Ảnh minh họa |
Các cường quốc trên thế giới đang “lao mình” vào chiến sự tại Libya bởi trữ lượng dầu mỏ không nhỏ của quốc gia Bắc Phi này. Đó là nhận định của ông Praveen Swami, chuyên gia phân tích hàng đầu của tờ báo Anh Telegraph. Nhận định này cũng trùng với rất nhiều tác giả. Phải chăng cuộc chiến đó vì dầu?
Nhìn về lịch sử
Nguồn năng lượng đã làm nên cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Anh hồi thế kỷ 18 là than đá. Trong các nhiên liệu hóa thạch, than đá là thứ phổ biến nhất trên Trái đất, nhưng nó cũng là nguồn gây ô nhiễm nhất. Vì vậy, khi dầu thô được phát hiện đầu tiên ở Đông Pennsylvania (Mỹ) năm 1850, hàng loạt ứng dụng xăng dầu đã ra đời và có vị trí ở Mỹ.
Sau đó, những trữ lượng dầu lớn hơn lại được phát hiện ở Cận Đông, đầu tiên là ở Iraq, vào đầu thế kỷ 20, và ở Saudi Arabia trong những năm 1930. Sự hợp tác chặt chẽ đã được tăng cường giữa Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu chủ yếu và Mỹ, nước tiêu thụ dầu nhiều nhất. Chính sự giàu có về dầu đã tiếp nhiên liệu cho các nỗ lực chiến tranh của Mỹ và đồng minh trong Thế chiến II. Những đường ống dẫn dầu được mở rộng khắp nước Mỹ trong chiến tranh để bảo vệ những nguồn cung dầu khỏi mối đe dọa từ tàu ngầm Đức. Đến cuối chiến tranh, dầu đã thay thế than trở thành nguồn năng lượng của nền kinh tế Mỹ.
Để tránh rớt giá dầu quá nhiều, một số quốc gia sản xuất dầu mỏ, nhất là những nước nằm ở vùng Cận Đông, đã thành lập nhóm gọi là các nước sản xuất và xuất khẩu dầu (OPEC). Khi ngành công nghiệp dầu khí phát triển, một số lượng lớn các công ty dầu khí “độc lập” được thành lập, dẫn tới ngày càng khó hạn chế sản xuất và kiểm soát giá cả.
Năm 1964, một yếu tố nữa của sự bất ổn đã được tạo ra do việc phát hiện ra một trữ lượng dầu lớn ở Libya. Mỏ dầu này nằm gần bề mặt, nên chi phí khai thác rẻ. Chất lượng dầu lại cao và thân thiện môi trường. Mỏ dầu lại nằm gần thị trường châu Âu và miền Đông Bắc nước Mỹ, những khu vực tiêu thụ dầu lớn, nên đe dọa tính cạnh tranh của các công ty dầu mỏ lớn. Hơn nữa, tình hình Libya thay đổi khi một nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền. Muammar Gaddafi không tiếp tục duy trì những quy tắc cũ vốn được xác lập giữa chính phủ các nước sản xuất dầu và các công ty dầu mỏ lớn. Gaddafi đã quốc hữu hoá phần lớn các cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya và nắm quyền kiểm soát giá cả từ các công ty dầu khí ở đó, khẳng định quyền kiểm soát nguồn dự trữ dầu quốc gia mình.
Động cơ ngầm
Năm 1970, Mỹ, quốc gia vốn tăng tỷ lệ tiêu thụ dầu ổn định khi nền kinh tế phát triển, lần đầu tiên không thể sản xuất dầu kịp với tốc độ tiêu thụ. Kể từ lúc đó, Mỹ đã trở thành một nước nhập khẩu dầu. Phụ thuộc vào thị trường dầu quốc tế cũng có nghĩa là Mỹ không còn có thể xuất khẩu dầu để ổn định giá.
Nhiều người còn nhớ cuộc khủng hoảng dầu lửa bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Ai Cập-Israel cuối năm 1973 chỉ trong mấy tháng đã “cuốn sạch” một nửa bán cầu rộng lớn. Tuy nhiên, điều mà ít người biết là sự bùng nổ cuộc khủng hoảng này trên thực tế là hậu quả của các hãng dầu lớn và các nhà đầu cơ tài chính của Anh và Mỹ đã nhúng tay vào dưới sự ủng hộ của chính phủ.
Theo Chinanews, một học giả chính trị người Đức đã dùng lịch sử khoa học thực tế để phân tích, vén bức màn bí mật về việc các nước phương Tây (chủ yếu là Anh, Mỹ) sử dụng vũ khí dầu mỏ để tạo dựng sự bá quyền toàn cầu. Theo đó, tháng 5/1973, 84 chính trị gia và nhà tài chính hàng đầu thế giới đã tề tựu tại đảo Baden (Thụy Điển) nhằm thao túng dòng chảy đô-la dầu mỏ sắp xảy ra.
Từ năm 1945, do các công ty dầu mỏ của Mỹ thống lĩnh thị trường năng lượng, đồng USD với tiêu chuẩn định giá dầu mỏ đã trở thành thông lệ quốc tế. Do đó, với việc giá dầu quốc tế đột nhiên tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc lượng nhu cầu đồng USD dùng để thu mua dầu mỏ cũng đã tăng theo. Để hành động, họ đã quyết định sử dụng vũ khí quyền lực tối cao để khống chế dòng chảy dầu mỏ của thế giới.
