TIN LIÊN QUAN | |
Chủ tịch Trung Quốc sẽ mang "Con đường tơ lụa mới" đến châu Âu? | |
Italy trấn an Mỹ và châu Âu khi tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường" |
Từ ngày 21 đến 26/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Italy, công quốc Monaco và Pháp trong động thái thúc đẩy quan hệ thương mại với châu lục này, bên cạnh nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Đáng chú ý, chuyến công du trên diễn ra một tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch 10 điểm trong quan hệ với Trung Quốc, với cảnh báo Bắc Kinh vừa là “đối thủ” vừa là đối tác thương mại lớn nhất.
Thời gian qua, Trung Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với các công ty Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các hoạt động đầu tư ồ ạt này chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời tạo ra “bẫy nợ” cho những quốc gia dễ bị tổn thương về tài chính.
“Gõ cửa” thành Rome
Trong bối cảnh các nước châu Âu đang tỏ thái độ dè chừng với kế hoạch của Trung Quốc thì tuần qua, giới chức Italy thông báo rằng nước này sẽ ký với Bắc Kinh một Bản ghi nhớ (MoU) không ràng buộc để chính thức ủng hộ BRI, cho phép Trung Quốc có thể tham gia các lĩnh vực như viễn thông và cảng biển tại quốc gia châu Âu này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một số nước châu Âu từ 21 đến 26/3. (Nguồn: TTX) |
Theo lịch trình nhà lãnh đạo, Trung Quốc sẽ ở thăm Italy hai ngày (21 và 22/3) để hoàn tất thủ tục ký kết MoU với Rome. Nếu đúng như kế hoạch, Italy sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường.
Thiện chí hợp tác với Trung Quốc của Italy đang dấy lên "cơn bão dư luận" về mối lo ngại ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trước thực trạng Trung Quốc trì hoãn mở cửa nền kinh tế, làn sóng thu mua, sáp nhập của các doanh nghiệp nước này trong nhiều lĩnh vực quan trọng của EU và những cáo buộc về việc Bắc Kinh đang làm biến tướng thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 19/3 đã bác bỏ các lo ngại khi khẳng định Bản ghi nhớ (MoU) mà chính phủ nước này dự định sẽ ký với Trung Quốc để tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường” (BRI) không hề gây ra nguy cơ nào đối với lợi ích quốc gia của Italy và hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Liên minh châu Âu.
Ngoài Italy, Pháp là một điểm đến khác trong chuyến công du châu Âu lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước EU nên có “một hướng tiếp cận phối hợp” với Bắc Kinh: “Việc Trung Quốc tham gia đóng góp vào sự phát triển của nhiều nước là chuyện tốt nhưng tôi tin vào tinh thần bình đẳng và sự có qua có lại. Tinh thần bình đẳng có nghĩa là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia”.
Ông Tập Cận Bình cũng sẽ là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên ghé thăm Monaco, quốc gia nhỏ thứ hai thế giới, một địa điểm thu hút khách du lịch và là một Trung tâm tài chính. Điểm đến bất thường này được cho là một phần trong “học thuyết mở rộng sang Địa Trung Hải và Biển Đen” của Trung Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị trường.
Điệp vụ “giải cứu” Huawei
Chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc cũng diễn ra trong "cơn bão mang tên Huawei" khi Mỹ kêu gọi các đồng minh châu Âu tẩy chay thiết bị của tập đoàn viễn thông Huawei khỏi mạng 5G vì cho rằng Huawei hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Washington thậm chí còn đe dọa sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với EU nếu Brussels lờ đi lời khuyên từ phía Mỹ.
Đáp trả động thái này, ngày 18/3, trong cuộc gặp ngoại trưởng các nước EU tại Brussels, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích các “đòn tấn công bất thường” của Washington nhằm vào tập đoàn viễn thông Huawei là “vô cớ vì mục đích chính trị và là nỗ lực nhằm hạ bệ một công ty nước ngoài”. Ông tin rằng những hành động như vậy sẽ không nhận được sự ủng hộ từ những nước khác.
Mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, châu Âu đang phải cố gắng cân bằng những lo lắng về tầm ảnh hưởng tăng dần của Trung Quốc với mong muốn tăng cường làm ăn kinh doanh với đối tác thương mại lớn nhất này. Trong khi Mỹ và Australia đã loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G, các nước châu Âu vẫn để mở cánh cửa với tập đoàn Trung Quốc.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh MI6 Alex Younger đã tuyên bố rằng việc cấm Huawei sẽ không xảy ra, bởi có quá ít lựa chọn thay thế để nâng cấp hệ thống viễn thông Anh. Chính phủ Italy cũng lờ đi cảnh báo từ phía Mỹ bởi Italy đang muốn tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tại Đức, giới chức nước này đã đề xuất về quy định an ninh chặt chẽ hơn áp dụng với các mạng dữ liệu, chứ không muốn loại bỏ hẳn Huawei. Pháp đang làm tương tự dù ban đầu cũng từng để ngỏ khả năng hạn chế Huawei.
Do đó, chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Italy, Pháp và Monaco lần này ít nhiều sẽ nhằm tìm kiếm cam kết của các quốc gia này trong việc tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei. Nếu thành hiện thực, điều này sẽ khẳng định tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Châu Âu, đồng thời gia tăng vị thế của nước này trong đàm phán thương mại với Washington.
Quan trọng hơn, việc Trung Quốc duy trì và tìm kiếm sự ủng hộ Huawei, bất chấp sức ép đến từ Mỹ sẽ tạo dựng lòng tin trong giới doanh nghiệp trong nước, củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, chuẩn bị sẵn sàng cho những cơn sóng gió mới đến từ châu Mỹ.
(Bài viết được đăng tải trên Báo Thế giới và Việt Nam, phát hành thứ Năm, ngày 21/3/2019)
Bỏ ngoài tai những xì xào về “Vành đai - Con đường", Chủ tịch Trung Quốc công du châu Âu Việc Italy đồng tình với các đề xuất “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan ngại trong Liên ... |
Trung Quốc lo ngại Mỹ gạt bỏ thỏa thuận thương mại Ngày 14/3, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận ... |
Trung Quốc có quay lại sách lược “giấu mình chờ thời” ? Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 được kỳ vọng sẽ tìm ra câu trả lời cho những khó khăn hiện ... |