📞

Chuyên gia Hoàng Nam Tiến: Doanh nghiệp cũng cần được ‘tiêm vaccine’

Nguyệt Anh 13:46 | 13/09/2021
Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, doanh nghiệp cũng cần được 'bồi bổ', cũng cần phải thực hiện tốt 5K và được 'tiêm vaccine'. Trong giai đoạn khó khăn và đầy biến động như hiện nay, vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng.
Chuyên gia Hoàng Nam Tiến nhận định, doanh nghiệp cũng cần được tiêm vaccine trong đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp cũng cần vaccine

Đợt dịch này có ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về tác động của đại dịch đối với doanh nghiệp?

Tính đến cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021, số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam khoảng gần 600.000 ca, chiếm khoảng 0,5% dân số.

Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp thì chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, có gần 80.000 doanh nghiệp phá sản/dừng hoạt động do Covid-19, chiếm hơn 9%.

Rõ ràng không chỉ con người mà doanh nghiệp cũng đang là những “cơ thể” bị tổn thương do dịch bệnh.

Với người dân, để đảm bảo an toàn cho mình, trước hết cần phải thực hiện nghiêm túc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế rồi sau đó tiêm vaccine để miễn dịch.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, trên khắp các diễn đàn, người ta bàn bạc, đánh giá về các loại vaccine, lợi hay hại, loại nào tốt nhiều, loại nào tốt ít hơn… nhưng đến nay thì tất cả chúng ta đều thống nhất với nhau rằng: vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.

Doanh nghiệp cũng vậy, cần được “bồi bổ”. Nói đúng hơn, doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện tốt “5K” và được “tiêm vaccine”.

Trong giai đoạn khó khăn và đầy biến động như hiện nay, vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng.

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, 71% lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu chưa có sự chuẩn bị cho một tương lai đầy biến động. Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động trong hoàn cảnh dịch bệnh và giãn cách kéo dài. Chính trong những thời điểm biến động, lãnh đạo doanh nghiệp cần phát huy khả năng nhìn xa trông rộng của mình.

“Ngủ đông” hay “chiến đấu”?

Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để “đề kháng” tốt hơn, theo ông?

Trước tiên, tôi muốn đề cập vai trò của người lãnh đạo. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện về lãnh tụ Hồ Chí Minh được nhắc đến trong cuốn “Hồ Chí Minh – Một cuộc đời” của nhà sử học người Mỹ William J. Duiker.

Vào năm 1941, khi Thế chiến II nổ ra, Nhật tiến vào Đông Dương, hất cẳng Pháp và chính thức cai trị Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh quay trở về Việt Nam và ở tại hang Pác Bó, tại đây Người đã dự đoán nước ta sẽ giành độc lập vào năm 1945. Và điều đó đã trở thành hiện thực.

Vào năm 1960, khi nước ta chia cắt 2 miền, Người cũng đã tiên liệu rằng: Chậm nhất 15 năm nữa, đất nước ta sẽ thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Năm 1975, đúng 15 năm sau, Việt Nam thống nhất đất nước. Điều đó khẳng định tầm nhìn của người lãnh đạo.

Một ví dụ khác về doanh nghiệp, tôi muốn nói về Thế giới Di động. Thương hiệu này vốn nổi tiếng với chuỗi cửa hàng trên khắp cả nước, chuyên bán điện thoại, máy tính.

Chính vì vậy, phần đông ngạc nhiên, thậm chí chê cười khi thấy Thế giới Di động mở ra chuỗi Bách hóa Xanh. Đến nay, họ đã có hơn 2 nghìn cửa hàng Bách hóa Xanh trên toàn quốc và mang về cho Thế giới Di động 30 nghìn tỷ đồng doanh thu. Không ai cười họ được nữa. Dù có thể gặp phải chỉ trích về cách vận hành nhưng không ai phủ nhận được sự thiết yếu của Bách hóa Xanh trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại. Điều này chứng tỏ khả năng nhìn xa trông rộng của những người đứng đầu.

