TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ 'đá' Huawei, ZTE của Trung Quốc ra khỏi kế hoạch triển khai mạng 5G? | |
Mỹ-Trung Quốc: Trò chơi công nghệ với con dao hai lưỡi |
Cơ hội trở thành nhà lãnh đạo kinh tế thế giới của Trung Quốc? (Nguồn: Eastasiaforum) |
Cuối tháng 6/2020, 15 quốc gia Đông Á - chiếm gần 30% sản lượng kinh tế và dân số thế giới - đã nhất trí về việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng là sự bổ sung "hoàn hảo" cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sự bổ sung "hoàn hảo"
Mỹ không tham gia cả hai hiệp định này. Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức, ông đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Trong khi đó Ấn Độ, thành viên ban đầu của các cuộc đàm phán RCEP, cũng đã rút lui trước khi thỏa thuận này chính thức "thành hình". Trong bối cảnh đó, sự "ra đi" của các cường quốc lớn đã tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất trong một khu vực, với trọng tâm là Đông Á.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc có dùng đòn bẩy này để thúc đẩy các lợi ích chính trị ngắn hạn - một loại chiến lược "Trung Quốc trên hết" - hay xây dựng một hệ thống dựa trên quy tắc có lợi cho tất cả các quốc gia như một mô hình hợp tác toàn cầu? Cách thức các nhà lãnh đạo Trung Quốc giải đáp câu hỏi này sẽ định hình cục diện kinh tế và chính trị thế giới trong nhiều năm tới.
Các mô hình nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ làm giảm thu nhập thế giới vào khoảng 301 tỷ USD mỗi năm và làm giảm thương mại thế giới tới gần 1.000 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, hai hiệp định CPTPP và RCEP có thể giúp bổ sung lần lượt 121 tỷ USD và 209 tỷ USD vào thu nhập toàn cầu nếu được thực hiện theo kế hoạch.
Những lợi ích này - đến từ hoạt động thương mại và sản xuất bổ sung ở Đông Á - sẽ bù đắp cho tác động mà cuộc chiến thương mại gây ra đối với khu vực. Cả hai thỏa thuận sẽ góp phần làm giảm chi phí kinh doanh và tăng cường hợp tác công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên ở Đông Á, đồng thời làm làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - những đối tác thương mại lớn nhất của nhau.
Bên cạnh đó, sáng kiến "Vành đai và Con đường" cũng sẽ củng cố các mối quan hệ này bằng cách cung cấp 1.400 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng và thông tin liên lạc cho các nền kinh tế láng giềng. Trong vấn đề này, lời hứa hẹn đầu tư trị giá 113 triệu USD của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ làm nổi bật hơn khoảng cách "một trời một vực" giữa các ưu tiên của Mỹ và Trung Quốc.
RCEP và CPTPP khiến Đông Á trở thành một khu vực chịu ảnh hưởng tự nhiên từ kinh tế Trung Quốc và sẽ tạo ra những lợi ích "bất cân xứng". Trung Quốc sẽ thu lợi nhiều nhất từ RCEP (khoảng 100 tỷ USD), tiếp theo là Nhật Bản (46 tỷ USD) và Hàn Quốc (23 tỷ USD). Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ được hưởng lợi (khoảng 19 tỷ USD) song ít hơn vì ASEAN vốn đã có hiệp định thương mại tự do với các đối tác trong RCEP. Trong khi đó, Mỹ và Ấn Độ được cho là sẽ "bỏ phí" mất khoản lợi tương ứng là 131 tỷ USD và 60 tỷ USD.
Mối quan tâm trong việc tăng cường hợp tác của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây, như việc thúc đẩy đối thoại với các nhà lãnh đạo láng giềng. Cuộc họp mặt ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc được nối lại vào năm 2018. Điều này tạo ra tiền đề cho chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản vào tháng 4/2020, dù trên thực tế, chuyến thăm này đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.
Thử thách đối với vai trò lãnh đạo
Một số chuyên gia cho rằng, trong những thời điểm hỗn loạn như hiện nay, một mô hình hợp tác khu vực mới và bao trùm do Trung Quốc dẫn đầu sẽ mang lại lợi ích kinh tế và sự ủng hộ chính trị có ý nghĩa. Các mối quan hệ đối tác quốc tế coi trọng nhau chưa bao giờ cấp thiết hơn đối với Trung Quốc và thế giới hiện nay.
RCEP và CPTPP sẽ mở ra một cách tiếp cận tích cực của Trung Quốc. Bắc Kinh đã sát cánh bên RCEP qua nhiều năm đàm phán khó khăn dưới định hướng lấy "ASEAN làm trung tâm". Giờ đây, quốc gia này có thể đảm bảo rằng, hiệp định sẽ được thực thi suôn sẻ và theo đó, có được sự hợp tác với ASEAN về các vấn đề chính trị như hoàn tất các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong dài hạn.
Hé lộ gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng, Trung Quốc có khả năng tham gia CPTPP đã tạo thêm một cơ hội mới. Bằng cách báo hiệu sự sẵn sàng áp dụng các chuẩn mực toàn cầu, tư cách thành viên của Trung Quốc trong CPTPP sẽ cổ vũ các thị trường và quốc gia như một điềm báo cho các thỏa thuận trong tương lai và tăng trưởng toàn cầu. Việc Trung Quốc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp nguồn thu thực tế của thế giới tăng thêm 485 tỷ USD và vượt quá 1.000 tỷ USD nếu Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, vùng lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan cũng tham gia, bù đắp gấp 3 lần chi phí của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tham gia CPTPP sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải áp dụng các quy tắc quốc tế tiên tiến. Chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ phải thay đổi cách tiếp cận để hỗ trợ các ngành và doanh nghiệp chiến lược tham gia vào CPTPP.
Nhưng trong trường hợp này cũng có thể xuất hiện các thỏa hiệp. Do đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã bổ sung vai trò hỗ trợ kinh tế lớn hơn cho nhà nước. Ngay cả Mỹ cũng đang sử dụng hoặc đề xuất luật "mua hàng Mỹ", các biện pháp kiểm soát thương mại và đầu tư, đầu tư công vào công nghệ và cổ phần của chính phủ trong các doanh nghiệp toàn cầu.
RCEP và CPTPP sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Trung Quốc, nhưng chúng cũng sẽ đặt ra thử thách đối với vai trò lãnh đạo của Trung Quốc. Đây là một cơ hội bất thường để đảo ngược trạng thái "đang rơi tự do" của hợp tác quốc tế.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (6/8-12/8): Lý do giá vàng 'bốc hơi', Bắc Kinh quyết níu giữ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc TGVN. Lý do giá vàng 'bốc hơi' quá nhanh; Trung Quốc quyết giữ quan hệ song phương với Mỹ không lún sâu hơn nữa vào ... |
| Mỹ-Trung Quốc: Cuộc chiến tẩy chay trong hệ thống thương mại suy tàn TGVN. 19 năm trước, một công ty chưa có tên tuổi của Trung Quốc đã thành lập văn phòng kinh doanh đầu tiên tại châu ... |
| 'Đấu' nhau mệt nghỉ, Trung Quốc xuống giọng với Mỹ? TGVN. Ngày 4/8, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố, nước này không muốn thấy căng thẳng giữa Bắc Kinh và ... |