Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết. (Nguồn: Reuters) |
Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) mới đây đã công bố Báo cáo “Mạng Internet toàn cầu năm 2030”.
Theo Báo cáo, lựa chọn hệ thống thông tin của các nước đang phát triển sẽ tác động tới sự phát triển của nhà cung cấp mạng Internet lớn nhất toàn cầu, các nước này cũng sẽ đóng vai trò quyết định đối với cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung 10 năm tới.
Trong cuộc cạnh tranh giành giật thị trường tại các nước đang phát triển, Trung Quốc đề xuất sáng kiến Con đường tơ lụa số - một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trong khuôn khổ sáng kiến này, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Âu, xây dựng 30 hệ thống cáp quang xuyên biên giới với các nước dọc BRI và hơn 10 hệ thống cáp quang biển quốc tế.
Quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng số của Trung Quốc ở châu Phi đã vượt qua tổng số vốn đầu tư của chính phủ tất cả các nước châu Phi, các tổ chức đa phương và các nước G7 tại châu lục này.
Báo cáo của CSIS cho biết, Mỹ có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực này với các cơ quan nghiên cứu hàng đầu, công nghệ điện toán lượng tử đứng đầu thế giới.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi.
Trong khi đó, nếu xảy ra các sự kiện đảo chính dẫn đến biến động lớn về chính sách trong nước, các biện pháp của Trung Quốc tương đối hạn chế, do thực hiện nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nước khác.
Giới học giả Trung Quốc bình luận, dù một số ngành nghề của hai bên trùng lặp, nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng có thể cung cấp các lợi thế khác nhau.
Trong lĩnh vực thông tin, Mỹ sở hữu một số công nghệ lõi độc quyền mà Trung Quốc không có, nhưng do ngành chế tạo của Mỹ đã chuyển ra nước ngoài, nên Mỹ phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.