Nhỏ Bình thường Lớn

Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp bằng hành động phi pháp tại Biển Đông

Các hành động, chiến thuật của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng vấp phải sự phản đối gay gắt. Các quốc gia cần hợp tác để đẩy lùi những hành động phi pháp của Bắc Kinh tại vùng biển quan trọng này.
Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp bằng hành động phi pháp tại Biển Đông
Công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. (Ảnh: QT)

Đe dọa, làm suy yếu luật quốc tế

Gregory Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) vừa qua đã nhận định rằng Trung Quốc đang mở rộng lãnh hải trái phép trên Biển Đông và cố ý thay đổi cách hiểu về lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Ngày 5/7, tại buổi thảo luận của CSIS về cuốn sách mới nhất có tựa đề “Trên vùng nguy hiểm: Thế kỷ của Mỹ tại Biển Đông”, chuyên gia Poling cho biết: “Khả năng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng biện pháp chèn ép thay vì các công cụ ngoại giao sẽ còn cao hơn”. Theo Poling, cuốn sách trên tập trung vào cam kết của Mỹ về tự do hàng hải và mạng lưới các đồng minh ngày càng lớn của nước này trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Poling cho rằng việc hiểu rõ về lịch sử các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cũng như vai trò của Mỹ trong các tuyên bố này là rất quan trọng để có thể nắm bắt tình hình hiện nay ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thời gian qua, Trung Quốc đã tạo ra nhiều hòn đảo nhân tạo trên khắp khu vực này, sử dụng làm căn cứ quân sự và để củng cố các tuyên bố phi pháp của mình.

Chuyên gia Poling nhấn mạnh: “Tất cả hành động này là hoàn toàn bất hợp pháp, nếu xét theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982". Là thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc lại đưa ra các tuyên bố vi phạm quyền của tàu thuyền, máy bay và công dân Mỹ, đồng thời đe dọa làm suy yếu luật pháp hàng hải quốc tế.

Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp bằng hành động phi pháp tại Biển Đông
Tàu tuần duyên USCGC Bertholf (750) của Mỹ trong một đợt diễn tập huấn luyện chung với tuần duyên Philippines. (Ảnh: Tuần duyên Mỹ)

Hợp tác đẩy lùi chiến thuật vùng xám

Bắc Kinh đã khẳng định yêu sách chủ quyền với hơn 90% vùng biển và các thực thể ở Biển Đông thông qua "đường 9 đoạn" hay còn được biết đến với tên gọi "đường lưỡi bò". "Đường 9 đoạn" đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước Đông Nam Á và vi phạm UNCLOS. Chiến thuật vùng xám là chiến thuật được Bắc Kinh áp dụng nhằm áp đặt những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.

Chiến thuật vùng xám, theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc CSIS, là những hành vi vượt quá khả năng răn đe hoặc đảm bảo thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh trong khi vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra phản ứng vũ trang.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển (PAFMM), hạm đội đánh cá có vũ trang làm tác nhân vùng xám để khẳng định các yêu sách chủ quyền.

Lyle Morris, một nhà phân tích chính sách cao cấp của công ty Rand Corporation ở Washington (Mỹ) chỉ rõ các hành động kiểu vùng xám thường xóa mờ ranh giới giữa khái niệm quân sự và phi quân sự. Thậm chí, một phần của chiến thuật này được Bắc Kinh sử dụng trong việc triển khai các tàu bảo vệ bờ biển phi quân sự hay tàu dân quân để mở rộng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông.

Kể từ năm 2012, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường sử dụng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông. Sự leo thang này bao gồm việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, mở rộng xây đảo nhân tạo trong giai đoạn 2014 - 2017, tăng cường sử dụng hải cảnh và PAFMM ở Biển Đông.

Mỹ đã ứng phó bằng cách thực hiện nhiều hoạt động hơn trong khu vực. Các chiến dịch Tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ đã tăng từ con số 0 vào năm 2014 đến mức cao nhất mọi thời đại là 10 vào năm 2019. Hải quân Mỹ đang duy trì 60% hạm đội tàu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thực hiện 3 sứ mệnh tác chiến tàu sân bay trong khu vực vào năm 2017 và năm 2020.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Singapore, cho rằng các hành động “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông đã có tác động trực tiếp và gián tiếp đến ngành đánh cá trong khu vực.

Theo ông Collin Koh, việc Washington thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia để thiết lập một “sự phản đối mạnh mẽ hơn chống lại các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực".

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tuần duyên Mỹ sẽ đóng vai trò "thiết yếu" trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuần duyên Mỹ sẵn sàng bắt tay với nhiều nước trong khu vực để đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây được xem là một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc và chiến lược vùng xám mà Bắc Kinh đang sử dụng để thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông.

Tổng thống Philippines muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc

Tổng thống Philippines muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc

Tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, tăng cường quan hệ trên các phương diện, ...

Trung Quốc lại tập trận ở Biển Đông, không nói rõ quy mô

Trung Quốc lại tập trận ở Biển Đông, không nói rõ quy mô

Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 41 cuộc tập trận ở Biển Đông.