Triều Tiên liên tiếp tiến hành phóng tên lửa trong tuần qua. (Nguồn: KCNA) |
Thông điệp từ Bình Nhưỡng
Ngày 6/10, Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng tên lửa thứ sáu trong vòng 12 ngày và là vụ đầu tiên kể từ khi nước này bắn một tên lửa tầm trung (IRBM) vào Nhật Bản hôm 4/10.
Trước việc Triều Tiên thử và phóng tên lửa liên tiếp như vậy, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu quân sự lục quân Hàn Quốc Han Seol mới đây có bài phân tích trên trang Break News đánh giá về những động thái mới của Bình Nhưỡng.
Câu hỏi đặt ra là Triều Tiên đang muốn truyền đạt thông điệp gì? Các vụ phóng tên lửa mới nhất này cho thấy, Bình Nhưỡng không còn ngần ngại với sự hiện diện của Mỹ, và sức mạnh quân sự của Washington không thể ngăn cản các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Vụ phóng tên lửa hôm 1/10 diễn ra đúng trong Ngày lực lượng vũ trang Hàn Quốc với chủ đề Quốc phòng vững chắc, quân đội mạnh dựa trên khoa học và công nghệ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong Sup, các chỉ huy cấp cao của tất cả các lực lượng vũ trang cùng sĩ quan và nhiều cựu chiến binh đã tham dự sự kiện.
Theo chuyên gia Han Seol, các hệ thống vũ khí chính được giới thiệu tại sự kiện này thể hiện các nỗ lực của Seoul trong việc củng cố hệ thống phòng thủ theo 3 mũi để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Hệ thống phòng thủ 3 mũi gồm nền tảng tấn công phủ đầu Kill Chain, hệ thống trừng phạt và trả đũa ồ ạt (KMPR); hệ thống phòng thủ tên lửa và trên không (KAMD).
Tuy nhiên, chuyên gia Han Seol có thể diễn giải sự phớt lờ của Triều Tiên đối với hành động phô diễn của liên minh Hàn-Mỹ theo 2 cách.
Thứ nhất, hành động của Triều Tiên cho thấy các nỗ lực như Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) - được Hàn-Mỹ triển khai sau Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Joe Biden - đã không tạo ra được bất kỳ sự kiềm chế hiệu quả nào đối với các hành động của Bình Nhưỡng.
Thứ hai, Triều Tiên muốn chứng tỏ cho Hàn Quốc và Mỹ thấy rằng, tàu sân bay hạt nhân của Mỹ không còn là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ Bán đảo Triều Tiên, và Bình Nhưỡng không bị kiềm chế bởi sự xuất hiện của các tàu sân bay Mỹ.
"Dù Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo khi tàu sân bay Mỹ tiến vào vùng biển Hàn Quốc, song Seoul và Washington vẫn chưa đưa ra phản ứng quân sự nào. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng đang phớt lờ sức mạnh quân sự của Mỹ", ông Han Seol nhận định.
Chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng, là một quốc gia sở hữu hạt nhân, Triều Tiên không hề sợ hãi và nao núng trước tàu sân bay hạt nhân của Mỹ. Điều này khẳng định, dù sức mạnh quân sự của Mỹ có tiên tiến và lớn đến đâu, Washington cũng không có cách nào hiệu quả để cưỡng chế Bình Nhưỡng bằng vũ khí hạt nhân.
Khả năng răn đe thực sự
Câu hỏi đặt ra là nếu Triều Tiên quyết định kích động chiến tranh, liệu Mỹ có đủ sức bảo vệ Bán đảo Triều Tiên đến cùng?
Ông Han Seol đưa ra câu trả lời (theo quan điểm cá nhân) là Mỹ sẽ không bảo vệ được Hàn Quốc bằng các vụ đánh chặn hạt nhân từ Washington, New York và San Francisco. Đó là một thực tế mà các chiến lược gia người Mỹ cũng từng thừa nhận.
Chuyên gia quân sự Hàn Quốc nhấn mạnh: "Cho dù Hàn Quốc và Mỹ vận hành EDSCG và tăng cường các kênh tham vấn đến mức nào đi nữa, nếu Triều Tiên quyết định thực hiện các chiến lược của mình thì khó có thể ngăn chặn".
Cách duy nhất để ngăn chặn kịch bản xấu nhất - xung đột, theo ông Han Seol, là Seoul phải có khả năng răn đe thực sự đối với Bình Nhưỡng, hoặc tạo ra một tình huống mà Triều Tiên không thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã đạt được lợi thế chiến lược trước Washington và Seoul nhờ trang bị vũ khí hạt nhân. Đây là một thực tế.
Trong hoàn cảnh đó, việc Hàn Quốc và Mỹ yêu cầu phi hạt nhân hóa Triều Tiên là khó có thể thực hiện được. Các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có tính chất nhắc nhở Washington và Seoul phải đối mặt với thực tế.
Ông Han Seol cho rằng, hiện nay, vẫn còn phải chờ xem Triều Tiên sẽ gây ra ảnh hưởng gì tiếp theo trong tương lai. Rõ ràng, nước này đang triệt để thực hiện và duy trì vị thế cũng như lợi thế của mình như một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Trước tình hình mới, đường hướng cơ bản trong chính sách của chính phủ Hàn Quốc đối với Triều Tiên hiện nay - đó là răn đe với sự giúp đỡ của Mỹ - cần phải được củng cố và cân nhắc. Seoul và Washington vẫn cần thêm thời gian để có nhận thức đúng đắn về một thực tế mới đã hiển hiện trên Bán đảo Triều Tiên.