📞
100 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu

Đại sứ Vũ Dương Huân 14:00 | 03/05/2021
Là chiến sỹ cách mạng kiên trung, nhà ngoại giao tài ba thời đại Hồ Chí Minh, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) đã để lại nhiều di sản quý về ngoại giao. Một trong các di sản đó là những tư tưởng và chủ trương, kinh nghiệm về công tác xây dựng ngành nói chung và về công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ nghiên cứu nói riêng.
Trích Tham luận tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội. Tham luận tập trung phân tích những tư tưởng, chủ trương của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về công tác nghiên cứu và đào tạo bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu đối ngoại; đồng thời kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 15. (Ảnh tư liệu)

Thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã “coi công tác nghiên cứu là cực kỳ quan trọng”#_ftn1. Do coi trọng công tác nghiên cứu nên “ông dồn hết thời gian, công sức vào việc chỉ đạo công tác nghiên cứu giải pháp chính trị phục vụ đàm phán Paris; chiến lược các nước lớn Mỹ-Liên Xô-Trung Quốc; giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, kinh nghiệm thế giới chống lạm phát, cải cách, mở của”#_ftn2. Đó là nhân xét rất chính xác của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Thời cuộc là nhân tố rất quan trọng trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của quốc gia. Tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, khu vực là lĩnh vực rất rộng lớn, rất phức tạp, lại luôn biến động. Giáo sư A.B Torcunov, Nga cho rằng quan hệ quốc tế là lĩnh vực nghiên cứu khó khăn, phức tạp nhất#_ftn3. Từ coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, nên Bộ trưởng rất quan tâm tập hợp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu cho Bộ.

Thứ hai, để triển khai công tác nghiên cứu, Bộ trưởng luôn có nhiều sáng kiến tổ chức các cơ quan nghiên cứu khoa học. Năm 1977, để thúc đẩy công tác nghiên cứu của Bộ, theo sáng kiến của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao đã quyết định thành lập Viện Quan hệ quốc tế trên cơ sở thống nhất các đơn vị: Vụ Nghiên cứu - Tư liệu, Bộ phận Tổng kết và Thư viện Bộ.

Tiếp đó, năm 1987, cũng theo đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao đã ra một quyết định quan trọng: sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao thành lập năm 1959 vào Viện Quan hệ quốc tế. Ngoài ra, việc lập Tiểu ban Việt Nam (1965) thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách đấu tranh ngoại giao với Mỹ và trở thành cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị (1969).

Tiểu ban Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đứng đầu và thường trực là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Tiểu ban Việt Nam gồm hai đơn vị nghiên cứu: Tổ Giải pháp và Tổ Bước đi để nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Chính trị phục vụ đàm phán Paris. Đây cũng là công lao của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.

Các sáng kiến lớn tại Hội nghị Paris về Việt Nam như Giải pháp hòa bình Mười điểm (8/5/1969), Tuyên bố Chín điểm (26/6/1971), Dự thảo Hiệp định Paris… đều là sản phẩm của Tiểu ban Việt Nam. Đây là cơ quan nghiên cứu chiến lược đầu tiên về ngoại giao ở nước ta.

Mặt khác, để phục vụ việc nghiên cứu và đấu tranh về vấn đề Campuchia, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cho thành lập CP-87 (1987)… Ngoài ra, việc thành lập các đơn vị như Tổng hợp Đối ngoại, Tổng hợp Kinh tế, Văn hóa Đối ngoại, các vụ ngoại giao đa phương… cũng là sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch#_ftn4.

Thứ ba, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn rất “coi trọng công tác nghiên cứu cơ bản, dự báo chiến lược”#_ftn5. Nghiên cứu cơ bản là thu thập và xử lý thông tin đem lại hiểu biết cơ bản về sự kiện, hiện tượng và tiến trình quan hệ quốc tế. Nghiên cứu chiến lược không chỉ nhằm hiểu biết chiến lược của các nước khác mà còn phục vụ cho việc xây dựng chiến lược đối ngoại của chính nước mình#_ftn6. Nghiên cứu chiến lược cần làm rõ các vấn đề: bối cảnh chiến lược, mục tiêuchiến lược, sắp xếp lực lượng chiến lược và các công cụ chiến lược… Ví dụ đề tài Chiến lược của Mỹ trong bốn cuộc chiến tranh Trung Cận Đông#_ftn7.

