📞

Chính sách 'cây gậy và củ cà rốt' của ông Joe Biden ở Trung Đông

Hoài Sa 19:15 | 05/03/2021
TGVN. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang một mặt thúc đẩy các giá trị dân chủ của Mỹ, một mặt duy trì các lợi ích địa chính trị, kinh tế và chiến lược ở Trung Đông.
Qua những động thái mới đây tại khu vực Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như muốn cảnh báo các đối thủ của Mỹ rằng không nên coi chính quyền của ông là dễ tiếp cận. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây chấn động Trung Đông khi lưu ý các đồng minh và cảnh báo các đối thủ của Mỹ không nên coi chính quyền của ông là dễ tiếp cận. Ông đã tiết lộ phương pháp tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” truyền thống, một mặt nhằm thúc đẩy các giá trị dân chủ của Mỹ, một mặt duy trì các lợi ích địa chính trị, kinh tế và chiến lược của Mỹ ở một khu vực quan trọng nhưng đầy biến động trên thế giới. Liệu cách tiếp cận này có hiệu quả?

Giáo sư Amin Saikal thuộc Đại học Tây Australia đã đưa ra đánh giá về cách tiếp cận Trung Đông của tân Tổng thống Mỹ trên trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI).

Giải quyết bất đồng với Iran nhưng không quên các lợi ích của Mỹ

Theo Giáo sư Amin Saikal, Trung Đông là một khu vực có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược, đồng thời là khu vực mà Mỹ có nhiều đồng minh và đối thủ. Đây cũng là một khu vực phân cực cao, nhiều tranh chấp và xung đột. Do đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách thúc đẩy vai trò bá chủ Mỹ bằng cách xây dựng một liên minh Arab-Israel để đối đầu với Iran trong khu vực. Tương tự, ông Trump muốn kiểm tra vai trò của trục Iran-Nga ở Syria, bảo vệ Israel và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ở bất cứ mức độ nào.

Trong khi cách tiếp cận của cựu Tổng thống Trump làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, thì ông Joe Biden, người theo chủ nghĩa đa phương và có kiến thức về ngoại giao, dự định xử lý các vấn đề với khu vực theo cách nhấn mạnh các giá trị chủ nghĩa tự do trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời bảo vệ các lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ.

Ông Biden nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những bất đồng với Iran, đặc biệt là về chương trình hạt nhân, cũng như tầm ảnh hưởng trong khu vực và khả năng tên lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy nhiên, ông Biden đã cân bằng điều này khi khởi động chiến dịch quân sự đầu tiên ngay sau khi nắm quyền nhằm vào các căn cứ của lực lượng dân quân người Shi’ite do Iran hậu thuẫn tại Syria, sát khu vực biên giới với Iraq, chủ yếu để trả đũa một cuộc tấn công tên lửa được cho là của một lực lượng ủy nhiệm của Iran vào căn cứ của Mỹ ở Iraq hồi tháng 2 vừa qua.

Đó là cách để ông Biden báo hiệu với Tehran rằng một khi động đến các lợi ích chiến lược của Mỹ, ông sẽ không lùi bước. Tehran không thể không xem xét hành động đáp trả, tuy nhiên, giống như Mỹ, họ cũng không muốn leo thang xung đột.

Mới đây, Iran đã từ chối đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về các cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng điều đó có thể chỉ là một phần của “thế trận” vì Tehran cuối cùng sẽ thấy lợi ích của việc đạt được một thỏa thuận với Washington để đảm bảo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn làm suy yếu nền kinh tế Iran, tất nhiên không phải bằng mọi giá.

CIA đã xác định sự liên quan trực tiếp của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post. (Nguồn: Getty mages)

Đề cao dân chủ nhân quyền

Đồng thời, ông Biden đã thúc đẩy một số sáng kiến chính trị khác trong khu vực mà Iran có thể xem xét, bao gồm việc Mỹ ngừng bán các loại vũ khí tấn công cho Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho các hoạt động của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen và kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Yemen, loại bỏ lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn (đang chống lại chính phủ được Saudi Arabia hậu thuẫn ở Yemen) khỏi danh sách khủng bố của Mỹ, khôi phục một số viện trợ của Mỹ cho Chính quyền Palestine và chấm dứt các hành động đơn phương liên quan đến việc xây các khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ngoài ra, Washington đã công bố báo cáo của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) xác định sự liên quan trực tiếp của Thái tử Mohammed bin Salman (MBS), người cai trị trên thực tế của Saudi Arabia, trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi năm 2018.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các biện pháp này nhằm mục đích điều chỉnh lại thay vì phá vỡ mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia - một đồng minh quan trọng của Washington, nhưng chúng có thể còn có ý nghĩa lớn hơn thế.

Tại thời điểm này, Washington đã hạn chế việc trừng phạt trực tiếp đối với MBS, nhưng với việc chỉ đích danh vị Thái tử này là thủ phạm chính trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi, cũng như việc ông Biden liên lạc trực tiếp với Vua Salman để nhấn mạnh vấn đề nhân quyền đã gây tổn hại cho thanh danh của Thái tử.

Mặc dù kiểm soát các lực lượng vũ trang của Saudi Arabia để giữ vị trí hiện tại, MBS đang phải đối mặt với sự sụt giảm uy tín nghiêm trọng trong quan hệ với các đối thủ trong nước, bao gồm nhiều thành viên lớn tuổi trong hoàng tộc và các đối thủ nước ngoài. MBS có thể cố gắng chống lại các động thái của Washington bằng cách tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là thông qua Pakistan, quốc gia có vũ khí hạt nhân, có quan hệ chặt chẽ với cả Saudi Arabia và Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự can dự sâu rộng truyền thống của Mỹ vào nhiều lĩnh vực của Saudi Arabia, việc chuyển hướng sang Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả đáng kể, cả trong trung và dài hạn.

Ông Biden đã khởi xướng một chính sách Trung Đông bao hàm cả 2 vế của một phương trình, đó là đồng thời kêu gọi cải cách và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Cách tiếp cận này sẽ đưa quan hệ của Mỹ với khu vực đi đến đâu, chỉ có thời gian mới trả lời được.

Nhưng dù dù kết quả cuối cùng ra sao, các sáng kiến chính trị của ông Biden hứa hẹn sẽ có cơ sở vững chắc so với những sáng kiến mà người tiền nhiệm nổi tiếng với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” theo đuổi.

(theo ASPI)