Cho đến nay, Đức là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất tại châu Âu và là khách hàng quan trọng nhất của Nga. (Nguồn: Petrotimes) |
Một trong những tranh chấp chính trị kéo dài nhất của châu Âu giờ đây đã qua đi. Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đồng ý hủy bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Đức, đổi lại Đức cam kết tăng cường an ninh của các nước châu Âu nếu trong tương lai họ bị Nga gây sức ép về quân sự hay kinh tế.
Thỏa thuận này đã đem lại một cái nhìn mới về cách thức mà chính quyền Tổng thống Biden tạo dựng các liên minh toàn cầu chống lại những đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Washington.
Các chính trị gia Đức muốn cho thấy đất nước này là “đầu tàu” của châu Âu, một quốc gia cống hiến quên mình vì lợi ích của khu vực. Tuy nhiên, dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 lại là một dự án mà lợi ích quốc gia của Đức dường như đã được đặt lên hàng đầu. Cho đến nay, Đức là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất tại châu Âu và là khách hàng quan trọng nhất của Nga ở châu lục này.
Đức lập luận, đường ống dẫn này sẽ tăng cường an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) bằng việc gia tăng công suất của một tuyến đường cung cấp trực tiếp và an toàn. Các quan chức Đức cho biết, họ ủng hộ việc phát triển cơ sở hạ tầng này để đảm bảo, khí đốt có thể được vận chuyển trên khắp châu Âu một khi đến được Đức. Họ nhấn mạnh, Đức ủng hộ chiến lược năng lượng rộng lớn hơn cho châu Âu và dự án này là một hoạt động thương mại thuần túy, không liên quan gì đến chính trị.
Mỹ 'gay gắt', Đức vẫn kiên định
Những ý kiến phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ ra rằng, EU từ lâu đã đưa ra một chiến lược đa dạng hóa năng lượng đầy tham vọng. Chiến lược này sẽ được thực hiện dễ dàng hơn bởi thực tế có nhiều nhà sản xuất khác muốn bán hàng cho châu Âu và những công nghệ mới như khí tự nhiên hóa lỏng sẽ cho phép các nhà sản xuất như Qatar ở vùng Vịnh đưa ra sản phẩm cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy sự đa dạng hóa như vậy, Đức dường như quyết tâm gia tăng sự phụ thuộc trực tiếp vào Nga.
Điều quan trọng là Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ khiến Đức trở nên phụ thuộc hơn vào Nga, mà còn tăng cường khả năng của Nga trong việc gây sức ép lên các nước Trung và Đông Âu vốn từng là một phần của Liên Xô và đặc biệt lên quốc gia dễ bị tổn thương nhất là Ukraine.
Cho tới cách đây một thập kỷ, khoảng 80% xuất khẩu khí tự nhiên của Nga trung chuyển qua Ukraine. Điều đó đã đem lại cho người Ukraine hai lợi thế, một là doanh thu ổn định vì Nga phải chi trả phí vận chuyển lượng khí đốt qua các đường ống trung chuyển ở nước này và hai là đòn bẩy chính trị. Nếu Nga tìm cách kiềm chế nền kinh tế Ukraine thì Kiev có thể trả đũa bằng việc hạn chế xuất khẩu khí đốt của Nga.
Ngay sau khi Dòng chảy phương Bắc 1 - đường ống dẫn khí đốt chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến thẳng Đức - đi vào hoạt động năm 2011, lượng khí đốt của Nga được bơm qua Ukraine đã giảm xuống còn chưa đến 40% toàn bộ khí đốt xuất khẩu của Nga. Và khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, khí đốt của Nga sẽ không cần trung chuyển qua Ukraine.
Đó là những lý do tại sao hầu hết các nước châu Âu và các Tổng thống Mỹ kế tiếp nhau như Barack Obama, Donald Trump và ngày nay là Joe Biden, đều phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Sự phản đối của Quốc hội Mỹ gay gắt tới mức Nhà Trắng đã thường xuyên phải chống lại những yêu cầu áp đặt trừng phạt nhằm vào các công ty tham gia xây dựng đường ống dẫn này.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người luôn vun đắp hình ảnh là nhân vật hòa giải, đã không bị lay chuyển. Bà hoặc nhắc lại rằng, đường ống dẫn này thuần túy mang tính thương mại, hoặc gần đây hơn đã từ chối tham gia thảo luận về vấn đề này.
Tại sao Đức lại sẵn sàng “đốt cháy” quá nhiều thiện chí chính trị với bạn bè cũng như đồng minh về vấn đề này đến như vậy?
