chính phủ Lào và một công ty con của PetroTrade.

Khu logistics ở Vientiane rộng 3,82 triệu mét vuông, được xây dựng với chi phí 727 triệu USD, bao gồm cảng cạn Thanaleng và các cơ sở khác. Dự án sẽ tiếp tục được xây dựng thêm trong năm nay, gồm một khu chế xuất, các khu văn phòng và thương mại.

Bên kia dòng Mekong, một trung tâm logistics tại Thái Lan cũng đang được lên kế hoạch xây dựng nhằm tận dụng tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào.

Xung quanh ga Natha, tỉnh Nong Khai gần biên giới Lào, những tấm biển gỗ lớn được treo lên, thông báo sự xuất hiện sắp tới của một trung tâm logistics khổng lồ. Một bản vẽ mô tả những container cao su và mạch nha vận chuyển đến trung tâm được trưng bày trong nhà ga.

Theo lời của nhân viên, nhà ga này sẽ được chuyển đi sau khi trung tâm hoàn thành xây dựng.

Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) dự định mở cửa trung tâm rộng 430.000 mét vuông này vào năm 2026. Nó sẽ được kết nối với cảng thương mại lớn nhất nước, cảng Laem Chabang, thông qua đường sắt.

SRT dự kiến xây dựng bãi container, các cơ sở vận chuyển, nhà kho và các cơ sở khác theo hình thức hợp tác công tư.

Theo kế hoạch, hàng hóa sẽ được vận chuyển đến Lào bằng cầu qua sông Mekong, sau đó đến Trung Quốc bằng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào. Tuyến đường này đã đi vào hoạt động tháng 12 năm ngoái.

SRT dự định nâng số chuyến tàu khứ hồi mỗi ngày giữa Thái Lan và Lào từ 2 lên 24 vào năm 2026. Một cây cầu mới cũng sẽ được xây dựng vì lo ngại cây cầu Hữu nghị Thái-Lào hiện tại sẽ không đủ khả năng đáp ứng sự gia tăng dự kiến ​​của lưu lượng hàng hóa. Cây cầu mới cũng có thể tiếp nhận các chuyến tàu của Trung Quốc và Lào.

Thủy điện là ngành công nghiệp lớn duy nhất của Lào khi tận dụng được nguồn nước dồi dào của nước này. Thu nhập bình quân đầu người của Lào vào năm 2020 là 2.630 USD, chưa bằng 5% so với Singapore và thấp thứ ba Đông Nam Á, chỉ hơn Campuchia và Myanmar.

Vào tháng 12 năm ngoái, một tuyến đường sắt nối Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane đã được khai trương. Tuyến đường này cho thấy dự án biến đường sắt trở thành hình thức vận chuyển chính giữa Trung Quốc và ASEAN là hoàn toàn có thể.

Lễ khai trương Trung tâm Logistics Vientiane ngày 4/12/2021. (Nguồn: Thanaleng Dry Port)

Hướng tới thành điểm nút kết nối ASEAN và Trung Quốc

Mặc dù hệ thống vận chuyển đường sắt giữa Thái Lan và Lào đã đi vào hoạt động từ năm 2019, hầu hết hàng hóa vẫn được vận chuyển bởi xe tải. Tuy nhiên, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã giảm đáng kể thời gian vận chuyển từ Thái Lan sang Trung Quốc qua Lào.

Hồi tháng Một, Thái Lan đã xuất khẩu 1.000 tấn gạo sang Trung Quốc thông qua tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào.

Theo Bộ Công chính và Vận tải Lào, sau khi tuyến đường sắt được thông xe, xuất khẩu từ tỉnh Nong Khai đã tăng gấp 2,6 lần về trọng lượng và khoảng 50% về giá trị so với năm trước.

Các loại trái cây như sầu riêng hay cao su tự nhiên cũng là những mặt hàng quan trọng được vận chuyển bằng đường sắt.

Vận chuyển hàng từ Vientiane đi Côn Minh bằng xe tải mất 2-3 ngày trong khi vận chuyển bằng đường sắt chỉ mất 20-24 tiếng, giúp giảm chi phí vận chuyển từ 20%-40%.

Theo báo cáo từ Trung Quốc và Lào, tính đến giữa tháng Ba, nhập khẩu thông qua tuyến đường sắt Trung-Lào đã vượt 120.000 tấn trong khi xuất khẩu vượt 70.000 tấn.

Giá dầu thô tăng do xung đột Nga-Ukraine và việc Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 khiến cho mối quan tâm về đường sắt ngày càng tăng cao.

Giá nhiên liệu cao kéo theo chi phí vận tải tăng. Những khó khăn trong thủ tục hải quan do các biện pháp phòng Covid-19 nghiêm ngặt tại biên giới Trung Quốc khiến các xe tải thường bị mắc kẹt. Trái lại, các tuyến đường sắt có hành trình trôi chảy hơn, từ đó thúc đẩy sự quan tâm đến đường sắt.

Công ty Logistic DHL của Đức là đơn vị giao nhận hàng hóa quốc tế đầu tiên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt hai chiều giữa Côn Minh và Vientiane thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào.

Phó chủ tịch DHL Global Forwarding tại Đông Nam Á Bruno Selmoni cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ổn định đối với các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt hai chiều trên tuyến đường sắt Lào-Trung. Nhu cầu ấy được bắt nguồn bởi sự tắc nghẽn tại biên giới với Trung Quốc do tình hình dịch Covid-19”.

Theo ông Selmoni, tuyến đường sắt Lào-Trung trở thành phương thức vận tải quan trọng cho hàng hóa giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Chính phủ Lào đang nỗ lực biến Vientiane thành điểm nút kết nối ASEAN và thị trường Trung Quốc thông qua cả đường sắt và đường bộ bằng cách tập trung các dịch vụ thông quan và logistics tại thành phố.

Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viengsavath Siphandon cho biết, nếu chi phí logistics giảm đáng kể, nước này sẽ tăng được khả năng cạnh tranh thương mại và kích thích đầu tư.

(theo Nikkei Asia)