Đại sứ Hồ Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Là người có nhiều năm công tác về biên giới lãnh thổ, theo Đại sứ, đâu là khó khăn, thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này?
Tôi cho rằng, ở cương vị nào, lĩnh vực nào cũng có khó khăn, thách thức riêng.
Trước khi về Ủy ban Biên giới Quốc gia (UBBGQG), tôi đã công tác trong ngành ngoại giao gần 30 năm. Tuy nhiên, khi được giao chức Chủ nhiệm Ủy ban, tôi đã thực sự choáng ngợp trước khối lượng công việc lớn với tính chất phức tạp và đặc biệt nhạy cảm, trong khi trình độ và kinh nghiệm thực tiễn của tôi còn hạn hẹp.
Lúc này, công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt-Trung đã ở vào giai đoạn cuối nhưng cũng đầy cam go, trong khi công tác xây dựng bộ hồ sơ pháp lý về biên giới cần được đẩy nhanh để sớm đưa việc quản lý đường biên giới vừa được hoạch định đi vào cuộc sống.
Lúc này, dự án “Tăng dày tôn tạo” hệ thống mốc giới trên biên giới Việt-Lào sắp được khởi động; dự án phân giới cắm mốc trên biên giới với Campuchia bắt đầu triển khai trên toàn tuyến; dự án xây dựng Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam cần sớm hoàn thành để trình lên Liên hợp quốc đúng thời hạn tháng 5/2009.
Đúng là công việc bộn bề, đụng vào đâu cũng thấy khó khăn. Với tôi, thách thức lớn nhất là làm sao hoàn thành được nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào” ở Ủy ban mà lãnh đạo đã tin cậy giao phó. Vậy nên tôi lo lắm, có thể nói là nhiều lúc “lo sốt vó”, nhưng bụng bảo dạ lo thì lo chứ không được sợ, bởi sợ thì sẽ chùn bước, sẽ thất bại. Còn lo là để tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách.
Trước hết, mình cần tự phấn đấu vươn lên cho ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tức phải lao vào học hỏi kiến thức về biên giới lãnh thổ, từ sách vở đến thực tiễn, từ kinh nghiệm tiền bối đến bài học lịch sử của cha ông. Quan trọng hơn, tôi thấy mình cần dựa vào sức mạnh tập thể, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Công tác biên giới lãnh thổ được cái may mắn là luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao thường xuyên của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thường thì trước khi giải quyết một vấn đề quan trọng liên quan đến biên giới lãnh thổ, Bộ Ngoại giao phải trình Đề án do UBBGQG dự thảo lên Thủ tướng Chính phủ.
Nếu thấy cần, Thủ tướng sẽ xin ý kiến Thường trực Chính phủ và trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Có giai đoạn, hầu như tháng nào Bộ Chính trị cũng họp về biên giới lãnh thổ. Tại nhiều khu vực có tính chất phức tạp, nhạy cảm, lãnh đạo cấp cao đã đến khảo sát thực địa trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến giải quyết. Như vậy, có thể thấy những kết quả đạt được trong công tác biên giới lãnh thổ trước hết là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Nhưng, như các cụ thường nói, “có bột mới gột nên hồ”. Công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện ở các cấp làm việc cũng hết sức quan trọng và không thể thiếu. Công tác biên giới lãnh thổ không phải là công việc riêng của UBBGQG, mà của toàn bộ hệ thống chính trị, liên quan trực tiếp đến nhiều bộ, ngành và địa phương. Để giải quyết một vấn đề cụ thể, cần làm rất nhiều việc và trải qua nhiều bước như khảo sát thực địa, trao đổi nhất trí giữa bộ ngành liên quan, làm tốt công tác tư tưởng cho người dân, thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận rộng rãi...
Đàm phán quốc tế là một công việc thường xuyên của những người làm công tác lãnh thổ. Đàm phán có nhiều cấp độ: cấp chính phủ, chuyên viên, cấp tổ nhóm kỹ thuật… Cấp nào khi vào đàm phán cũng đều có mang theo “bảo bối” là đề án, chủ trương đã được lãnh đạo phê duyệt. Song trên thực tế, đàm phán có thể thiên biến vạn hóa bởi ở bên kia thường là các nhà đàm phán lão luyện, kiến thức uyên bác, nói năng hùng biện và có kỹ xảo. Do vậy, anh em ta phải tỉnh táo, biết “dĩ bất biến ứng vạn biến”, phát huy trí tuệ tập thể và sau một đợt đàm phán thì lại rút kinh nghiệm, tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Một lẽ đương nhiên là trên cương vị Chủ nhiệm UBBGQG, tôi trước hết phải là người của Ủy ban, “chung lưng đấu cật” với anh em đơn vị, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ủy ban và cùng nhau đoàn kết phấn đấu, không ngừng củng cố, xây dựng Ủy ban ngày thêm vững mạnh, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Vì thế, tôi và anh em Ủy ban hết sức phấn khởi, tự hào khi UBBGQG được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lao động” nhân dịp 30 năm Ngày thành lập (6/10/1975 - 6/10/2010) và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2015.
