Trả lời phỏng vấn Tạp chí International Studies (IS) ngày 29/10, nhà nghiên cứu Igor Mishin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, Viện Kinh tế quốc tế và quan hệ đối ngoại (IMEMO) trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) cho rằng cách tiếp cận của Washington đối với vấn đề Biển Đông ít có khả năng thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11
Chất xúc tác cạnh tranh Trung-Mỹ
Theo ông Igor Mishin, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ chính thức tuyên bố coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”.
Bối cảnh chung của quan hệ song phương xấu đi cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tranh chấp ở Biển Đông.
Hai tàu sân bay USS Ronald Reagan (dưới) và USS Nimitz cùng với tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton trên Biển Đông ngày 6/7/2020. (Nguồn: Nationalreview) |
Mỹ cho rằng chính sách của Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông đang đe dọa tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định ở khu vực.
Công cụ chính của Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là thường xuyên tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOP). Các hoạt động này bao gồm việc các tàu chiến của Hải quân Mỹ di chuyển gần các đảo tranh chấp mà Trung Quốc coi là “của mình”.
Ngoài ra, máy bay tuần tra chống ngầm P-8 Poseidon và máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cũng bay qua các đảo tranh chấp.
Theo chuyên gia Nga, trên quan điểm lợi ích quốc gia của Mỹ, sự tham gia tích cực của nước này ở Biển Đông là hành động chính đáng. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (hoặc nói theo quan điểm mới của Mỹ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ.
Mỹ thúc đẩy nền tảng đa phương
Các đồng minh của Mỹ ở châu Á đều có các mối quan tâm ở mức độ khác nhau đối với Biển Đông.
Philippines dù có nhiều vấn đề phát sinh trong quan hệ song phương với Mỹ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte song vẫn là đồng minh của Mỹ với hiệp ước phòng thủ chung. Các đồng minh của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông và do đó quan tâm đến tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hiện nay, Mỹ được nhìn nhận như lực lượng quan trọng có khả năng chống lại các hành động mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo phân tích của tờ Asiatimes, nếuTrung Quốc thâu tóm Biển Đông sẽ làm lung lay cấu trúc “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà Mỹ muốn dựng nên để từ đó xây dựng một liên minh đối đầu Trung Quốc.
Thực tế là nếu Mỹ không ủng hộ các tuyên bố và đòi hỏi của đồng minh cũng như bạn bè trong khu vực, tự Mỹ sẽ đánh mất uy tín không chỉ tại Đông Nam Á mà còn trên khắp thế giới. Sự gia tăng các động thái ở Biển Đông của Mỹ nhằm thể hiện sự chủ động hiện diện của quốc gia này.
Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực, vốn đang có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh, đang tìm cách đương đầu với sự bành trướng của Trung Quốc bằng cuộc chiến pháp lý. Một trong những biện pháp được triển khai mạnh mẽ từ đầu năm đến nay là việc gửi các công hàm ngoại giao để phản đối.
Mục tiêu của Washington là tạo ra một liên minh rộng lớn nhất có thể nhằm chống lại Trung Quốc, sử dụng cả mối quan hệ song phương với các đồng minh trong khu vực và cả các nền tảng đa phương, ví dụ như nhóm Bộ Tứ (Quad).
Trong những năm gần đây, cả Anh và Pháp tuy ở xa về mặt địa lý, song cũng tham gia các cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đông.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự hiện diện quân sự tích cực của Mỹ ở Biển Đông sẽ chỉ dẫn đến tình hình thêm bất ổn. Mỗi chiến dịch FONOP mới của Hải quân Mỹ đều có thể dẫn đến sự leo thang xung đột mạnh mẽ.
Chuyên gia Mishin cho rằng chiến lược của Washington ở Biển Đông phụ thuộc rất ít vào sự thay đổi chính quyền tổng thống tại Mỹ.
Trong hệ thống chính trị của Mỹ đã có sự đồng thuận rằng việc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi, và xung đột ở Biển Đông sẽ chỉ là một trong những “điểm nóng” của cuộc đối đầu này.
Dự thảo ngân sách quân sự của Mỹ cho năm tài chính 2021 xem xét việc phân bổ 1,4 tỷ USD (và thêm 5,5 tỷ USD nữa vào năm 2022) cho việc thành lập “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương". Mục tiêu chính của chương trình này là kiềm chế Bắc Kinh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu chương trình “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” được tổng thống Mỹ ký thông qua, chiến lược kiềm chế Trung Quốc rõ ràng sẽ mang tính lâu dài.
Trước đây, một chương trình tương tự của Mỹ nhằm chống lại Nga, được gọi là Sáng kiến An ninh châu Âu, cũng đã được đưa ra sau sự kiện Ukraine năm 2014.
| Trung Quốc, Canada cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông TGVN. Hai tập đoàn dầu khí của Trung Quốc và Canada đã bắt đầu khai thác dầu khí từ cụm mỏ Liuhua 29-1 (Lưu Hoa) ... |
| Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân TGVN. Ngày 3/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác đối xử ... |
| Máy bay ném bom chiến đấu JH-7A của Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông TGVN. Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông báo, lực lượng không quân của nước này đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ... |