📞

Chuyến thăm tiêu biểu cho quan hệ đặc biệt Việt - Lào

10:53 | 15/06/2016
Các báo của Lào đều ghi nhận việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang chọn Lào là quốc gia đầu tiên để thăm trong hoạt động đối ngoại sau khi nhậm chức.

Trong hai ngày 13-14/6, báo chí Lào đã trang trọng đăng tải trên trang nhất hàng loạt bài viết và ảnh về kết quả cũng như các hoạt động trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Lào, từ ngày 12-14/6, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Bounnhang Volachith. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sân bay Pakse, Lào. (Ảnh: Hoàng Quân/TGVN)

Các báo của Lào đều khẳng định việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang chọn Lào là quốc gia đầu tiên để thăm trong hoạt động đối ngoại sau khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước đã thể hiện mong muốn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ và của nhân dân hai nước, điều này cũng thể hiện tính chất đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào. 

Các tờ báo lớn của Lào như Paxaxon, Vientiane Times, KPL News, PathetLao, LaoPhatthana, Vientiane Mai, Setthakit Kankha… trong những ngày qua đều đưa trang trọng về kết quả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith, khẳng định cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy, trên tinh thần đồng chí anh em. 

Lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại sân bay Pakse. (Ảnh: Hoàng Quân/TGVN)

Theo truyền thông Lào, tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch nước Bounnhang Volachith đã bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực; khẳng định sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao nhất và làm hết sức mình vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Hai bên nhất trí trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước và các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào; thực hiện thành công Kế hoạch hợp tác giữa chính phủ hai nước năm 2016, Hiệp định hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2016-2020, cũng như Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith, các kết quả đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thongloun Sisoulith và các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Lào lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; tăng cường tin cậy chính trị; nâng cao hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư… 

Chủ tịch nước Trần Đại quang nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Lào. (Ảnh: Hoàng Quân/TGVN)

Lãnh đạo Việt Nam - Lào khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các Nghị định thư về hợp tác quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới hai nước (ký đầu năm 2016); Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào (vừa ký năm 2015), không ngừng tăng cường và nâng cao tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của hai nước; thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân; phối hợp tổ chức sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2017…

Bên cạnh đó, hai bên khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm củng cố đoàn kết ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; nhất trí cùng các nước ASEAN thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; cùng các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(tổng hợp)