Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố, có "cơ hội thực sự tốt" cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, một số cử chỉ như hòa giải từ cả hai nước trong tuần này lại đang che đậy những vấn đề lớn hơn ở phía trước. Thực tế, “cuộc đụng độ” giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này không hề thuyên giảm, mà còn có vẻ “gay cấn” hơn, khi hai điểm nóng mới nhất đều liên quan đến vấn đề nhạy cảm của Bắc Kinh là Hong Kong. Apple trở thành công ty Mỹ mới nhất lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc, trước đó là Liên đoàn bóng rổ Mỹ (NBA), khiến cho vòng đàm phán lần thứ 13 này nhìn thấy ngay thất bại từ lúc chưa bắt đầu.
Chỉ là xoa mà không dịu
Nhìn từ bên ngoài, căng thẳng Mỹ - Trung dường như đang được làm dịu đi. Trung Quốc trong tuần này đã thông báo sẽ chấp nhận một thỏa thuận giới hạn, đồng thời đề nghị mua thêm đậu nành của Mỹ. Còn Tổng thống Trump thông báo đã phê duyệt giấy phép cho phép một số công ty Mỹ giao dịch với Huawei, sau khi đưa Tập đoàn viễn thông số 1 Trung Quốc vào danh sách đen từ hồi tháng Năm vì lý do liên quan đến an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, theo Bloomberg đưa tin hồi đầu tuần, các nhà đàm phán Trung Quốc có ý định mang tới Mỹ một lập trường cứng rắn hơn, thậm chí tuyên bố dừng các cải cách đối với chính sách công nghiệp và trợ cấp của nhà nước.
Còn Tổng thống Trump thì có thể đột ngột kết thúc các cuộc đàm phán nếu ông cho rằng, Bắc Kinh đang cố gắng tận dụng “scandal” luận tội ông, hoặc sự chậm lại trong nền kinh tế Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung cũng trở nên tệ hơn trong những ngày gần đây khi Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen 28 thực thể Trung Quốc - bao gồm cả "gã khổng lồ" Camera Hikvision và Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo SenseTime, dù các quan chức Nhà Trắng cho biết, việc đưa vào danh sách đen này không liên quan đến đàm phán thương mại cấp cao với Trung Quốc.
Sau đó là lệnh cấm visa đối với các quan chức Trung Quốc, thăm dò các cách nhằm hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc vào thị trường vốn của Mỹ, Tổng thống Trump cũng đưa ra các cảnh bảo nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc và bóng gió về sự trả đũa.
Không cần phải nín thở
Một thỏa thuận thương mại thực sự có thể làm tổn thương tới nước Mỹ. Có những dấu hiệu trái chiều rằng, cuộc chiến thương mại đang gây trở ngại cho các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và cả toàn cầu. Tổng thống Trump dường như đang cố gắng hết sức để đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo. Nhưng, trong một trường hợp nào đó, một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh sẽ không hẳn có lợi cho nền kinh tế Mỹ, thậm chí có thể làm nó tổn thương.
Trong một tập mới đây của “The Weed", người dẫn chương trình Matt Yglesias đã nhấn mạnh một số lý do tại sao Mỹ có thể không muốn đạt được một thỏa thuận thương mại.
Thứ nhất, Washington yêu cầu Bắc Kinh ngừng việc buộc các công ty Mỹ phải bàn giao công nghệ và tham gia các thỏa thuận liên doanh với các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc và giải quyết các hoạt động gián điệp công nghiệp chống lại các công ty Mỹ. Nhưng nếu Bắc Kinh nói đồng ý và chấp nhận làm theo những gì Tổng thống Trump muốn, việc này đồng nghĩa với việc nhiều vốn và việc làm có thể lại chảy sang Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 13 tại Washington. (Nguồn: Bloomberg) |
Thứ hai, Tổng thống Trump luôn “than vãn” về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và muốn Bắc Kinh mua thêm nhiều hàng nông sản, dược phẩm, phụ tùng máy bay và các sản phẩm khác... Tuy nhiên, Mỹ không nhất thiết muốn bán một số mặt hàng như thiết bị quân sự công nghệ cao cho Trung Quốc. Bởi vậy, nếu không được cấu trúc kỹ càng, một thỏa thuận thương mại có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc lại xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa hơn sang Mỹ, mà không cần mua thêm hàng trở về. Khoảng cách thương mại từ đó lại rộng thêm, dĩ nhiên, đó là điều mà Tổng thống Trump không bao giờ muốn.
Lý do cuối cùng, việc cắt đứt liên kết với nền kinh tế Trung Quốc có thể được coi là một chiến thắng lớn cho Mỹ, dù nó không phải là một giải pháp. Và các công ty của Mỹ như Apple sẽ chỉ chuyển chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam hoặc các nơi khác.
Và tuần qua, hai “điểm nóng” Apple và NBA đang làm phức tạp thêm cho các cuộc đàm phán thương mại. Có thể nói các cách tiếp cận khác nhau của Apple và NBA là biểu tượng cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ liên tục đi qua ranh giới giữa việc thúc giục Bắc Kinh thay đổi và việc cứ để tồn tại, duy trì cách tiếp cận thị trường của mình và bảo vệ các giá trị cốt lõi của dân chủ.
Vậy nên, một thỏa thuận thương mại vẫn là một “cú sút xa”, Chính phủ Mỹ hiện không muốn quay trở lại hiện trạng trước căng thẳng thuế quan, trong khi Trung Quốc miễn cưỡng thay đổi các chính sách vốn đã đưa nền kinh tế của họ phát triển như nấm sau mưa trong những thập kỷ gần đây, chỉ đơn giản là để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump. Các mục tiêu khác nhau cơ bản của hai quốc gia - kết hợp với các cuộc tấn công gần đây, chính trị phức tạp, cái tôi lớn và cả một “giải thưởng” khổng lồ - có nghĩa là chặng đường để đạt một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn rất rất dài.