Cuộc chiến trần nợ công ở Mỹ chính là thời cơ truất quyền bá chủ của đồng USD? (Nguồn: Reuters) |
Khi “cuộc chiến” trần nợ công tại Mỹ vẫn chưa thể khoan nhượng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa chắc chắn, là yếu tố gây thêm sự bất ổn cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và khiến thị trường không thể định được hướng đi của đồng USD.
Theo chuyên gia Hu Qimu, Phó Tổng thư ký Diễn đàn hội nhập các nền kinh tế kỹ thuật số Forum 50 (Trung Quốc), chính sự không chắc chắn như vậy mà các nền kinh tế trên thế giới cần tìm nơi trú ẩn an toàn để giảm sự phụ thuộc vào USD và sự gián đoạn do rủi ro ở Mỹ gây ra.
Nếu trần nợ công không được nâng lên, chính phủ của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể không thanh toán được các hóa đơn của mình bắt đầu từ ngày 1/6 và việc vỡ nợ của Mỹ có thể dẫn đến suy thoái ở nước này và hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, các quan chức và nhà phân tích Mỹ đã cảnh báo.
Các nhà phân tích lưu ý, trong khi các quan chức Mỹ thường đạt được thỏa thuận vào phút cuối, thì việc "bên miệng hố chiến tranh" trong vấn đề này vẫn có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu lo lắng.
Đối với Trung Quốc, trong khi áp lực suy giảm vẫn còn đối với tăng trưởng kinh tế như một số chỉ số gần đây cho thấy, tốc độ phục hồi vẫn vững chắc và nền kinh tế Trung Quốc sẽ đủ kiên cường để đối phó với bất kỳ sự bất ổn tiềm tàng nào.
Bởi vậy, một số lập luận cho rằng, "chính sách bên miệng hố chiến tranh" của Mỹ có thể đẩy nhanh quá trình phi USD hóa và giúp thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Trên thực tế, khi Washington vẫn tiếp tục vũ khí hóa quyền bá chủ của đồng USD để trừng phạt các quốc gia khác, trong khi nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với rủi ro ngày càng tăng, nhiều nền kinh tế đã có những động thái quyết tâm hơn trong việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, một số đã chuyển sang sử dụng NDT của Trung Quốc hoặc các loại tiền tệ khác trong thanh toán quốc tế.
"Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng năm 2008 và tác động từ những can thiệp quá mức của Mỹ đối với các nền kinh tế trong những năm gần đây, nổi bật là hàng loạt lệnh trừng phạt, thời điểm này chính là cơ hội tốt để các quốc gia thúc đẩy phi USD hóa", ông Hu Qimu nói.
Đối diện với phía bên kia, tờ Global Times nhận định, trong khi nền kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng tăng do nhu cầu bên ngoài giảm, sự phục hồi kinh tế của nước này trong năm nay vẫn được kỳ vọng là một điểm sáng trong triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Dữ liệu chính thức vừa được Bắc Kinh công bố cho thấy, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 7,9% trong tháng 4, trong khi xuất khẩu tăng 8,5%, chậm hơn so với mức tăng trưởng 14,8% trong tháng 3. Dữ liệu khiến một số chuyên gia nước ngoài thổi phồng lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc lưu ý rằng, nguyên nhân là nhu cầu bên ngoài suy yếu. Nhưng các động lực tăng trưởng khác như tiêu dùng và đầu tư có thể sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi vững chắc.
Phản biện nhận định của chuyên gia nước ngoài khi nói về tương lai của kinh tế Trung Quốc, chuyên gia Hu cho rằng, "Việc sử dụng dữ liệu thương mại hàng tháng để nói xấu nền kinh tế Trung Quốc là không thuyết phục. Trong số ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc, ngoại thương chỉ chiếm khoảng 20%".
Trong khi đó, Bắc Kinh đang nhanh chóng thực hiện các biện pháp ổn định tăng trưởng, bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực thương mại và tiêu dùng.
Quyết tâm đó được thể hiện rõ trong cuộc họp của Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 28/4 đã lưu ý, công việc cần được phối hợp để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy sự năng động của nền kinh tế, cải thiện kỳ vọng xã hội, đồng thời ngăn ngừa và xoa dịu rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn, theo Tân hoa xã.