Dựa trên nền tảng về hệ thống quản trị, hệ thống phân phối,hệ thống công nghệ… Thế giới Di động đã xây dựng cho mình những cột trụ về các hướng kinh doanh khác nhau, đa dạng hóa sản phẩm. Nhờ vậy, trong hoàn cảnh biến động, họ vẫn có thể tồn tại vững chắc và phát triển.

Trong thực tế, có rất nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh doanh như du lịch, khách sạn... buộc phải dừng hoạt động trong mùa dịch. Lúc này doanh nghiệp cần làm gì?

Câu trả lời của tôi là hãy học theo tự nhiên. Có rất nhiều loài động vật phải ngủ đông để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự khan hiếm của thức ăn. Chúng chọn tích trữ, ngủ đông và phục hồi vào mùa Xuân.

Doanh nghiệp cũng vậy, cần “ngủ đông” nhưng hãy "ngủ đông" một cách tích cực. Nghĩa là, không phải doanh nghiệp dừng hoạt động và không làm gì cả. Hãy tận dụng thời gian nghỉ đó để xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, buộc họ phải học thêm được những kỹ năng mới; áp dụng các hình thức cắt giảm chi phí; thử nghiệm các mô hình quản trị hiệu quả. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể đứng dậy mạnh mẽ khi “mùa xuân” đến.

Còn đối với các doanh nghiệp không thể “ngủ đông” thì sao? Chỉ khi khách hàng ngủ đông, doanh nghiệp mới có thể ngủ đông. Các doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ thiết yếu như ngân hàng, y tế, lương thực thực phẩm, viễn thông,... thậm chí còn phải hoạt động mạnh mẽ hơn trong mùa dịch khi nhu cầu của người dân tăng mạnh. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này buộc phải “chiến đấu” và “vũ khí” họ cần trang bị là “giải pháp 5+1”.

Để có thể hoạt động hiệu quả trong mùa dịch, doanh nghiệp cần triển khai tốt làm việc từ xa. Đối với tôi, làm việc từ xa không có nghĩa là mang máy tính về nhà, kết nối Internet là xong. Muốn làm việc online hiệu quả, doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ 5 giải pháp.

Thứ nhất, đưa các hệ thống quản trị doanh nghiệp như:Hệ thống quản trị doanh nghiệp, Hệ thống quản trị Khách hàng, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị bán hàng... lên Cloud. Nếu không đưa được các hệ thống quản trị này lên Cloud thì việc ngồi ở nhà và kết nối vào hệ thống chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ trong công việc, trong vận hành chung của toàn doanh nghiệp.

Thứ hai, giải pháp về bảo mật. Vấn đề tiếp theo các doanh nghiệp cần quan tâm chính là Bảo mật. Bảo mật bao gồm bảo mật hệ thống và bảo mật dữ liệu. Để làm tốt điều này, ngoài việc xây dựng một hệ thống mạnh, có khả năng vận hành và lưu trữ khổng lồ, cần bổ sung thêm các thao tác nhận diện, phân quyền truy cập, quyền quản trị để đảm bảo cả hệ thống và dữ liệu được bảo mật an toàn.

Thứ ba, xây dựng quy trình online. Sau khi đã có một hệ thống vững chắc và an toàn, doanh nghiệp cần xây dựng một quy trình bài bản và rõ ràng cho vận hành và phê duyệt online. Đây là điều đặc biệt cấp thiết, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn, có cơ cấu tổ chức phức tạp.

Các thủ tục về hoạt động, báo cáo, xin phê duyệt, hợp đồng online... đều cần quy trình xử lý bài bản, nhanh chóng thì mới có thể làm việc online hiệu quả. Mỗi cá nhân trong công ty đều cần phải nắm rõ quy trình và nhiệm vụ của mình trong quy trình đó để phối hợp từ xa. Mọi thao tác đều cần được thực hiện nhanh chóng trên các thiết bị như smartphone, laptop...