Thủ tướng Đức và các cố vấn thân cận nhất của bà thực sự tin rằng dự án này sẽ gắn Nga với châu Âu và khuyến khích Moscow trở nên thân thiện hơn. Không có nhiều bằng chứng cho điều này, nhưng lập luận đã trở nên phổ biến đối với một số người Đức.
Toan tính của ông Biden
Dù như thế nào thì vào thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức đầu năm nay, ông đã phải đối mặt với hai lựa chọn. Mỹ có thể tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia xây dựng đường ống dẫn, một chính sách đối đầu do ông Trump khởi xướng, nhưng cũng là chính sách được đảng Dân chủ của ông Biden ủng hộ. Hoặc ông có thể quyết định ngừng sự phản đối của Mỹ đối với dự án này và đổi lại yêu cầu Đức tăng cường an ninh của Ukraine.
Ông Biden đã lựa chọn cách thứ hai. Thỏa thuận giữa Washington và Berlin mới đây nhằm mục đích giảm nhẹ những hậu quả địa chính trị tiêu cực của dự án đường ống dẫn khí đốt Đức-Nga. Tuyên bố của Washington và Berlin cho biết: “Mỹ và Đức ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền của Ukraine, sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập của nước này và con đường châu Âu mà họ lựa chọn”.
Dòng chảy phương Bắc 2 thuộc sở hữu của Công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga. (Nguồn: Getty) |
Theo thỏa thuận, Đức sẽ gia tăng rất lớn viện trợ cho Ukraine và hỗ trợ sự độc lập của nước này đối với nhiên liệu hóa thạch. Một “Quỹ xanh dành cho Ukraine” trị giá hơn 1 tỷ USD sẽ được thành lập vì mục đích này, với việc Đức đóng góp 175 triệu USD ban đầu.
Ngoài ra, Đức đã thực hiện một chiến dịch vận động để tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga qua các đường ống hiện nay ở Ukraine. Và nếu Nga tìm cách sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 như một lực đòn bẩy chống lại Ukraine, thì các biện pháp trừng phạt kinh tế mới sẽ được áp đặt.
Bà Merkel phát biểu sau buổi ký kết thỏa thuận: “Tôi không muốn sử dụng biện pháp này, nhưng chúng tôi luôn có lựa chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt”.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát người Ukraine lập luận rằng, đất nước của họ có thể trở thành phòng thí nghiệm của các công nghệ năng lượng mới khó trở thành hiện thực. Quỹ 1 tỷ USD mà Đức sẽ đóng góp, ít hơn doanh thu trung chuyển năng lượng mà Ukraine từng nhận được từ Nga.
Hơn nữa, sự đảm bảo an ninh dành cho Ukraine trong thỏa thuận Mỹ-Đức vẫn còn nhiều yếu tố không rõ ràng. Thủ tướng Merkel sẽ rời khỏi chính trường trước cuối năm nay. Và đâu là “giới hạn đỏ” mà nếu Nga vượt qua thì sẽ bị trừng phạt?
Làm thế nào Đức có thể chắc chắn rằng, nếu họ muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, Berlin sẽ nhận được sự ủng hộ từ tất cả các nước thành viên khác của EU?
Tuy nhiên, có 2 kết luận quan trọng được rút ra từ câu chuyện này. Thứ nhất, uy thế lâu dài của Mỹ trong các vấn đề của châu Âu. Tuy nhiên, việc chấp nhận Dòng chảy phương Bắc 2 có thể khiến ông Biden chống lại chính những người ủng hộ ông trong Quốc hội. Mặt khác, Ukraine đã không được hỏi ý kiến khi thỏa thuận có liên quan đến họ được ký kết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ vào cuối tuần sau khi mà tất cả các điều khoản của thỏa thuận đã được thiết lập.
Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất là chính quyền Mỹ đã có những nhượng bộ vì họ tính toán rằng họ cần Đức trong việc giải quyết những mối lo ngại an ninh toàn cầu rộng lớn hơn. Và đối mặt nhu cầu đó, sự tranh cãi về một đường ống dẫn là không đáng có. Đó là cách tiếp cận mà các nước khác trên toàn thế giới hiện nay đang nhận được từ Washington.
Mỹ đưa ra những nhượng bộ khác nhau đối với những trở ngại và những bất đồng chính sách đang tồn tại, để đổi lấy cam kết từ các đồng minh rằng họ sẽ cùng chung tay giải quyết điều được coi là thách thức an ninh chính của Washington.