Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tối 29/7 trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á. (Nguồn: Reuters) |
Một thời ngờ vực
Về vị trí địa lý, Đông Nam Á đóng vai trò là cầu nối giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các chính quyền Mỹ đều thể hiện sự quan tâm với khu vực này.
Tuy vậy, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Đông Nam Á có ít định lượng hơn trong chính sách đối ngoại Mỹ. Việc chính quyền này không cử đại diện cấp cao tới các cuộc họp và hay bổ nhiệm Đại sứ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong suốt 4 năm là biểu hiện cho sự thờ ơ đó.
Thêm vào đó, khu vực cũng gặp khó khăn bởi khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump hay nỗ lực cân bằng kim ngạch thương mại có lợi cho Mỹ.
Các quốc gia cũng bị đặt trong thế lưỡng nan trước yêu cầu chọn phe trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Việc nước Mỹ dưới thời ông Trump không coi trọng các mối quan hệ liên minh và ưu tiên “chủ nghĩa giao dịch” đã cuốn trôi sự tin tưởng của lãnh đạo khu vực vào cam kết của Washington đối với Đông Nam Á.
Gió có đảo chiều?
Trong bối cảnh đó, chiến thắng của ông Joe Biden đã khiến họ thở phào nhẹ nhõm. Khảo sát của Viện ISEAS-Yusok Ishak (Singapore) cho thấy, 68,6% người dân thuộc thành viên ASEAN được hỏi cho rằng, Mỹ sẽ thúc đẩy sự hiện diện tại khu vực dưới thời ông Biden; 55,4% coi Washington là đối tác chiến lược, với cam kết an ninh đáng tin cậy ở khu vực này.
Song 6 tháng đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng này. Cuộc họp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Antony Blinken với đối tác ASEAN hồi tháng 5 đã bị hủy bỏ vì các vấn đề kỹ thuật. Kế hoạch tham dự Đối thoại Shangri-la của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bị hoãn vì đại dịch. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa hội đàm với một nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á nào và đang tỏ ra chậm trễ trong việc bổ nhiệm đại sứ tại các quốc gia khu vực và ASEAN.
Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Trong vài tuần vừa qua, chính quyền của ông Joe Biden đã bắt đầu triển khai một số bước đi ngoại giao với Đông Nam Á.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm đại sứ, Mỹ đang thể hiện lại cam kết thông qua hoạt động của một số quan chức cấp cao. Nổi bật trong số đó là chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào tuần trước.
Ngoại giao Covid-19 cũng trở thành một trụ cột trong chiến lược khu vực của Washington. Mỹ đã gửi 23 triệu liều vaccine Covid-19 đến Đông Nam Á và cam kết cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine Covid-19 khác thông qua Bộ tứ.
Với lãnh đạo Đông Nam Á, chuyến thăm đặc biệt có giá trị khi ông Austin gọi khu vực là “ưu tiên chiến lược hàng đầu”, nhắc lại sự ủng hộ của Washington với vai trò trung tâm của ASEAN và tái khẳng định cam kết quốc phòng của Mỹ. |
Hai vấn đề then chốt
Giáo sư Brad Glosserman cũng chỉ ra hai vấn đề then chốt nhằm gia tăng sức ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á.
Thứ nhất, các chính phủ trong khu vực muốn cân bằng hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, tránh phụ thuộc quá nhiều vào phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc có Sáng kiến Vành đai và Con đường để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại khu vực, song Mỹ thì chưa.
Dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã hợp tác với Tokyo và Canberra để khởi động Mạng lưới Chấm xanh (Blue Dot) năm 2019, nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cho tới nay, phương hướng triển khai của sáng kiến này vẫn tương đối mơ hồ và khó triển khai vì thiếu vốn, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ ưu tiên nguồn lực phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Vấn đề thứ hai là dưới thời ông Biden, Mỹ có xu hướng tập trung vào vấn đề dân chủ và các giá trị, sẵn sàng vạch ra ranh giới rõ ràng giữa các chính phủ tự do và phi tự do. Điều này có thể cản trở hợp tác giữa Washington và một số quốc gia trong khu vực.
Giáo sư Brad Glosserman đề xuất, Washington nên hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản để thúc đẩy lợi ích ở Đông Nam Á. Tokyo là người chơi quen thuộc tại đây. Do đó, liên kết với Nhật Bản sẽ giúp Mỹ bù đắp cho khởi đầu có phần “chậm chạp” ở khu vực.