Công chúa Huyền Trân (Nguồn: nghiencuulichsu) |
Từ đó, mỗi khi có việc đi qua phố cũ, lại bâng khuâng nhớ đến mấy câu thơ Tản Đà tế Chiêu Quân:
Cô ơi cô đẹp nhất đời,
Mà cô mệnh bạc thợ trời cũng thua.
Một đi từ biệt cung vua,
Có về đâu nữa, đất Hồ ngàn năm.
(Ông Huyện Kế dịch từ bản chữ Hán)
Chiêu Quân là cung nữ bị vua Hán cống cho chúa Hung Nô để yên biên thùy… Nàng sang đến đất Hồ, gảy khúc đàn ly hương, rồi tự tử chết. Công chúa Huyền Trân cũng là một cống vật ngoại giao, nhưng số phận may mắn hơn. Chiêu Quân có công giúp nước khỏi mất đất. Huyền Trân (thế kỷ XIV) sống sau Chiêu Quân hàng ngàn năm, có công giúp nước lấy được hàng ngàn dặm đất, làm bàn đạp cho sự nghiệp Nam tiến về sau.
Đến thế kỷ thứ X, Việt Nam mới thoát khỏi ách đô hộ Trung Quốc. Đèo Ngang thành ranh giới phân tranh Việt - Chăm. Đến thế kỷ XI, Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, vua Chế Củ bị bắt, đem đất Quảng Bình ra đổi lấy tự do. Mảnh đất này bị giành giật giữa người Việt và người Chăm, có khi hòa khi chiến.
Năm 1301, đời vua Trần Anh Tông, vua Chăm là Chế Mân (Simahavarman III) cho một sứ bộ sang giao hảo. Vua Trần Nhân Tông là Thái Thượng Hoàng đáp lễ, theo sứ bộ ấy đi thăm Chiêm Thành; nhân đó hứa gả một công chúa cho vua Chế Mân. Năm 1306, vua Chăm dâng Châu Ô và Châu Rí (Lý) làm sính lễ để lấy em gái Trần Anh Tông là công chúa Huyền Trân (tên nghĩa là viên ngọc màu huyền, đen). Trần Anh Tông đặt tên Ô Châu là Thuận Châu (nay là một phần Quảng Trị), Lý Châu là Hóa Châu (nay là Thừa Thiên). Năm 1404, hai châu sáp nhập thành phủ Thuận Hóa (Do đó, có danh từ Huế, phát âm khác của từ Hóa). Cưới chưa đầy một năm thì Chế Mân chết. Chiêm Thành chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ: theo Ấn Độ giáo, người vợ tiết hạnh (Sati) tự thiêu chết theo chồng (tục Sutti). Trần Anh Tông sợ em gái phải lên hỏa đàn, nên đã cử một đoàn sang chịu tang lễ để tìm cách giải thoát cho Huyền Trân.
Dựa vào tư liệu lịch sử, ông Lê Văn Lan đã kể lại cuộc đột kích ly kỳ như sau: Chiêm Thành phát tang vua chậm nên triều đình ở Thăng Long biết trước mấy tháng cũng đủ thời giờ chuẩn bị kế hoạch giải thoát công chúa. Sự việc xảy ra vào tháng Mười, năm 1307, Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch.
Muốn rút chạy bằng đường biển, ông thuyết phục phía chủ tang đưa Huyền Trân từ kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) ra cửa bể là cảng Thị Nại (Sri Vinaya) ở vịnh Qui Nhơn ngày nay, lấy cớ là để đón linh hồn Chế Mân về chiêu hồn rồi sau lễ thiêu sẽ cùng hồn hoàng hậu lên trời. Theo phong tục các tộc Mã Lai - Đa đảo, biển là nơi rước mời, tống tiễn; Thủy quân của ta chở sứ bộ và công chúa ra khơi về thẳng Đại Việt.
Quanh số phận Huyền Trân - một hy sinh chính trị đáng thương, cũng như công chúa Hy Lạp Iphigenie, không hiếm huyền thoại và lời dị nghị. Cụ Thượng thời Lê Đặng Minh Khiêm (thế kỷ XVIII) lên án nàng là không biết thủ tiết như cung phi Chăm My Ê bị bắt, tự tử chứ không chịu chăn gối với vua nhà Lý…
Trên biển trở về, chầm chậm theo đường khác
Chớ qua dưới đền thờ nàng Mỵ Ê.
(Dịch thơ chữ Hán)
Cũng có tiếng đồn, Trần Khắc Chung là người tình của Huyền Trân. Nhà nghiên cứu người Chăm Po Dharma cho là động cơ giải thoát Huyền Trân là để khỏi bị thiêu là sai, vì nàng không phải là hoàng hậu chính thức nên không bị thiêu.
Ở Huế, có bài ca Nước non ngàn dặm về cảnh thương tâm của Huyền Trân phải vào Chiêm. (Theo Bs. Bùi Minh Đức).