Thứ tư, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn “trăn trở về phương pháp luận ngoại giao”#_ftn8. Đây là vấn đề Bộ trưởng đã bỏ nhiều công sức. Ông đã viết và trình bày chuyên đề rất hay “Những suy nghĩ về phương pháp luận công tác ngoại giao” cho cán bộ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao tại Câu lạc bộ Quốc tế đầu năm 1986. Trong thuyết trình của mình, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đề cập các thuyết quan hệ quốc tế từ cổ đến kim, nhận thức về ngoại giao là nghệ thuật về các khả năng, các khái niệm: ngoại giao tiến công, ngoại giao phòng ngừa, ngoại giao phục vụ kinh tế; đồng thời, làm rõ các vấn đề khác như sự lựa chọn ưu tiên ngoại giao trong từng giai đoạn lịch sử, vấn đề thêm bạn bớt thù, nắm bắt thời cơ, tập hợp lực lượng trên lợi ích quốc gia - dân tộc…#_ftn9.

Bộ trưởng luôn lưu ý cán bộ nghiên cứu “phải xuất phát từ quan điểm toàn diện”, “quan điểm lịch sử, tìm hiểu lịch sử của vấn đề, tìm hiểu quy luật phát triển của nó#_ftn10. Đại sứ Trần Huy Chương cũng nhớ lại: “Anh tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ phương pháp luận Mác-xít, nắm phương pháp lịch sử, phương pháp logic, đồng thời, có quan điểm hệ thống, toàn diện, tổng thể và trên cơ sở lợi ích của các bên”#_ftn11.

Ông Vũ Hắc Bồng vốn là Đại sứ nước ta tại Chile đã thuật lại ý kiến của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong cuộc họp đánh giá về tình hình Chile sau đảo chính năm 1973. Ông Thạch nhấn mạnh: Lưu ý khi nghiên cứu về Chile không thể nghiên cứu bản thân Chile, mà phải xem toàn phong trào Mỹ Latinh sau khi hình thành Nhà nước Cuba; nghiên cứu vấn đề Chile phải nghiên cứu từ chính sách chung của Mỹ và chính sách riêng của Mỹ ở Mỹ Latinh; muốn biết Chile phải biết sự hình thành hệ thống Công giáo của Mỹ Latinh và Chile vì đó là lực lượng chi phối chính trường Mỹ Latinh...#_ftn12.

Thứ năm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng rất quan tâm đến việc xây dựng “phương pháp làm việc khoa học và nghiêm tức”#_ftn13. Ông say mê nghiên cứu, đọc rộng, đọc nhiều, tự nghiên cứu. Ông là tấm gương lớn cho các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam về say mê nghiên cứu khoa học, làm việc theo tinh thần khoa học. Nội dung của phương pháp làm việc khoa học theo Nguyễn Cơ Thạch là đào sâu, tìm hiểu ngọn nguồn các vấn đề nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, lưu ý các vấn đề lớn, không tràn lan, coi trọng tranh luận, tranh thủ ý kiến rộng rãi ý kiến của mọi người dù là cán bộ lớn hay nhỏ, mới hay kỳ cựu, không bao giờ áp đặt ý kiến của mình cho người khác, coi trọng tính thực tế và hiệu quả công việc, không câu nệ hình thức…

Đại sứ Trần Trọng Toàn viết: “...năng ghi chép, suy nghĩ, đối chiếu, phân tích, tranh luận… Ông thích bàn thảo, tranh luận vì tranh luận là con đường tiếp cận chân lý, tìm ra các thức tốt nhất giải quyết vấn đề ”#_ftn14.

Thứ sáu, về nội dung và hình thức công tác bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu. Theo sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch những năm 1987-1984, Bộ Ngoại giao đã tiến hành hàng loạt các lớp đào tạo lại cho cán bộ ngoại giao (chuyên viên, cán bộ cấp vụ). Nội dụng đào tạo là lịch sử quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại Việt Nam, luật quốc tế, kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại Việt Nam, nghiệp vụ ngoại giao….

