Cô Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan (1937-2023). |
1. Những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, vấn đề quyền con người được dư luận quốc tế quan tâm rộng rãi. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã sử dụng nó như một công cụ quan trọng - mũi đột phá, để phá hoại, can thiệp vào nội bộ các nước XHCN và các nước độc lập dân tộc trong đó có Việt Nam, làm cho hệ thống các nước XHCN sụp đổ hàng loạt. Trước tình hình đó, ngày 12/7/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị 12 về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Đây là lần đầu tiên, Đảng ta ra một Chỉ thị rất quan trọng, trình bày một cách rõ ràng các quan điểm, chủ trương của Đảng trên lĩnh vực quyền con người, đề ra những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của cả hệ thống chính trị trong bảo đảm quyền con người và ứng phó với những đòn tấn công nguy hiểm của kẻ thù. Giúp việc cho Ban Chỉ đạo là Văn phòng Thường trực.
Đến năm 2002 (sau Đại hội Đảng lần thứ IX), Phó Thủ tướng Vũ Khoan được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ (2002-2006), ông Vũ Khoan đã chỉ đạo việc tổng kết Chỉ thị 12 của Ban Bí thư để đánh giá những kết quả đã làm được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp tron thời gian tiếp theo.
Sau 12 năm Chỉ thị 12 được ban hành, Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác nhân quyền đã triệu tập lãnh đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương để tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 12. Đây có thể coi là Hội nghị Diên Hồng về công tác nhân quyền, đánh giá qua 12 năm thực hiện (1992-2004) dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn dân, công tác bảo vệ nhân quyền đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng; chủ động đấu tranh, vô hiệu hoá các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định. Chỉ thị 12 đã ra đời kịp thời, ứng phó hiệu quả với các hoạt động phá hoại tư tưởng, phá hoại chính trị nội bộ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 12 bộc lộ nhiều khuyết điểm: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, thống nhất; việc triển khai các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật về công tác tôn giáo, dân tộc ở một số địa phương còn lúng túng, yếu kém, sơ hở; chưa tạo được thế chủ động trong đấu tranh nhân quyền….
Việc ông Vũ Khoan yêu cầu tổ chức tổng kết Chỉ thị 12 đã đem lại một luồng sinh khí mới, thúc đẩy sự chuyển biển sâu rộng về nhận thức về công tác nhân quyền trong các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, là dấu mốc quan trọng định hình công tác nhân quyền một cách bài bản, chuyên sâu, đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để kiện toàn Ban Chỉ đạo về Nhân quyền theo hướng mở rộng thành phần để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo đảm và đấu tranh nhân quyền. Ngay sau Hội nghị tổng kết Chỉ thị 12, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã ký ban hành Chỉ thị 41 về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới”.
Có thể nói, Chỉ thị 41 là một bước phát triển mới về nhận thức của Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người, ghi dấu sự đóng góp quan trọng của ông. Từ đây, nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người được đặt lên vị trí hàng đầu, bởi chỉ có bảo vệ tốt quyền con người cho mọi người thì công tác đấu tranh về quyền con người mới đi đến thành công!
Tiếp theo đó, ông đã ký ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo củng cố tổ chức bộ máy Văn phòng Thường trực, nâng cấp thành một đơn vị độc lập, gồm cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách. Cũng từ đây, hoạt động của Văn phòng Thường trực bài bản hơn, hiệu quả hơn...
Ban biên tập Tạp chí Nhân quyền Việt Nam thăm ông Vũ Khoan tại nhà riêng năm 2020. |
2. Cũng ngay trong năm 2004, trên cương vị Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, ông đã chỉ đạo biên soạn cuốn “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam” (Sách Trắng) xuất bản 2005 với 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và cuốn “Việt Nam với vấn đề quyền con người” (Cẩm nang nhân quyền) xuất bản cùng năm 2005). Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Sách Trắng về quyền con người, nên các bộ phận tham gia biên soạn không khỏi lúng túng về hình thức, nội dung cuốn sách, phải làm sao để đáp ứng những tiêu chí chung của cộng đồng quốc tế về một cuốn sách trắng về quyền con người thì mới mang lại hiệu quả tuyên truyền cao không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài, nhất là tại các diễn đàn quốc tế. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của ông, từ tên gọi, xây dựng đề cương chi tiết rồi cuối cùng là nội dung cuốn sách đã dần hình thành.
Do xuất bản Sách Trắng lần đầu tiên và là người rất cẩn trọng về chữ nghĩa, ông đọc rất cẩn thận bản thảo và trực tiếp chỉnh sửa hoàn thiện cuốn sách trước khi cho xuất bản. Hai cuốn Sách Trắng và Cẩm nang nhân quyền cùng với các Chỉ thị 12, Chỉ thị 41 đã trở thành những cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác nhân quyền từ Trung ương đến cơ sở; trở thành “bộ khung” để sau này chúng ta tiếp tục biên soạn Sách Trắng cập nhật tình hình, thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam cũng như làm cơ sở để xây dựng các Báo cáo theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên...
3. Trong nhiệm kỳ đảm đương cương vị Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của ông, công tác đối thoại nhân quyền với các nước được mở rộng thêm nhiều với các đối tác và đặc biệt, chúng ta ngày càng chủ động đấu tranh tại các diễn đàn quốc tế, không để cho các nước, các tổ chức NGOs thiếu thiện chí với Việt Nam “làm mưa, làm gió” độc chiếm diễn đàn như trước đây. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo mà Phó Thủ tướng Vũ Khoan là người đứng đầu, công tác phối hợp giữa các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo trở nên nhịp nhàng, ăn ý, hiệu quả hơn, nhờ đó công tác đấu tranh của ta đã làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền của các thế lực thù địch, nhất là tại các diễn đàn quốc tế.
Nhớ lại, năm 2005, tại diễn đàn Hội đồng kinh tế xã hội (ECOSOC) của Liên hợp quốc, nhờ sự phối hợp ăn ý giữa Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo và các đơn vị chức năng Bộ Ngoại giao, chúng ta đã đấu tranh quyết liệt buộc Ủy ban Các tổ chức phi chính phủ (thuộc ECOSOC) của Liên hợp quốc phải ra quyết định đình chỉ qui chế tham vấn của “Đảng cấp tiến xuyên quốc gia” (TRP) và bác đơn xin hưởng qui chế tư vấn của “Liên minh Việt Nam tự do” (FVA), một tổ chức khủng bố của người Việt lưu vong ở Pháp. Bằng thắng lợi quan trọng này, có thể khẳng định đội ngũ làm công tác nhân quyền đã ngày một trưởng thành, nhưng đồng thời, cho chúng ta thấy, để có được thành công ấy là nhờ đường hướng công tác nhân quyền của ta ngày một rõ ràng và đặc biệt là tầm ảnh hưởng của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đã trở thành người dẫn dắt, truyền cảm hứng để cán bộ làm công tác nhân quyền vững tin thực hiện tốt chức trách của mình.
Có thể nói, vấn đề quyền con người từ chỗ là được coi là “nhạy cảm”, hay bị né tránh, dưới thời Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền đã trở thành một vấn đề bình thường; từ chỗ ta thường bị động, lúng túng trong đối phó với những thủ đoạn, đòn tấn công thô bạo của kẻ thù, dưới sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn, tài tình của ông, ta đã chủ động đấu tranh, không né tránh bất cứ vấn đề gì liên quan đến quyền con người.
Ông Vũ Khoan trả lời phỏng vấn của Tạp chí Nhân quyền Việt Nam năm 2019. |
Không thể không nhắc đôi dòng về phong cách làm việc rất ấn tượng của ông. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cách ông chủ trì các phiên họp. Ông không cần bộ phận giúp việc phải có màn giới thiệu thành phần hay phải đọc lời khai mạc, chương trình nghị sự như mô típ thường thấy, ông chủ động làm luôn và thường mở đầu bằng câu hỏi “đủ chưa nhỉ, đủ rồi thì ta bắt đầu làm việc”, rồi ông nêu ý kiến và chỉ định phát biểu luôn, rất khác với những cuộc họp do người khác chủ trì... Và khi kết luận các phiên họp, kể cả những hội nghị lớn như tổng kết Chỉ thị 12, ông không đọc văn bản mà phát biểu vo một cách mạch lạc, đi thẳng vào những vấn đề mà công tác nhân quyền còn đang vướng mắc kèm với những giải pháp rõ ràng, khúc triết. Tư duy của ông luôn đi trước, dự báo chính xác vấn đề.
Sau gần 20 năm trôi qua, hình ảnh một người thủ lĩnh có tâm, có tầm, chủ tri các phiên họp Ban Chỉ đạo Nhân quyền trong phong thái giản dị, ngắn gọn, mạch lạc, chính xác vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí những thế hệ cán bộ làm công tác nhân quyền tới tận bây giờ.
“Từ đó tôi rút ra cho bản thân bài học rằng, chúng ta cần chủ động chăm lo việc thực thi những giá trị phổ quát về quyền con người trùng khớp với truyền thống và lợi ích của chính chúng ta. Đó là cách tốt nhất để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là “hạ vũ khí đấu tranh” với các thế lực cố tình sử dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ để chống phá ta. Như vậy có phải là “nhất cử lưỡng tiện” không?” “Các cán bộ làm công việc này cần tìm hiểu kỹ dặc trưng văn hóa ứng xử của các dân tộc, các tầng lớp xã hội ở các nước để “nói cho người ta nghe” chứ không chỉ “nói cho đồng bào ta nghe”. “Một nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là nội bộ chúng ta, chí ít là các ngành hữu quan, cần thống nhất nhận thức, hành động nhịp nhàng thì mới hi vọng được hiệu quả mong muốn. Đó là ước nguyện đầu năm của tôi”. (Trích bài viết “Vài kỷ niệm về công tác “nhân quyền” của ông Vũ Khoan viết riêng cho Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số Xuân Canh Tý 2020) |
| Bác Khoan… Hiếm, quý và đặc biệt lắm! Từ sức lan tỏa đến hiệu ứng Vũ Khoan (VK) Bác Khoan… Vũ Khoan (VK) - hiếm, qúy và đặc biệt lắm. Đó là cái chất riêng: Hiệu ứng và sức lan tỏa VK - ... |
| Bà Virginia Foote: Ông Vũ Khoan, ‘mảnh ghép đặc biệt’ trong giai đoạn lịch sử Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Việt Nam, đã chia sẻ cảm xúc trước sự ra đi của ... |
| Ấn tượng với tầm nhìn Vũ Khoan về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao Chia sẻ với TG&VN, PGS. TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đúng ... |
| Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan với 'báo nhà' Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan (1937-2023) luôn dành tình cảm cho những người làm báo, đặc biệt là "báo nhà" - báo Thế giới ... |
| Ngôi sao đã đi xa, nhưng vầng sáng còn mãi: Những bài học của bác Vũ Khoan cho thế hệ sau Sự ra đi của bác Vũ Khoan là sự mất mát lớn cho đất nước, ngành Ngoại giao, và cho mỗi cá nhân trong ngành, ... |