Lực lượng cứu hoả Iran phun thuốc khử trùng tại một khu phố ở Tehran, ngày 13/3. (Nguồn: AP) |
Tính đến ngày 26/3, Iran đã có hơn 2.000 trường hợp tử vong do đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo của Iran cùng với một số nhóm viện trợ cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã và đang khiến công tác hỗ trợ nhân đạo đối với đất nước này trở nên cực kỳ khó khăn.
Ở phía ngược lại, Mỹ nói rằng, họ sẵn sàng giúp đỡ Iran trong cuộc đối đầu với đại dịch Covid-19 đồng thời đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng là do sự quản lý sai lầm của chính quyền.
Khi Mỹ ngỏ lời...
Ông Brian Hook, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề của Iran cho biết, trong một cuộc phỏng vấn “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ không ngăn cản viện trợ đến Iran. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đang có nguồn cung cấp hàng hóa lớn đến từ nhiều nước. Đồng thời, chúng tôi cũng miễn trừ một phần các lệnh trừng phạt và cho phép công ty và người dân Mỹ bán thuốc và các thiết bị y tế cho Iran.”
Tuy nhiên, thực tế, việc tìm kiếm một công ty sẵn sàng bán mọi nhu yếu phẩm cho Iran cũng không phải dễ dàng do các biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Iran đã được gia tăng kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Bà Tara Sepehri Far, một nhà nghiên cứu về Trung Đông và Bắc Phi của Human Rights Watch (HRW) cho biết: “Điều đó khiến cho việc đưa hàng hóa nhân đạo vào nước này càng khó khăn hơn. Những biện pháp miễn trừ được đưa ra không đủ để các công ty, ngân hàng Mỹ và châu Âu xuất khẩu hoặc hỗ trợ hàng hóa nhân đạo cho Iran vì nguy cơ dính líu đến các lệnh cấm khác là rất cao.”
Tổng thống Donald Trump vào ngày 22/3 đã đề nghị hỗ trợ cho Iran cũng như Triều Tiên trong việc kìm hãm sự lây lan của virus. Ông nói rằng: “Iran thực sự đang phải trải qua giai đoạn khó khăn liên quan đến vấn đề này.”
Một số thành viên trong chính quyền Tổng thống Trump đã suy đoán rằng, với tất cả những thách thức mà Iran đang phải đối mặt như: các lệnh trừng phạt, nền kinh tế khó khăn, một cuộc bầu cử đầy tranh chấp, các cuộc biểu tình xảy ra hàng loạt… thì dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng sẽ làm chính quyền Iran “lung lay”.
Ngay cả khi dịch bệnh đang lan rộng ở Iran, Mỹ vẫn tiếp tục đưa các lệnh trừng phạt nhắm vào một nhóm các công ty liên quan đến dầu mỏ và một số nhà khoa học hạt nhân trong thời gian sắp tới.
Các lệnh trừng phạt này nhằm mục đích gây áp lực cho lãnh đạo Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, chấm dứt sự hỗ trợ đối với các nhóm lực lượng vũ trang trong khu vực như Hezbollah và tạm dừng phát triển tên lửa đạn đạo.
Một người phụ nữ Iran đeo khẩu trang đi chợ tại Tehran. (Nguồn: Reuters) |
Thế giới vẫn sẽ giúp Iran
Trung Quốc và Nga – những đối tác cũ trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2015 đã tăng cường kêu gọi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang có những dấu hiệu cho thấy rằng họ sẵn sàng “vượt rào” để giúp Iran. Đó là bởi vì Mỹ đang làm “nản lòng” các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang lan rộng trên toàn thế giới.
Ngày 21/3, một học giả người Pháp đã được cho tại ngoại sau khi ông này bị giam giữ tại Tehran vì có triệu chứng của dịch Covid-19. Trong khi đó ở chiều ngược lại, một kĩ sư người Iran cũng đã được thả ra vào ngày 20/3 sau khi bị bắt giam ở Pháp vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Sự trao đổi này đã vấp phải sự phản đối của Mỹ vì chính quyền Trump đang tìm cách dẫn độ kĩ sư này về nước mình.
Ông Julien Barnes-Dacey, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho biết: “Sự bất đồng trong quan điểm về vấn đề Iran giữa châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục gây ra sự chia rẽ và dần dần sẽ không có cách nào thu hẹp lại được.”
“Một khi những hành động trên của châu Âu khiến Mỹ phải thất vọng và phẫn nộ, họ sẽ không giảm bớt các biện pháp trừng phạt Iran và sẽ không lấy vấn đề này làm cầu nối để xây dựng lòng tin.” – Ông Barnes-Dacey cho biết thêm.
Các tổ chức nhân đạo sẽ tiếp tục gửi hàng hỗ trợ cho Iran giống như những gì mà châu Âu đang làm hiện tại, bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, WHO không muốn đưa vấn đề chính trị vào trong việc tiếp tế hàng hóa cho Iran
Người Iran nói rằng, nền kinh tế của họ đang yếu dần vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuần trước đã đăng lên Twitter rằng: “Các lệnh trừng phạt bất hợp lý của Mỹ đang làm nền kinh tế của Iran suy yếu dần. Chính vì điều đó mà quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ngăn chăn đại dịch Covid-19 lan rộng”
Tuần trước, Iran đã lần đầu tiên đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) viện trợ kể từ năm 1960. Mặc dù, ông Ali Vaez, giám đốc các dự án ở Iran của tập đoàn Crisis nói rằng, Mỹ có khả năng sẽ chặn các khoản vay từ IMF nhằm tạo thêm áp lực lên chính quyền.
“Những quốc gia như Italy và Hàn Quốc dù không chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.
Trong khi đó, Iran cũng giống các quốc gia trên nhưng khác ở chỗ, họ vẫn đang bị cấm vận do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì vậy, nếu cuộc chiến thất bại thì một phần là do các lệnh trừng phạt và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực và rộng hơn là trên toàn thế giới.” – Ông Vaez cho biết.