Một bộ môn khác mà Bộ trưởng cũng rất trăn trở là phương pháp luận, lý luận ngoại giao Việt Nam. Bộ trưởng đã nhiều làm trao đổi ý kiến với Giáo sư Văn Tạo, nhà sử học Nguyễn Lương Bích. Qua tự nghiên cứu và trao đổi ý kiến với các nhà khoa học lớn, Bộ trưởng đã viết chuyên đề “Phương pháp luận ngoại giao” như đã nói ở trên.

Hình thức đào tạo lại chủ yếu là tổ chức lớp học tập trung tại Viện Quan hệ quốc tế (Nay là Học viện Ngoại giao). Bộ trưởng còn rất coi trọng hình thức đào tạo qua công tác thực tiễn. Tổ chức cho cán bộ nghiên cứu làm đề tài khoa học chính là một cách rất thiết thực, hiệu quả nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học của cán bộ nghiên cứu.

Bộ trưởng đã dành nhiều công sức soạn thảo tài liệu “Các bước nghiên cứu viết chuyên đề”, phân tích kỹ 6 bước làm một đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hai bước đầu tiên: chọn đề tài và làm đề cương và kế hoạch nghiên cứu. Chuyên đề đã được trình bày cho cán bộ nghiên cứu của Bộ#_ftn15.Tài liệu này vẫn còn nguyên giá trị. Ngoài ra, chính Bộ trưởng đã đề xuất chế độ tập sự cấp vụ và tập sự cấp bộ, một kinh nghiệm rất hay nay được các ngành khác học tập.

Thứ bảy, để công tác đào tạo bồi dưỡng có hiệu quả phải quan tâm đến việc soạn tài liệu học tập, giáo trình. Để tổ chức các lớp kiến thức ngoại giao trong những năm 1978-1984, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tập trung đội ngũ cán bộ có trình độ cao như Lê Thanh Tâm, Đặng Nghiêm Bái, Đào Huy Ngọc, Phan Doãn Nam… để soạn đề cương bài giảng các môn học. Các tập đề cương môn chi tiết các môn học đã được biên soạn một cách công phu, bài bản. Bộ trưởng đặc biệt coi trọng việc biên soạn Tài liệu học tập môn Lịch sử quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam vì trước đó chúng ta chỉ có giáo trình của Liên Xô, không thể hiện được quan điểm của Việt Nam#_ftn16.

Thứ tám, phải biết kết hợp chặt chẽ nghiên cứu với giảng dạy cũng là tư tưởng quan trọng của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong công tác đào tạo bồi dưỡng nói chung và công tác bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu nói riêng. Cán bộ giảng dạy phải tham gia công tác nghiên cứu và cán bộ nghiên cứu phải tham gia công tác giảng dạy. Với việc kết hợp này cán bộ giảng dạy cũng như cán bộ nghiên cứu đều có điều kiện phát triển. Ngoài ra, giảng dạy tận dụng thành quả của nghiên cứu, tham gia giảng dạy sẽ gợi mở những vấn đề mới cho công tác nghiên cứu.

Một số biện pháp tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu

Qua nghiên cứu, tiếp thu di sản Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch về công tác xây dựng Ngành nói chung, công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu nối riêng; Nhằm thực hiện thành công chủ trương xây dựng Ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại (Đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp được trang bị kỹ năng toàn diện; tổ chức bộ máy hiện đại và khoa học; phương thức vận hành, các quy trình công tác khoa học, hiệu quả; cơ sở vật chất hiện đại với hạ tầng công nghệ thông tin tiện ích, hiện đại) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, và xây dựng Học viện Ngoại giao trở thành “think tank” thực sự, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, công tác “nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại” là một trong hai chức năng của Học viện Ngoại giao. Quan hệ quốc tế, ngoại giao là khoa học phức tạp nhất trong các khoa học xã hội và nhân văn. Cần phải ứng xử với khoa học quan hệ quốc tế, ngoại giao như một ngành khoa học.