Có điều, chưa kịp thu lợi từ các nước OPEC như dự định, chiến tranh Ai Cập -Israel nổ ra ngày 6/10/1973 đã để lại hậu quả khôn lường. Vì hỗ trợ Israel quá mạnh, nên từ ngày 17/10/1973, các nước OPEC cùng với Ai Cập và Syria quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel. Sự kiện này đã khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 có quy mô toàn cầu.
Dầu cũng là “động cơ ngầm” để liên quân do Mỹ lãnh đạo can thiệp quân sự vào Iraq và Kuwait, những nước có trữ lượng dầu lớn ở Trung Đông, mặc dù lý do chính thức được đưa ra là để giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lược của Iraq (1990) hay tấn công Iraq (2003) vì nước này có vũ khí hạt nhân...
Tại sao lại là... Libya?
Trước cuộc tấn công quân sự của Mỹ và phương Tây vào Libya hiện nay, dư luận thế giới đặt câu hỏi tại sao mục tiêu lại là Libya? Các quốc gia phương Tây, đứng đầu là Pháp, lý luận ngay rằng Tổng thống Gaddafi đã hoặc đang dùng mọi biện pháp đàn áp các cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, theo giới quan sát quốc tế, thế giới đang chứng kiến sự khởi đầu của cuộc xâm lược, chiếm đóng mỏ dầu thô ở vị trí chiến lược của Libya. Libya đang trở thành Iraq thứ hai.
Đúng vậy. Trên lục địa Bắc Phi, cuộc nổi loạn và sự trả thù các phiến quân nổi loạn ở Somalia là một ví dụ tồi tệ nhất. Somalia là một chính quyền hỗn loạn, tan rã và thất bại. Nước này không có chính phủ ổn định kể từ năm 1991. Các quốc gia phương Tây không can thiệp cứu lấy cuộc sống của thường dân vì Somalia không có dầu thô. Rồi cuộc thảm sát ở Rwanda năm 1994 khiến gần 1 triệu người thiệt mạng. Lòng căm thù và sự xung đột sắc tộc giữa người Hutu và người Tutsi gây ra tội ác diệt chủng kinh hoàng. Các quốc gia phương Tây khoanh tay đứng nhìn bất chấp sự hiện diện của quân LHQ! Hay như Cộng đồng Kinh tế Tây Phi phải chi hàng tỷ USD vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định cho Liberia và Sierra Leone, nhưng không hề có gợi ý can thiệp quân sự để bảo vệ tính mạng cho thường dân vô tội ở đây. Phải chăng những nước này không giống Libya và Iraq: không có dầu mỏ?
Theo PressTV, các nhà phân tích chính trị nhận định động cơ chính đứng sau cuộc tấn công của phương Tây là trữ lượng dầu mỏ phong phú tại quốc gia Bắc Phi này. Báo chí quốc tế những ngày này cũng cho rằng cuộc chiến sặc mùi “dầu”. Chẳng hạn, tờ PC Latest news bình luận, lý do thực sự cho hành động quân sự của Mỹ ở Libya cũng tương tự như ở Iraq và Afghanistan. Đó là dầu mỏ. Cuộc tấn công thứ nhất của Mỹ vào Afghanistan là để kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan qua Afghanistan tới Pakistan và Ấn Độ. Cuộc chiến tranh thứ hai - Mỹ đánh Iraq là để kiểm soát các trữ lượng dầu của Iraq. Và cuộc tấn công lần này vào Libya nhằm kiểm soát nguồn dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi và lớn thứ chín trên thế giới.
Còn theo báo Assabah, cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của phương Tây tại thế giới Ảrập kể từ năm 2003 “làm dấy lên nhiều lo lắng và khiến ký ức về những gì xảy ra tại Iraq trở lại”. Tờ báo bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, các lợi ích vật chất là động lực chính cho sự can thiệp quân sự này và nó bắt đầu từ dầu mỏ”. Tại Algeria, tờ báo bán chạy hàng đầu El Khabar đăng bài bình luận trang nhất tiêu đề “Khi dầu trộn lẫn với máu người Libya”. Tờ báo khẳng định “sự bất đồng quốc tế - về việc can thiệp quân sự - là kết quả của một cuộc chạy đua giành mỏ dầu Libya”.
Mạnh mẽ hơn, theo NgEx!, phần lớn lãnh thổ chưa được thăm dò và như thế Libya có thể có nguồn tài nguyên dầu nhiều hơn nữa. Mà chỉ cần nguồn tài nguyên dầu thô có giá trị cao (hay còn gọi là dầu thô ngọt) và vị trí địa lý chiến lược của Libya chắc chắn đã là động lực cho một cuộc tranh cướp tài nguyên mới giữa các nước phương Tây trên lục địa châu Phi và khu vực Trung Đông... Không bàn đến Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi có vô tội hay không, song cuộc tấn công này không phải vì người dân Libya. Họ đang cố gắng kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng trên thế giới.
Hoàng Minh (tổng hợp từ PressTV, FT, Telegraph)