📞

Covid-19 sẽ khiến châu Á 'vắng' Mỹ trong tương lai?

19:20 | 07/04/2020
TGVN. Đại dịch Covid-19 đã "tấn công" Mỹ trên các phương diện như danh tiếng, tài chính, quân sự, chính trị lẫn tâm lý, do vậy, chính sách với châu Á cũng sẽ thay đổi.
Covid-19 sẽ khiến châu Á ít nhận được sự quan tâm của Mỹ trong tương lai. (Nguồn: Getty Image)

Tác động mạnh bởi đại dịch

Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Canberra (Australia) vừa qua đã nhận định rằng dịch Covid-19 có thể làm giảm cam kết của Mỹ tại khu vực châu Á, và mọi người nên bắt đầu suy nghĩ về những việc cần làm khi điều đó xảy ra.

Theo Giáo sư, danh tiếng, tài chính, quân sự, chính trị lẫn tâm lý của Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm vì dịch bệnh Covid-19.

Số người nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ cao gấp 4 lần và số người thiệt mạng cao gấp 3 lần Trung Quốc (tại thời điểm ngày 6/4), trong khi dân số Mỹ chỉ bằng 1/4 dân số Trung Quốc. Thiệt hại của Mỹ thậm chí còn lớn hơn những gì các con số cho thấy. Dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng bấy lâu của Mỹ. Lý do Mỹ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 là do cách thức xử lý kém trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh.

Dịch Covid-19 cũng góp phần làm suy yếu "quyền lực mềm" của Mỹ, vốn là cơ sở để Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh sự thống lĩnh về công nghệ và kinh tế của Mỹ dần suy giảm. Quyền lực mềm của Mỹ đã suy giảm bởi thất bại của nước này tại Iraq và Afghanistan, bởi việc Mỹ từ bỏ các thể chế và khái niệm toàn cầu.

Dịch bệnh đã làm gián đoạn nghiêm trọng năm bầu cử tại Mỹ. Tất nhiên, tới nay tỷ lệ ủng hộ ông Trump vẫn khá cao, không ai dám đánh giá thấp khả năng của ông Trump trong việc biến thảm kịch quốc gia tồi tệ hiện nay thành lợi thế trong những tháng tới.

Ngoài ra, dịch Covid -19 không giúp ngăn chặn sự đấu đá đảng phái gay gắt vốn làm biến dạng đời sống chính trị cũng như cuộc sống người dân, khiến cho việc hoạch định các chính sách quan trọng trở nên bất khả thi.

Thêm vào đó, tâm lý của người dân Mỹ từ đại dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng, tác động tới sự sẵn lòng của họ trong chia sẻ và chi trả gánh nặng chi phí trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, người dân Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ vì họ tin rằng nó "rẻ" và dễ dàng. Họ ngầm tin rằng đất nước của họ là quốc gia hùng mạnh nhất, hiệu quả nhất và được tôn kính nhất trên trái đất, và các quốc gia khác quá hài lòng về vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Giờ đây, nhận thức của họ đã khác. Họ nhìn thấy những đối thủ mạnh mẽ thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các khu vực quan trọng, và họ nhận ra rằng Mỹ không đủ mạnh để đánh bại các đối thủ mà không phải trả giá đắt, và họ hỏi tại sao Mỹ cần phải làm điều đó, khi còn rất nhiều việc phải làm để khiến cho cuộc sống của người dân Mỹ ở trong nước tốt hơn. Câu hỏi này ngày càng khó trả lời hơn trong thập kỷ qua, và sau đại dịch, nó sẽ còn khó hơn nhiều.

Tất cả những điều trên có nghĩa là trong 4 năm tới, Mỹ sẽ không thể đưa ra và thực hiện các chính sách thống nhất, tập trung, vốn sẽ rất cần thiết để có thể phục hồi từ đại dịch và để đối phó với thách thức to lớn từ Trung Quốc tại khu vực châu Á.

Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19. (Nguồn: SCMP)

Cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng

Theo tạp chí The National Interest mới đây, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, quan hệ Mỹ-Trung đã rất xấu và khó khăn. Hiện nay, cuộc khủng hoảng Covid-19 càng khiến cho mối quan hệ này trở nên xấu hơn.

Trước hết, xét ở góc độ kinh tế, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không còn “gắn kết” ở những khía cạnh phi chiến lược bởi đại dịch đã vô tình phơi bày một số rủi ro tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng. Nhiều người cho rằng Covid-19 có thể làm trì hoãn, hoặc thậm chí là đảo ngược quá trình toàn cầu hóa.

Có 2 lý do để lo lắng về điều này. Thứ nhất, dịch bệnh gần như đã khiến nền kinh tế toàn cầu ngưng trệ hoàn toàn. Xét đến khía cạnh kinh tế toàn cầu, việc ngừng cỗ xe này là điều đơn giản, song việc tái khởi động là hành trình cực kỳ gian nan bởi thị trường cần thời gian để hồi phục sau cú sốc, và các chuỗi cung cứng cũng cần khoảng không thể đồng bộ nhằm vận hành một cách trơn tru.

Bên cạnh đó, cuộc “cạnh tranh-hợp tác” giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng và nhiều khả năng “cạnh tranh (cùng đối đầu)” sẽ là thông lệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc, phần lớn là bởi cả 2 nước đều không sẵn lòng gạt sang một bên những khác biệt để hướng đến hợp tác. Hơn thế nữa, cả 2 đều đang chĩa mũi dùi chỉ trích lẫn nhau trong khi dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu.

Rõ ràng, dịch bệnh trên thực tế lại tạo một “khoảng đệm” vừa đủ cho mối quan hệ Mỹ-Trung. Quan hệ thương mại song phương đang trên đà suy thoái và sẽ đi theo hướng đối đầu hơn, cả hai nước đều thiếu thời gian và nguồn lực để định hình những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại trong năm 2020.

Mọi sự tập trung của năm nay đều dồn cho cuộc chiến chống Covid-19 cũng như cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11, vì vậy khó có thể hình dung về những thay đổi lớn trên khía cạnh này tại Mỹ. Trong khi đó, bối cảnh hiện tại cho thấy Trung Quốc sẽ không có lợi nếu kích động một cuộc xung đột hay đối đầu trong giai đoạn này.

Như vậy, sự không "mặn mà" với châu Á có thể là điều dễ hiểu trong chính sách tới đây của Mỹ.

(theo Straits Times, Eurasiareview)