Hai là, cần phải quan tâm đến việc bổ sung cán bộ nghiên cứu nhất là đội ngũ có chuyên môn cao đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cho Học viện Ngoại giao.

Ba là, cần lập Trung tâm nghiên cứu lý luận quan hệ quốc tế và lịch sử ngoại giao như quyết định ngày 15/7/2008.

Bốn là, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức chung cho cán bộ đối ngoại, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tọa đàm, trao đổi về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, kỹ năng nghiên cứu quan hệ quốc tế cho cán bộ nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao. Để mở lớp bồi dưỡng về phương pháp luận cần tập trung viết tài liệu học tập.

Năm là, tiếp tục tranh thủ các học bổng trong nước và quốc tế để đào tạo nhân lực có trình độ cao như Thạc sỹ, Tiến sỹ. Khuyến khích các Tiến sỹ phấn đấu có học hàm Phó Giáo sư và các Phó Giáo sư được học hàm Giáo sư.

Sáu là, cần phân công người phụ trách vấn đề đại sự ký quan hệ quốc tế và đối ngoại và coi trọng hơn nữa công tác thông tin.


#_ftnref1 Nguyễn Việt: Nhớ anh Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nxb. Chính trị quốc gia (Sự thật), Hà Nội, 2003, tr.120.

#_ftnref2 Học viện Ngoại giao - Vũ Khoan: Vài ngón nghề ngoại giao, Nxb. Chính trị quốc gia (Sự thật), Hà Nội, 2016, tr.21.

#_ftnref3 A.B Torcunov (Chủ biên): Quan hệ quốc tế hiện đại, Nxb. Rosspen, Moscow, 2000, tr.36-37.

#_ftnref4 Nguyễn Ngọc Uyển: Những ấn tượng không thể nào quên về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao: Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao, Nxb. Chính trị quốc gia (Sự thật), Hà Nội, 2005, tr.525.

#_ftnref5 Nguyễn Dy Niên: Nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn chiến lược, Bộ Ngoại giao: Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao, Sđd: tr.511.

#_ftnref6 Học viện Ngoại giao - Vũ Khoan: Vài ngón nghề ngoại giao, Sđd, tr.38.

#_ftnref7 Nguyễn Cơ Thạch: Các bước nghiên cứu viết chuyên đề, Học viện Ngoại giao: 60 năm lịch sử Học viện Ngoại giao (1959- 2019), Hà Nội, 2019, tr.208.

#_ftnref8 Trần Huy Chương: Nhớ Anh - nhà ngoại giao tài ba sáng tạo, Bộ Ngoại giao : Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao, Sđd, tr.533.

#_ftnref9 Nguyễn Phúc Luân: Ông Bộ trưởng “khát thông tin” và có tài ứng xử, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Sđd, tr.153.

#_ftnref10 Nguyễn Cơ Thạch: Các bước nghiên cứu viết chuyên đề, Sđd, tr.212, 213.

#_ftnref11Trần Huy Chương: Nhớ Anh - nhà ngoại giao tài ba sáng tạo, Bộ Ngoại giao: Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao, Sđd, tr.532-533.

#_ftnref12 Vũ Hắc Bồng: Tưởng nhớ anh Nguyễn Cơ Thạch,Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Binh- chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Sđd, tr.126.

#_ftnref13 Trần Quang Cơ: Vị ngoại trưởng có nụ cười hấp dẫn, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình -chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Sđd, tr.85.

#_ftnref14 Trần Trọng Toàn: Nguyễn Cơ Thạch, một trí tuệ và một sức làm việc không mệt mỏi, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Sđd, tr.220.

#_ftnref15 Nguyễn Cơ Thạch: Các bước nghiên cứu viết chuyên đề, Sđd, tr.206-220.

#_ftnref16 Các đề cương chi tiết về chinh sách đối ngoại Việt Nam, Lịch sử ngoại giao Việt Nam và nghiệp vụ ngoại giao đã được Học viện Quan hệ quốc tế biên soạn thành Giáo trình Chính sách đối ngoại Việt Nam gồm 3 tập.