📞

Chiến tranh thương mại mở "đường mới" cho các dòng hàng quốc tế

20:00 | 01/04/2019
Một năm kể từ đợt thuế quan đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một số dòng hàng hóa xuất, nhập khẩu quốc tế đã được thay đổi đáng kể.

Hiện tại, hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang ở bàn đàm phán để tìm ra một thỏa thuận chấm dứt tranh chấp. Mới đây, những quyết định được cho là “nhún nhường” của cả hai nước đã tạo ra một “bầu không khí mới” để tiếp tục các cuộc đàm phán.

Nhưng ngay cả khi quan hệ song phương được cải thiện thì những thay đổi trong việc trao đổi hàng hóa quốc tế có thể vẫn tiếp tục kéo dài. Cụ thể, Brazil nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu đậu tương của Trung Quốc, trong khi Australia cũng thực hiện tương tự như vậy đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Brazil nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu đậu tương của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Dấu hiệu này xuất hiện vào năm ngoái tại một cơ sở xuất khẩu ngũ cốc ở miền nam Brazil, thuộc sở hữu của một nhà giao dịch Nhật Bản. Tại các cơ sở sản xuất, thay vì tiếp tục xuất khẩu ngô, họ lại tập trung vào các lô hàng đậu tương để xuất sang Trung Quốc. Tổng sản lượng xuất khẩu của vụ mùa từ tháng 9 - 12 tăng khoảng 150%/năm.

Năm 2018, Trung Quốc - nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới với 90 triệu tấn/năm - đã áp mức thuế quan 25% đối với sản phẩm này của Mỹ để “trả đũa” mức thuế quan mà Washington áp dụng với hàng hóa của Bắc Kinh. Do đó, nhập khẩu đậu tương từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm gần một nửa trong năm 2018 (xuống còn 16,64 triệu tấn). Trong khi đó, nhập khẩu đậu tương từ Brazil tăng khoảng 30% (lên khoảng 66 triệu tấn).

Nhu cầu thấp hơn từ Trung Quốc, nơi đã mua khoảng 60% đậu tương của Mỹ, đã khiến người trồng loại cây này ở Mỹ phải tìm một hướng đi khác. Tính đến cuối tháng 3/2019, xuất khẩu đậu tương từ Mỹ tới Liên minh châu Âu ở mức 6,74 triệu tấn - cao hơn gấp đôi so với năm trước. Xuất khẩu đậu tương sang các thị trường ở châu Á và châu Đại Dương cũng tăng gần 30%. Tuy nhiên, những con số gia tăng đó cũng không thấm tháp so với các đơn hàng đến từ Trung Quốc. 

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, một mô hình tương tự đang diễn ra với xuất khẩu năng lượng. Năm 2018, khối lượng xuất khẩu LNG của Mỹ chỉ tăng 53% (tăng khoảng 22,76 triệu tấn), giảm so với mức tăng trưởng của năm trước.

Vào tháng 12/2018, ba tháng sau khi Bắc Kinh áp thuế 10% đối với LNG của Washington, khối lượng xuất khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm 80% so với năm trươc (xuống còn 80.000 tấn).

Các lô hàng nhiên liệu từ Mỹ đến Trung Quốc đã giảm đáng kể, thay vào đó Trung Quốc đang nhập khẩu từ các quốc gia khác như Australia. (Nguồn: Reuters)

Khả năng cung của Mỹ vẫn tăng đều, do sản lượng LNG tăng lên nhờ một cuộc cách mạng trong sản xuất khí đá phiến. Nhưng trong khi đó, với dự báo khối lượng nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2040, Trung Quốc đang lựa chọn cách chuyển sang giao dịch với các nhà xuất khẩu khí đốt lâu năm như Australia để đáp ứng cầu của mình.

Quyết định của Trung Quốc khiến thị phần xuất khẩu của Mỹ giảm, trong khi, tổng khối lượng xuất khẩu LNG của Australia tính đến tháng 6/2019 dự kiến ​​sẽ tăng 23% (lên 75,6 triệu tấn).

Trung Quốc cũng mạo hiểm đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu. Năm ngoái, PetroChina đã ký một hợp đồng 22 năm để nhận LNG từ nhà cung cấp Qatargas ở Trung Đông.

Dòng chảy thương mại quốc tế cũng bị thay đổi bởi thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Năm 2018, nhập khẩu sắt thép của Mỹ giảm 11% (xuống 30,57 triệu tấn). Thống kê quốc gia cho thấy, nhập khẩu sắt thép của Mỹ từ Trung Quốc giảm 14% và từ các nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc giảm gần 30%. 

Thay vào đó, sản phẩm này đã được chuyển hướng vào châu Á. Chẳng hạn, xuất khẩu sắt thép từ Hàn Quốc đã hướng đến Ấn Độ. Năm ngoái, khối lượng xuất khẩu sắt thép sang Ấn Độ tăng 10%. Nhập khẩu nguyên liệu thép của Nhật Bản từ Trung Quốc cũng tăng đáng kể từ tháng 9/2018.

Các nhà sản xuất nhôm (bao gồm Canada và một số quốc gia Nam Mỹ) cũng dần chuyển hướng sang châu Á. Nhập khẩu nhôm của Nhật Bản từ Canada và Argentina đã tăng lần lượt 29% và 15% trong năm 2018, dự báo sẽ tiếp tục còn tăng trong năm nay.

Tại các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, quan hệ song phương hai nước đã nhận được nhiều tín hiệu vui. Ông Trump đồng ý trì hoãn thuế quan mới đối với Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc cũng sẽ tạm dừng mức tăng thuế quan đối với xe ô tô của Mỹ. Nhưng ngay cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kết thúc, thì dòng chảy hàng hóa khó có thể trở lại mô hình trước đây của nó.

 

(theo Nikkei)