Các quan chức chính quyền Trump thừa nhận vẫn chưa thể nói gì về thời hạn đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. (Nguồn: AP) |
Bên ngoài, dù các tuyên bố đầy khả quan về một Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 được phát đi, nhưng bên trong, vẫn là các cuộc đấu trí gay gắt, căng thẳng và có cả bế tắc.
Giai đoạn 1 bế tắc
Thực ra, các quan chức ở cả Mỹ và Trung Quốc đều đang khá đau đầu để có thể hoàn tất thỏa thuận bước 1, nhằm ngăn chặn sự leo thang trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Nhưng sau nhiều tuần đàm phán, họ vẫn đang cố gài vào thỏa thuận các điều khoản sở hữu trí tuệ, mua bán nông sản, hay giảm thuế.
Theo thông tin từ các cuộc đàm phán, các quan chức chính quyền của Tổng thống Trump vẫn khá thất vọng vì Bắc Kinh đã không đưa ra đủ các nhượng bộ cần thiết để đổi lấy việc giảm thuế do Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc - vốn là nhu cầu quan trọng và cấp bách của nước này trong những tuần gần đây.
Nhận định về diễn biến cuộc đàm phán, một vị chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh gần như đã trì hoãn việc đi đến "thỏa thuận ngừng bắn". Cách tiếp cận của họ đang làm mất đi các cơ hội có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng trong những ngày tới, vốn là mục tiêu ban đầu của cả hai bên.
“Điểm nổi bật của tiến trình đàm phán là vẫn còn rất nhiều vấn đề”, nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng, mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng đáng kể vào ngày 15/12 tới nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Điều này cho thấy Nhà Trắng đã ít nhiều lo lắng về việc các cuộc đàm phán có thể thất bại.
Các quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã thừa nhận rằng, ngày hoàn thành thỏa thuận giai đoạn 1 có thể chưa xác định được, tuy nhiên, họ vẫn bác bỏ ý kiến cho rằng, đã có trở ngại trong các cuộc đàm phán.
Thời hạn không xác định
Trả lời phỏng vấn Fox Business, Cố vấn cấp cao, điều hành Hội đồng thương mại Quốc gia của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, các nhà đàm phán Mỹ vẫn đang nói chuyện với phía Trung Quốc. “Như Tổng thống đã nói, chúng tôi sẽ có được một thỏa thuận tuyệt vời. Chúng tôi đang trên đường đi đến một thỏa thuận giai đoạn 1”, ông Navarro vẫn chỉ cho biết như vậy.
Tháng 3/2018, sau khi Mỹ chính thức áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh đã trải qua nhiều cung bậc lên và xuống thang. Trong nửa đầu năm 2019, các quan chức cấp cao đã thảo luận về một thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực nhạy cảm, nhưng các cuộc đàm phán đã sụp đổ một cách nghiêm trọng, dẫn đến những cú ra đòn “ăn miếng, trả miếng” trong mùa Hè vừa qua.
Trong bối cảnh lo ngại chiến tranh thương mại gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, Washington và Bắc Kinh đã quyết định nối lại các cuộc đàm phán vào tháng 9, nhưng họ đều nhắm đến một thỏa thuận hạn chế hơn nhiều và chỉ liên quan đến những nhượng bộ ít gây đau đớn với cả hai phía. Dù đàm phán đã đề cập đến các cam kết của Trung Quốc về minh bạch tiền tệ và tiếp cận thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính Mỹ, Bắc Kinh cũng sẵn sàng giảm bớt các rào cản về sức khỏe và an toàn đối với nông sản nhập khẩu, bao gồm cả việc phê duyệt nhập khẩu giống biến đổi gen (GMO).
Washington và Bắc Kinh lại có cớ trì hoãn để tính lại cách củng cố vị thế đàm phán và tính toán lợi ích cho riêng mình. (Nguồn: AP) |
Nhưng điểm mấu chốt khó hòa hợp, là Mỹ vẫn khăng khăng rằng Trung Quốc phải chấp nhận những ngôn từ mạnh mẽ hơn liên quan đến sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, đó là những vấn đề mà Washington không thể chấp nhận được, rằng Bắc Kinh đang được hưởng lợi từ những bất công trong tiếp cận thương mại với Mỹ.
Theo WSJ, Nhà Trắng còn đang khó chịu về một vấn đề khác nữa, đó là Trung Quốc đã không đồng ý đặt ra các mục tiêu cụ thể bằng văn bản cho kế hoạch tăng cường thu mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Còn Tổng thống Trump đang tìm cách chốt một con số rõ ràng trong thỏa thuận, theo đó, giá trị hàng nông sản Mỹ mà phía Trung Quốc phải mua hằng năm sẽ lên tới 50 tỷ USD, nhiều hơn gấp đôi mức trước khi cuộc chiến thương mại được phát động.
Không vượt được những rào cản đó, Mỹ đã miễn cưỡng xem xét việc dỡ bỏ thuế quan đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mà nước này đã áp đặt vào tháng 9, theo một yêu cầu từ Bắc Kinh như một “món quà sớm” để đi đến thỏa thuận đình chiến thương mại. Tuy nhiên, Washington nhiều khả năng sẽ vẫn muốn Bắc Kinh đưa ra những động thái 'có đi có lại'.
Còn Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói với CNBC rằng, “Chiến tranh thương mại khơi mào bằng thuế quan thì nên kết thúc bằng cách hủy bỏ các mức thuế bổ sung này. Đây là một điều kiện quan trọng để cả hai bên đạt được thỏa thuận”.
Tổng thống Trump đã nhắm mục tiêu ký kết thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao APEC 2019, nhưng việc nước chủ nhà Chile đột ngột từ bỏ vai trò nhà tổ chức giống như đưa ra một thời hạn không xác định cho việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Washington và Bắc Kinh lại có cớ trì hoãn để tính lại cách củng cố vị thế đàm phán và tính toán lợi ích cho riêng mình.
Mỹ đã 4 lần quyết định áp thuế bổ sung và 2 lần quyết định nâng mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó có 1 vòng chưa thực hiện và 1 lần hủy bỏ quyết định nâng mức thuế bổ sung. - Vòng áp thuế đầu tiên trị giá 50 tỷ USD với mức thuế là 25%, phân thành 2 đợt. Đợt 1 nhằm vào 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7/2018. Đợt 2 có hiệu lực từ ngày 23/8/2018, nhằm vào 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. - Vòng áp thuế thứ hai có hiệu lực từ ngày 24/9/2018 đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với mức thuế là 10%. Tuy nhiên, vào ngày 10/5/2019, ông Trump đã nâng mức thuế này lên 25%. Như vậy, tới ngày 10/5/2019, Mỹ đã áp thuế 25% đối với tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kèm theo đe dọa, nếu Trung Quốc không đưa ra nhượng bộ quan trọng sẽ nâng mức thuế lên 30% từ ngày 15/10/2019. Tuy nhiên, trong vòng đàm phán thứ 13 vào đầu tháng 10/2019, hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm thời và ông Trump quyết định không nâng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% nữa. - Vòng áp thuế thứ ba có hiệu lực từ ngày 1/9/2019 đối với khoảng 125 tỷ hàng hóa Trung Quốc với mức thuế 15%, liên quan tới các mặt hàng như máy tính bảng, máy in đa năng, các loại giày dép, máy nghe nhạc thông minh, bộ nhớ flash… - Hiện nay, Mỹ đang chuẩn bị cho vòng áp thuế thứ tư đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Vòng áp thuế này dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12/2019 với mức thuế 15%, liên quan tới điện thoại, máy tính xách tay, đồ chơi, hàng thời trang... |