TIN LIÊN QUAN | |
Hội đồng điều phối ASEAN lần đầu tiên họp trực tuyến | |
ASEAN 2020: Thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN-Australia |
Ngày 14/4, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để bàn về cách đối phó với dịch Covid-19.
Theo nhận định của các chuyên gia Australia, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với ASEAN song cũng là thời điểm để Việt Nam - với tư cách là Chủ tịch ASEAN thể hiện vai trò lãnh đạo, thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các nước thành viên và với các nước đối tác nhằm giúp khu vực đối phó hiệu quả với Covid-19.
Giáo sư Gordon Flake. (Nguồn: Twitter) |
Dịch Covid-19 là một trong những thách thức lớn nhất mà cả thế giới phải đối mặt kể từ sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Đối với ASEAN, dịch Covid-19 tuy là thách thức an ninh phi truyền thống song lại đặt tổ chức này đối mặt với những vấn đề không nhỏ, đặc biệt khi các quốc gia đang tập trung nhiều vào nỗ lực của từng nước hơn là hướng tới sự hợp tác trong khu vực.
Trong bối cảnh này, Giáo sư Gordon Flake, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Mỹ- châu Á thuộc Đại học Tây Australia nhận định, ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm để điều phối hoạt động hợp tác trong khu vực nhằm đối phó với Covid-19.
“Tôi cho rằng, ASEAN chắc chắn có vai trò trung tâm trong việc phối hợp hành động giữa các thành viên. Tôi rất ủng hộ việc Việt Nam với tư cách là Chủ tich ASEAN năm nay tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Covid-19. Mục tiêu của hội nghị là sự phối hợp và hợp tác giữa các thành viên. Bởi mỗi nước thành viên lại có trình độ phát triển khác nhau và tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng diễn ra khác nhau, có hệ thống y tế khác nhau…Vì thế ASEAN cần tập trung vào sự phối hợp và hợp tác”, Giáo sư Goldon Flake nói.
Vì sự khác biệt nên các quốc gia thành viên ASEAN đều đang có những cách xử lý khác nhau đối với dịch Covid-19. Tuy vậy, ASEAN giờ đây đã là một cộng đồng với sự gắn kết lớn về kinh tế và sự di chuyển tự do của người dân, trong khi đó dịch Covid-19 đã vượt qua khuôn khổ biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.
Chính vì thế, các thành viên ASEAN cũng cần phải quan tâm tới hợp tác khu vực để thúc đẩy hiệu quả chiến lược đối phó với Covid-19 không chỉ của khu vực mà cũng chính là của quốc gia mình.
Giáo sư Carl Thayer. (Nguồn: Infonet) |
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales nhận định, bây giờ chính là thời điểm để các quốc gia ASEAN thảo luận về sự phối hợp ở cấp độ khu vực, để gia tăng hiệu quả của chiến lược đối phó với Covid-19 của mỗi quốc gia.
“Khi các quốc gia đều đã có khoảng thời gian nhất định để đối mặt với Covid-19, cũng là lúc các nước cần phải tính đến sự hợp tác khu vực trong một số vấn đề. Đó là sức khỏe cộng đồng, chia sẻ thông tin và so sánh các biện pháp mà các nước đang sử dụng. Đồng thời, các nước ASEAN cũng nên bàn về sự di chuyển của người dân, các biện pháp kiểm soát biên giới, chữa bệnh đối với công dân các nước thành viên và các vấn đề như tác động của dịch bệnh, những người bị cách ly, làm thế nào để ngừng giãn cách xã hội và để các hoạt động xã hội quay trở lại bình thường và chuẩn bị như thế nào cho giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động kinh tế được nối lại”, Giáo sư Carl Thayer lưu ý.
Dịch Covid-19 diễn ra đúng thời điểm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, vì vậy đây cũng là một nhiệm vụ mà Việt Nam phải giải quyết không chỉ ở trong nước mà cả ở cấp độ khu vực. Trong bối cảnh này, Tiến sỹ Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore nhận định, Việt Nam đang rất nỗ lực trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Mặc dù là thách thức là không nhỏ song Tiến sỹ Malcolm Cook khẳng định, Việt Nam có lợi thế khi dẫn dắt ASEAN trong bối cảnh hiện tại.
Tiến sỹ Malcolm Cook. (Nguồn: EWC) |
“Tôi cho rằng Việt Nam có 3 lợi thế khi làm Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Thứ nhất đó là chính phủ Việt Nam có đủ năng lực để làm Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh phải đối phó với Covid-19. Thứ hai, Việt Nam từng là một quốc gia nghèo ở lục địa Đông Nam Á, vì vậy các quốc gia trong khu vực này có thể nhìn vào trường hợp của Việt Nam. Cuối cùng, vào thời điểm hiện tại, khi Việt Nam chưa bị Covid-19 tác động quá nhiều nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực thì chính phủ Việt Nam có nhiều cơ hội để tập trung vào vai trò và trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN”, Tiến sỹ Malcolm Cook tin tưởng.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và cả trong khu vực Đông Nam Á, vì vậy, bên cạnh việc mỗi quốc gia đang tự xoay sở, thì sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và với các nước đối tác sẽ là sự bổ trợ quan trọng, giúp cho mỗi nước có những thông tin hữu ích và kinh nghiệm quý giá đối với cuộc chiến chống lại Covid-19 tại quốc gia mình.
Không chỉ vậy, sự phối hợp giữa các nước thành viên ASEAN với nhau và với 3 quốc gia đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ làm giảm sự lây lan của dịch bệnh cũng như giúp cho sự kiểm soát dịch bệnh trong khu vực được hiệu quả hơn.
Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3: Mô hình hợp tác cần thiết cho một cuộc khủng hoảng kép TGVN. Trước những yếu tố khó đoán định của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Hội nghị cấp cao đặc biệt ... |
ASEAN đoàn kết vượt qua đại dịch Covid-19: Hợp tác tạo nên sức mạnh! TGVN. Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về Covid-19 vào ngày 14/4, Uỷ viên ... |
ASEAN 2020: ASEAN+3 đạt nhiều thành tựu hợp tác TGVN. Ngày 27/2 tại Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia, đã diễn ra cuộc họp lần thứ 12 Ủy ban các Đại diện thường trực tại ... |