Thứ tư, xây dựng hệ thống công cụ làm việc trực tuyến là giải pháp quen thuộc nhất với đại đa số doanh nghiệp hiện nay. Hệ thống này bao gồm các công cụ phục vụ cho hội họp, làm việc nhóm, chia sẻ kho dữ liệu.

Tại FPT Telecom, đã có những công cụ làm việc trực tuyến rất hiệu quả cho các doanh nghiệp và cá nhân như On Meeting, dịch vụ lưu trữ và chia sẻ trực tuyến FShare, FSend...

"Doanh nghiệp cũng cần 'ngủ đông' một cách tích cực. Nghĩa là, không phải doanh nghiệp dừng hoạt động và không làm gì cả. Hãy tận dụng thời gian nghỉ đó để xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, buộc họ phải học thêm được những kỹ năng mới; áp dụng các hình thức cắt giảm chi phí; thử nghiệm các mô hình quản trị hiệu quả".

Thứ năm, đảm bảo về đường truyền, kết nối. Để làm việc “trên mây” (Cloud) hiệu quả thì hệ thống hạ tầng, đường truyền, trung tâm lưu trữ dữ liệu luôn luôn ổn định, an toàn, tốc độ cao là yêu cầu tối quan trọng. Yếu tố này vô cùng thiết thực trong thời điểm nhu cầu sử dụng các dịch vụ online tăng chóng mặt trong thời điểm dịch lan mạnh.

Một khi đã làm chủ được cả 5 giải pháp này thì trong trường hợp xấu nhất khi doanh nghiệp bị phong tỏa, không có địa điểm làm việc thì mọi hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì.

Đặc biệt, đó là "giải pháp số 0” - thay đổi văn hóa làm việc. Làm việc trực tuyến từ xa có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong thời điểm có biến cố như bệnh dịch, thiên tai.

Tuy nhiên, điều khiến các chủ doanh nghiệp lo ngại không chỉ nằm ở hệ thống, công cụ mà còn ở kiểm soát năng suất lao động của cán bộ nhân viên. Đa phần các chủ doanh nghiệp đều có chung một mối lo ngại về sự tập trung và hiệu suất công việc của nhân viên.

Các doanh nghiệp cần chuẩn bị “giải pháp số 0” - thay đổi văn hóa làm việc, trước khi thực hiện nhóm 5 giải pháp đã đề cập ở trên. Mỗi nhân viên đều cần tự ý thức xây dựng văn hóa làm việc online, chủ động giải quyết công việc trên hệ thống và tuân thủ quy trình mọi lúc mọi nơi chứ không nhất thiết phải có mặt tại văn phòng.

Thay đổi ý thức và thói quen làm việc từ xa sẽ giúp cán bộ, nhân viên thích nghi nhanh chóng hơn, có trách nhiệm hơn với công việc trong mọi hoàn cảnh và nhờ đó duy trì năng suất làm việc hiệu quả.

Ông thể đưa ra những giải pháp cụ thể của FPT?

FPT triển khai Chương trình FPT eCovax với kỳ vọng giúp các doanh nghiệp “bổ sung” những “kháng thể số” cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch trong quản trị, vận hành, kinh doanh, bán hàng…

Qua đó, nhằm giảm thiểu những tác động do Covid-19 đảm bảo kinh doanh không gián đoạn trong giai đoạn hiện tại cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trong tương lai, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Khảo sát nhanh gần 400 doanh nghiệp do FPT tiến hành cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại thời điểm này là năng suất suy giảm khi làm việc từ xa (43%); Ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa (20%) và Gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc (13%).

Để giải quyết những khó khăn này, có tới 94% doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, văn phòng không giấy tờ.

FPT eCovax thu hút 300 doanh nghiệp đăng ký sau 10 ngày. Các giải pháp số này sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.

Xin cảm ơn ông!