Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi người dân tăng cường biện pháp đề phòng bùng phát lây nhiễm dịch Covid-19 quy mô lớn trong dịp lễ Pchum Ben diễn ra từ ngày 5-7/10. (Nguồn: THX) |
Trong 24 giờ qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 30.439 ca, trong khi Nga là nước có số ca tử vong cao nhất, với 890 ca. Đáng chú ý, Anh và Nga là hai nước sớm triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 trên thế giới.
* Tại châu Á
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi người dân tăng cường biện pháp đề phòng bùng phát lây nhiễm quy mô lớn trong dịp lễ Pchum Ben diễn ra từ ngày 5-7/10.
Trước đó, ngày 25/9, ông Hun Sen đã cảnh báo nếu không dừng lễ Pchum Ben, “một thảm họa” sẽ xảy ra với y tế công của Campuchia và đe dọa tính mạng của người dân.
Pchum Ben là dịp lễ lớn thứ hai trong năm của người Campuchia chỉ sau Tết Chol Chnam Thmay truyền thống. Mặc dù các hoạt động lễ hội đã bị hủy bỏ để ngăn dịch lây lan, song nhân viên các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn được nghỉ lễ 3 ngày.
Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 199 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 23 ca tử vong.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản dự kiến đưa thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merk (Mỹ) vào danh mục các loại thuốc điều trị Covid-19 từ cuối năm nay.
Nếu được chấp nhận, Molnupiravir sẽ là loại thuốc uống đầu tiên trên thế giới được dùng để điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Tại Nhật Bản, các liệu pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ và vừa đều là truyền tĩnh mạch và đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Với đặc trưng có thể được sử dụng dễ dàng tại nhà, thuốc Molnupiravir được kỳ vọng sẽ cùng với vaccine là hai biện pháp then chốt giúp Nhật Bản kiểm soát dịch bệnh.
* Tại châu Âu
Bộ Y tế Italy "bật đèn xanh" cho phép người dân tiêm vaccine Covid-19 và vaccine phòng cúm cùng một lúc.
Trước đó, một nghiên cứu của Anh cho thấy mọi người có thể an toàn khi đồng thời tiêm vaccine Covid-19 và vaccine phòng cúm bởi việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng miễn dịch do 2 loại vaccine tạo ra.
Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Nga ghi nhận 890 ca tử vong vì Covid-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này.
Số ca mắc mới mỗi ngày tại Nga tăng lên mức gần 26.000 ca, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước lên hơn 7,5 triệu người.
Tỷ lệ tỷ vong tại Nga đang chiếm khoảng 2,77% với 209.918 trường hợp không qua khỏi.
Ngày 4/10, Anh công bố gói hỗ trợ mới cho người lao động sau khi nước này quyết định kết thúc gói hỗ trợ trước đây cho diện lao động bị tạm dừng công việc do đại dịch.
Dự kiến, gói hỗ trợ mới trị giá 500 triệu bảng Anh (tương đương 680 triệu USD) sẽ tập trung vào việc đào tạo lại số lao động lớn tuổi sắp quay trở lại làm việc cũng như hướng tới cả những người trẻ tuổi.
Liên quan đến hội chứng "Covid kéo dài", các chuyên gia tại Bệnh viện Cromwell ở London cảnh báo về các tác động của hội chứng này "lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng" và tư vấn cần điều trị bệnh nhân tổng thể theo phương pháp đa ngành, kết hợp giữa dùng thuốc và các biện pháp tâm lý và tâm thần học.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech Ugur Sahin cho biết, nhiều khả năng thế giới sẽ cần một loại vaccine Covid-19 trong năm tới.
Theo ông Sahin, có thể sẽ cần một công thức vaccine mới vào giữa năm 2022 nhằm chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng vượt qua hệ miễn dịch của cơ thể và thậm chí là sự bảo vệ của các mũi vaccine tăng cường.
Ông nhấn mạnh rằng chưa cần có vaccine mới trong thời điểm này bởi các vaccine Covid-19 hiện nay có khả năng chống lại biến thể Delta.
* Tại châu Mỹ
Pfizer và đối tác BioNTech đã cung cấp dữ liệu sơ bộ về thử nghiệm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi lên Bộ Y tế Canada sớm hơn dự kiến.
Hiện Canada chưa cấp phép bất kỳ vaccine Covid-19 nào dành cho trẻ dưới 12 tuổi, do đó, việc phê duyệt vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ là một bước tiến lớn.
Pfizer cho biết trong quá trình thử nghiệm, số trẻ em trong độ tuổi 5-11 được tiêm liều vaccine chỉ bằng 1/3 liều tiêm dành cho người lớn.
* Tại Trung Đông
Ngày 3/10, Israel thông báo sẽ chỉ cấp “thẻ xanh” Covid-19 cho những công dân đã tiêm mũi vaccine thứ ba, thay thế cho hệ thống cũ chỉ yêu cầu tiêm 2 mũi.
Khoảng 37% trong tổng dân số 9,4 triệu người của Israel đã tiêm mũi bổ sung.
Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trong tình trạng nặng tại nước này đã giảm trong những ngày gần đây, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống dưới mức 4.000 so với mốc 10.000 ca/ngày tháng trước
* Tại châu Đại dương
Hãng hàng không quốc gia New Zealand thông báo yêu cầu tất cả hành khách trên các chuyến bay quốc tế của hãng phải tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Đây là một trong những quy định chặt chẽ nhất thế giới đối với hoạt động đi lại.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Giám đốc điều hành Air New Zealand Greg Foran khẳng định, tiêm chủng vaccine là "thực tế mới của hoạt động đi lại quốc tế", bởi nhiều địa điểm mà người New Zealand muốn tới hiện không mở cửa với du khách chưa tiêm chủng.
Trong khi đó, Australia quyết định tăng đơn đặt hàng thuốc Sotrovimab điều trị Covid-19 từ 7.700 liều lên hơn 31.000 liều trong bối cảnh đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Việc điều trị bằng Sotrovimab thông qua phương pháp truyền tĩnh mạch (IV) một liều duy nhất đã được chứng minh giúp giảm 79% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở người lớn mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình.
Ước tính 8-15% người trưởng thành ở Australia mắc Covid-19 sẽ được khuyến cáo điều trị bằng Sotrovimab và phương pháp này phải được áp dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng.
* Liên quan đến nguồn gốc Covid-19, theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên diễn đàn virological.org, có bằng chứng mạnh mẽ chứng minh giả thuyết dịch Covid-19 "lây nhiễm tự nhiên".
Cụ thể, theo phân tích sơ bộ về bộ gen virus được lấy mẫu từ những người bị nhiễm bệnh, virus SARS-COV-2 có khả năng lây nhiễm từ động vật sang người nhiều lần.
Nghiên cứu mới nhất thu thập thông tin từ những người bị nhiễm bệnh vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu được khẳng định bằng các phân tích sâu hơn, phát hiện này sẽ khiến giả thuyết virus "rò rỉ từ phòng thí nghiệm" ít khả thi hơn.