Trong quá trình tham gia công tác biên giới lãnh thổ, đâu là điều khiến Đại sứ ấn tượng nhất?
Hơn tám năm trực tiếp làm công tác biên giới lãnh thổ (11/2007-3/2016) đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo sáng suốt, cụ thể của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác biên giới lãnh thổ; là sự thông cảm, đoàn kết, hợp tác giữa những người đồng đội trong UBBGQG, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan; là những cảnh núi non hùng vĩ, biển đảo tươi đẹp mà tôi đã từng được đến khảo sát…
Nhưng cảm nhận và ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là về sự hy sinh thầm lặng của những anh em ngày đêm lăn lộn trên thực địa làm công tác phân giới cắm mốc, làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc.
Tôi đã được gặp những chiến sĩ đóng trên núi cao ở vùng biên giới Nam Giang (Quảng Nam), nơi cứ mỗi năm vào ba tháng mùa mưa, anh em lại hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, nơi đồ ăn thức uống đều phải tự cung tự cấp.
Có ba thứ một cán bộ ngoại giao nên ưu tiên học tốt là học nói, học viết và học ngoại ngữ. Ba thứ này không tốt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, nhất là trong giao thiệp quốc tế. Đừng tự mãn với kiến thức đã được trang bị trước khi vào Bộ. Hãy tiếp tục học, bổ túc và vun đắp thường xuyên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ để hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao. |
Tôi đã đến những khu vực biên giới mà xe cơ giới, thậm chí ngựa, bò không lên được. Để xây dựng cột mốc ở đó, anh em phải trèo đèo, lội suối, gùi từng bao xi măng, từng cân sắt thép giữa mưa rừng gió núi hàng ngày trời.
Tôi cũng đã được chuyện trò với anh em đóng trên nhà giàn DK-1, nơi những mọi hoạt động của những người chiến sĩ chỉ gói gọn trên mặt bằng hơn 100m2 cheo leo giữa mặt biển, thậm chí có nhiều người hàng năm trời chưa về thăm nhà.
Sự hy sinh của những anh em đó thật đáng khâm phục và thực là cao cả. Tấm gương của họ nhắc nhở, khích lệ chúng tôi phải làm tốt hơn nữa cho sự nghiệp biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.
Theo Đại sứ, đâu là phẩm chất cần có của một nhà ngoại giao, đặc biệt là người làm công tác biên giới lãnh thổ?
Tình hình mỗi thời mỗi khác. Yêu cầu của công việc và cách thức làm việc cũng có thể khác nhau. Anh em ngoại giao bây giờ được chọn lựa kỹ càng, với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ đều khá hơn chúng tôi khi được tuyển vào Bộ Ngoại giao. Do vậy, tôi chỉ dám nêu hai ý kiến nhỏ qua kinh nghiệm thực tiễn của mình để tham khảo.
Thứ nhất, đó là phải yêu nghề. Không yêu nghề thì không gắn bó được với nghề. Để yêu nghề thì phải tìm thấy cái hay, cái đẹp của nghề, phải thấy được ý nghĩa của công việc mình làm. Ngoại giao là một nghề khó, nhưng là một nghề rất có ý nghĩa, rất đáng trân trọng, rất đáng yêu vì nó phục vụ trực tiếp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình yêu nghề nghiệp phải được chăm lo, vun đắp thường xuyên trong công việc hàng ngày. Khi đã yêu nghề thì sẽ tận tụy với công việc, sẽ tiến bộ và trưởng thành.
Thứ hai, đó là “học, học nữa, học mãi” như Lenin từng dạy. Ngoại giao là đại diện cho đất nước trong quan hệ quốc tế. Ngoại giao làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước và trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về các công việc liên quan đến quốc tế và đối ngoại. Do vậy, cán bộ ngoại giao, trong đó có cán bộ làm công tác biên giới lãnh thổ, phải học rộng biết nhiều. Tất nhiên, tri thức thì mênh mông, thời gian mỗi người lại có hạn. Cho nên học cái gì trước, cái gì sau, cái gì chính, cái gì phụ cần được mỗi cá nhân cân nhắc cho phù hợp.
Theo tôi, có ba thứ một cán bộ ngoại giao nên ưu tiên học tốt là học nói, học viết và học ngoại ngữ. Ba thứ này không tốt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, nhất là trong giao thiệp quốc tế. Đừng tự mãn với kiến thức đã được trang bị trước khi vào Bộ. Hãy tiếp tục học, bổ túc và vun đắp thường xuyên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ để hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao.