Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Vỹ ngồi ngoài cùng bên phải. |
Kỷ niệm trong ông về ông ngoại là?
Gia đình tôi theo ông vào sống ở Nha Trang từ đầu những năm 1980, cũng là nơi mà ông ngoại tôi là người lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền đúng vào ngày 19 tháng 8 năm 1945. Tuổi thơ tôi lớn lên trong nhiều câu chuyện ông kể mà đọng lại lớn nhất là chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng, chuyện đàm phán hiệp định Paris về Việt Nam và chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu chuyện nào cũng hết sức sinh động như mới diễn ra ngày hôm qua.
Những câu chuyện về đàm phán Paris ghi dấu ấn rất lớn bởi vì nó là câu chuyện về các hoạt động, diễn biến rất sôi động ở một đất nước rất xa xôi. Thời tôi còn nhỏ, việc đi ra quốc tế là ước mơ của rất nhiều người Việt Nam. Ký ức của ông về đàm phán Paris rất rành mạch, rõ ràng khiến những câu chuyện đó trong tôi càng trở nên sống động.
Sau này lớn lên dần, khi là sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế từ năm 1995 (hiện nay là Học viện Ngoại giao), tôi bắt đầu hiểu thêm về những hàm ý, đánh giá, nhận định của ông ngoại với tư cách là một nhà báo, nhà ngoại giao. Những câu chuyện trong suốt quá trình đàm phán đó thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tính nguyên tắc và cũng rất linh hoạt của đoàn đàm phán.
Đoạn khởi đầu trong câu chuyện của ông ngoại kể cho cháu nghe về Hội nghị Paris về Việt Nam?
Ông kể lại, trong không khí thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, ông cùng một số đồng chí được gọi lên gặp Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ đi sang Pháp để bắt đầu cuộc marathon trường kỳ đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh.
Bác Hồ dặn dò nhiều điều, nhấn mạnh lần đàm phán này ta ở tư thế khác với đàm phán Geneva, nhưng các đồng chí phải nhớ rằng đàm phán là với nước lớn. Nước lớn có thể diện của nước lớn. Điều nữa là phải hiểu phương Tây cũng có hai loại Tây, Tây thực dân đế quốc và người dân có lương tri, hàm ý là không đánh đồng, phải tìm cách phân hóa và tập hợp lực lượng.
Tính chất công việc của ông gắn bó với từng diễn biến ở miền Nam nên khi được giao nhiệm vụ tham gia đoàn đàm phán về chấm dứt chiến tranh khiến ông càng vinh dự và tự hào. Năm 1954, ông tập kết từ miền Nam ra miền Mắc, tự hào nói rằng: “Tôi là người miền Nam ra Bắc mà làm nghề miền Nam” - tức là làm Vụ trưởng Vụ thống nhất Bắc Nam; rồi đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập báo Thống nhất, tức là làm công tác thông tin tuyên truyền về cuộc kháng chiến của chúng ta.
Với gần năm năm đặc trách công tác tuyên truyền về Hội nghị Paris, công việc của ông Nguyễn Minh Vỹ gặp những thuận lợi nào?
Phải khẳng định rằng, ngay từ năm 1967, Đảng ta đã xác định ngoại giao là một mặt trận và mặt trận đó diễn ra một cách trực diện nhất, trực tiếp nhất trên bàn đàm phán tại Paris. Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao thì cũng có nhiều chiến tuyến khác nhau, trong đó có đàm phán, vận động và tuyên truyền.
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973. Ông Nguyễn Minh Vỹ ngồi ngoài cùng bên trái. (Nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng) |
Thuận lợi đầu tiên là sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Thuận lợi thứ hai là chúng ta có chính nghĩa. Thứ ba là ta có thắng lợi thực sự trên chiến trường, trong đó sự hy sinh xương máu ở Thành cổ Quảng Trị, các chiến trường khắp nơi ở miền Nam và đặc biệt là chiến thắng 12 ngày đêm Hà Nội - Hải Phòng có giá trị vô giá. Thứ tư là ta có sự ủng hộ của phong trào nhân dân các nước, của các nước xã hội chủ nghĩa và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa.
Thuận lợi nữa là ngay tại Pháp nói chung và Paris nói riêng, ta có những người ủng hộ nhiệt thành. Thuận lợi nữa phải nói về nhãn quan của Bộ Chính trị, mà đứng đầu là Bác Hồ, đã chọn những người cũng rất thông thạo về công tác tuyên truyền, dân vận, ngoại giao nhân dân, đứng đầu là Trưởng đoàn Xuân Thủy.
Thách thức chắc cũng không nhỏ, thưa ông?
Trước hết, ta đối mặt với nền thông tấn báo chí lớn của Mỹ và các nước phương Tây, đứng đằng sau là cả một hệ thống tuyên truyền có đủ phương tiện hiện đại với mạng lưới lan tỏa hơn ta rất nhiều.
Thứ hai, ngược với họ, điều kiện của ta rất thiếu thốn. Về tương quan lực lượng so sánh báo chí thông tấn thì ta kém hơn nhiều.
Thứ ba là, mặc dù tại Pháp có những thuận lợi, nhưng chúng ta vẫn hoạt động trên đất khách, giữa lòng của hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Thứ tư, do thiếu thiết bị kỹ thuật tiên tiến, việc kết nối thông tin liên lạc giữa đoàn đàm phán và “Nhà” có một số lúc chưa được kịp thời, đặc biệt là những khi rất cần thông tin để có đường hướng đàm phán và họp báo, giành thế chủ động. Đơn cử như khi Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II đánh phá với quyết tâm đưa Hà Nội về thời đồ đá, giành ưu thế trên bàn đàm phán, đoàn ta rất mong chờ thông tin bắn rơi B-52 từ Hà Nội để kịp thời lên án, giành thế chủ động về tuyên truyền.
Ông Nguyễn Minh Vỹ (1914-2002): Tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh năm 1914 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc, song ông đã sớm có tinh thần yêu nước và cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, là đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa (khóa I năm 1946). Khi có lệnh tập kết ra miền Bắc, ông được giao nhiệm vụ tham gia tuyên truyền cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Ông từng là Vụ trưởng Vụ thống nhất Bắc Nam, Chủ nhiệm báo Thống nhất, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin kiêm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ năm 1968-1973, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Minh Vỹ làm Phó trưởng đoàn tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Vỹ được đánh giá là nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà ngoại giao tài năng và giàu kinh nghiệm. Năm 2008, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. |
Ông có thể cho biết những nội dung chính trong công tác tuyên truyền, vận động tại Hội nghị Paris?
Thứ nhất, chúng ta khẳng định quan điểm lập trường của Việt Nam nhằm thu hút được sự ủng hộ và chia sẻ. Thông điệp của ta là chính nghĩa, vì hòa bình, độc lập và tự do. Nhân dân, bạn bè các nước thấy mình trong đó và họ đứng về phía chúng ta.
Ông ngoại tôi kể, trong những ngày đầu mới đến Pháp, đoàn đàm phán đến vùng Côte d'Azur, miền Nam nước Pháp, bên bờ Địa Trung Hải để tổ chức mít tinh. Khi đến đó, đoàn ta thấy ở đây thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống bình yên lắm. Câu hỏi đặt ra là người ta đang sống thế này, làm sao để họ biết đến và hiểu bản chất cuộc chiến tranh ở Việt Nam và ủng hộ ta. Điều rất quan trọng là làm sao đưa thông điệp của mình nhưng gắn với sự quan tâm và nhận được chia sẻ, cảm thông của bạn bè quốc tế.
Nội dung thứ hai là đưa về tình hình chiến sự, trong đó có chuyện miền Nam như thế nào, Mỹ ném bom miền Bắc ra sao và đặc biệt là tình hình Quảng Trị, câu chuyện về Điện Biên Phủ trên không, để nhân dân thế giới hiểu được cuộc chiến phi nghĩa, biết được cái tàn bạo, dã man của đế quốc xâm lược.
Nội dung thứ ba là đề cập cuộc sống của người dân hai miền nỗ lực học tập, lao động vượt qua khó khăn như thế nào. Những thông tin chân thực đó góp phần tác động đến cách nhìn của nhiều hãng thông tấn.
Bởi thế, sau này có hãng tin nước ngoài nhận xét là Mỹ muốn đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá nhưng những con người đó (tức người Việt Nam, người Hà Nội) có đưa lên cung trăng họ cũng sống được!
Những đối tượng hướng tới và phương thức tuyên truyền cơ bản mà đoàn ta đã triển khai là gì?
Ta phân loại đối tượng rất rõ. Thứ nhất là các nước xã hội chủ nghĩa để họ ủng hộ, hỗ trợ mình. Thứ hai là nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa. Thứ ba là chính giới, thứ tư là phóng viên các hãng thông tấn… Đối tượng thứ năm hết sức quan trọng, đó chính là nhân dân Việt Nam. Những thông tin về quá trình đàm phán góp phần giúp đồng bào chiến sĩ ở hai miền Nam, Bắc vững tay súng, chắc tay sản xuất, lao động.
Về phương thức, ta tiến hành cung cấp bản tin hàng ngày, thông cáo báo chí, họp báo, đồng thời tiến hành những cuộc diễn thuyết, mít tinh, gặp gỡ ở Paris và các tỉnh thành khác nhau của Pháp và ở các nước khác..
Đánh giá của ông về đóng góp của công tác tuyên truyền, vận động dư luận vào tổng thể chung thắng lợi của Hội nghị?
Công tác tuyên truyền, vận động dư luận có đóng góp quan trọng.
Thông qua công tác dư luận, báo chí, đồng bào trong nước có thêm niềm tin vào cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ ta trong cuộc đàm phán. Đối với nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa, trước hết là nhân dân Pháp, họ hiểu thêm về cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của chúng ta, tạo ra làn sóng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam.
Đối với chính giới, đặc biệt là tại Mỹ, ta có thêm lực lượng ủng hộ ngay trong nội bộ hai đảng của Mỹ.
Với các hãng thông tin báo chí thì họ có thêm thông tin để đưa tin, viết bài. Vẫn dưới lăng kính phương Tây nhưng có điều họ không thể phủ nhận được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của chúng ta vì độc lập, tự do, vì hòa bình. Đặc biệt là sự tàn bạo, dã man, khốc liệt của cuộc chiến đã được báo chí phương Tây phản ánh kịp thời. Những hình ảnh về hai đoàn đàm phán, như nụ cười của Trưởng đoàn Xuân Thủy cho đến vẻ đài các, lịch thiệp của Madam Bình trở thành biểu tượng chính nghĩa đầy thuyết phục của đoàn đàm phán chúng ta, giúp phía ta có thêm lợi thế trong đàm phán.
Ưu thế trên chiến trường quyết định lợi thế trên bàn đàm phán, buộc đối phương phải chấp nhận đàm phán, phải nhượng bộ, thỏa hiệp và đi đến ký kết nhưng thắng lợi này có được chuyển hóa một cách trọn vẹn trên bàn đàm phán hay không là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, là trí tuệ của các đồng chí trong đoàn đàm phán, đặc biệt là đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ, các đồng chí trưởng đoàn, phó đoàn.
Có thể khẳng định, công tác thông tin tuyên truyền củng cố thêm lợi thế của chúng ta. Ví dụ, nhờ công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả nên khi kết thúc 12 ngày đêm không quân Mỹ ném bom Hà Nội vào cuối năm 1972 thì dư luận quốc tế đã tạo một áp lực rất lớn đối với phía Mỹ.
Do vậy, khi ngồi vào bàn đàm phán, Henry Kissinger hoàn toàn yếu thế so với đồng chí Lê Đức Thọ. Những câu chuyện công khai cho thấy, đồng chí Lê Đức Thọ có lập trường rất kiên quyết, lời nói rất đanh thép, Henry Kissinger – con sói già của nền ngoại giao Mỹ - hoàn toàn chịu trận. Từ sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đến khi thống nhất văn bản, ký tắt rồi ký kết chính thức Hiệp định Paris về Việt Nam diễn ra nhanh chóng.
Công tác thông tin tuyên truyền cũng góp phần tạo thêm thế cho ta trong cuộc đấu tranh đòi Mỹ - ngụy phải thực hiện Hiệp định Paris từ 1973-1975, là vốn quý để sau này tiếp tục có mặt trận ủng hộ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết đất nước, trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới.
Ông Lê Hải Bình tại bàn làm việc. Phía sau, bên phải góc ảnh là ảnh Lễ ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ( 27/01/1973). |
Ảnh hưởng của ông ngoại đối với ông như thế nào?
Có lẽ là cái duyên khi ông từng là Người phát ngôn của đoàn đàm phán, tôi cũng từng được làm Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Sau này ông phụ trách công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và tôi cũng thế.
Ảnh hưởng lớn nhất của ông đối với tôi là lòng yêu nước và lời khuyên của ông rằng, khi bắt đầu công việc nào thì nên xem Bác Hồ làm gì. Và tôi luôn tâm niệm điều đó. Ví dụ, khi làm công tác thông tin đối ngoại, tôi luôn nghiên cứu sinh thời Bác Hồ làm như thế nào, rút ra khung lý luận, nội dung, phương thức, đối tượng và phong cách.
Thứ hai là học cách nói, viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tính thông điệp rất cao. Cái thứ ba là tính cầu thị và cầu học rất lớn. Đến tận những năm tháng cuối đời mình thì ông vẫn học, học ngoại ngữ, học các vấn đề mới khi đất nước mở cửa. Điều nữa là tính ham mê lao động. Khi đang công tác thì ông làm việc không ngừng. Về hưu ông vẫn bận rộn đi nói chuyện, viết báo và viết sách.
Cuối cùng là tôi học phong cách của ông. Ông tôi luôn có cách mềm hóa các vấn đề và hóm hỉnh.
Nửa thế kỷ đã qua từ mùa Hè đỏ lửa ở Quảng Trị, từ bản hùng ca 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không và từ Hiệp định Paris lịch sử, cũng là 20 năm từ ngày ông tôi ra đi, song những ký ức về một thời hào hùng “Máu và hoa” luôn được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để hôm nay ta trân quý hòa bình, kiên quyết giữ hòa bình để đất nước phát triển bằng một nền đối ngoại toàn diện, với đầy đủ bản lĩnh và khôn khéo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đúng một năm về trước.
Xin cảm ơn ông!
| Tiếp tục xem công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về biển, đảo, biên giới là mặt trận quan trọng Đó là phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa tại ... |
| Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Pháp Hiệp định Paris đánh dấu thời khắc trọng đại trong lịch sử Việt Nam, đồng thời là sự kiện quan trọng với thành phố Verrières-le-Buisson, ... |
| Paris và những ngày tháng đấu trí, đấu lý nhưng cũng đậm tình Với nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân Hà Đăng, một thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam Ngày 17/1, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập ... |
| Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris Khi Việt Nam đang chiến tranh, trên thế giới, bên cạnh tên gọi chính thức là FNL (Front National de Libération - Mặt trận Dân ... |