📞

Chiến lược ngoại giao 'xông xáo' của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi

Thế Anh 16:43 | 24/02/2021
TGVN. Thông qua các biện pháp ngoại giao 'xông xáo' trên khắp các lĩnh vực, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày trên đà gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi.
TIKA - Cơ quan phát triển Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 22 văn phòng ở châu Phi và tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và y tế cho châu lục này. (Nguồn: FT)

Trang The Africa Report ngày 18/2 đăng bài phân tích của tác giả Joséphine Dedet về nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua.

Theo bài viết, vào năm 2005, trong chuyến công du tới 4 nước châu Phi gồm Ethiopia, Nam Phi, Morocco và Tunisia, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (hiện là Tổng thống) khi đó hướng đến 2 mục tiêu là đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi mối quan hệ gần như chỉ có với phương Tây và mở ra các khu vực mới chưa được khai thác cho thương mại nước này.

Đối tác chiến lược của Liên minh châu Phi

Trước đó, năm 1998, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy nỗ lực đầu tiên để cải thiện mối quan hệ với châu Phi. Ngoại trưởng Ismail Cem (đảng Tự do) đã vạch ra “chương trình hành động cho châu Phi”, nhưng kế hoạch đó chưa bao giờ được thực hiện do khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan trở thành đảng cầm quyền và sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản Anatolia với niềm tin vững chắc và năng động trong kinh doanh đã thay đổi cục diện tình hình.

Thêm vào đó, sự phát triển của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) hiện đang có đường bay tới 60 thành phố ở châu Phi và các tập đoàn khổng lồ bắt đầu hoạt động kinh doanh trên lục địa này, các công ty nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

15 năm sau chuyến thăm đầu tiên của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một chủ thể quan trọng tại châu Phi. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là “đối tác chiến lược” của Liên minh châu Phi (AU) và là thành viên ngoài khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB).

Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Phi đã tăng từ 3 tỷ USD vào đầu những năm 2000 lên hơn 26 tỷ USD vào năm 2019.

Nhiều diễn đàn kinh doanh Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi được tổ chức, gần đây nhất diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 8-9/10/2020. Các tổ chức vận động hành lang kinh doanh chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Tüsiad và Müsiad, cũng như Deik (Hội đồng quan hệ kinh tế với nước ngoài) đang hoạt động tích cực tại châu Phi.

Các tổ chức này được hỗ trợ bởi TIKA - Cơ quan phát triển Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 22 văn phòng ở châu Phi và tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và y tế. TIKA cũng cải tạo các tòa nhà từ thời Ottoman, chẳng hạn như Nhà thờ Hồi giáo Ketchaoua ở Algiers (Algeria).

Đây là một phần trong quyền lực mềm của Ankara, vốn không chỉ giới hạn trong những bộ phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sốt ở Bắc Phi.

Việc xây dựng các bệnh viện, chẳng hạn như bệnh viện ở Mogadishu (Somalia), hoạt động y tế miễn phí và tặng một đội xe bus ở Conakry (Guinea)...cũng nằm trong danh sách dài các cử chỉ hảo tâm từ nhà nước, các tổ chức phi chính phủ hoặc các công ty tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, trung tâm văn hóa Yunus Emre thứ 7 hiện đang được xây dựng và Quỹ giáo dục Maarif của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hiện diện tại 31 quốc gia châu Phi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) với người đồng cấp Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed. (Nguồn: Getty Images)

"Người chơi" quan trọng

Song song với đó, các mối quan hệ chính trị cũng được thiết lập vững mạnh khi Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên "xông xáo" thể hiện sự ủng hộ với các nước châu Phi.

Trong nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ở Mali, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc sử dụng “các giải pháp châu Phi”, đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang vận động hành lang để châu Phi có vị trí tốt hơn trong các tổ chức quốc tế.

Nhằm bảo vệ các lợi ích chính trị của Ankara, ông Erdogan khuyến khích Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavusoglu và Chính phủ nước này tăng cường quan hệ với châu Phi, trong đó có việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi lần thứ 3 và mở đại sứ quán tại các quốc gia của lục địa này.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 42 đại sứ quán tại châu Phi và sắp tới là 2 sứ quán mới tại Togo và Guinea-Bissau.

Đồng thời, ông Erdogan cũng phát triển mối quan hệ thân thiện với một số nhà lãnh đạo châu Phi, chẳng hạn như Tổng thống Guinea Alpha Condé, Tổng thống Senegal Macky Sall và Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou.

Đặc biệt, mối quan hệ thân thiết của ông Erdogan với Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj đã dẫn đến việc ký kết một thỏa thuận về biên giới hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ-Libya ở phía Đông Địa Trung Hải.

Tương tự, mối quan hệ tốt đẹp của ông Erdogan với Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed cùng với việc ông Erdogan là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Somalia bị chiến tranh tàn phá đã giúp Ankara mở một căn cứ quân sự ở Mogadishu, nơi 200 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đồn trú và huấn luyện quân đội quốc gia Somalia.

Bằng nỗ lực ngoại giao trên nhiều phương diện, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần trở thành một "người chơi" quan trọng tại châu Phi.

(theo Africa Report)