Sự thay đổi phức tạp của quan hệ tam giác chiến lược Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ vào thập niên 70 của thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi sâu sắc cục diện thế giới. Liên Xô và Trung Quốc, từ chỗ coi Mỹ là “kẻ thù chung”, đã phát triển quan hệ ngoại giao tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới phát triển rộng rãi.
Cục diện thế giới rối ren
Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 1959 đến 1969 lại chứng kiến những “nấc thăng trầm” của "bộ ba" chiến lược trên, xuất phát từ quan hệ Trung - Xô “rạn nứt” và quan hệ Trung - Mỹ “tan băng”. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới, đồng thời tác động trực tiếp đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam.
Trong bối cảnh phong trào cách mạng thế giới bị phân hoá, mâu thuẫn Trung - Xô sâu sắc, Việt Nam với đường lối độc lập, tự chủ đã khéo léo cân bằng ảnh hưởng, tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc để chấm dứt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng thời cải thiện quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô trên nhiều lĩnh vực.
Nhân dân Campuchia trong Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. (Nguồn: TTXVN) |
Ngoài ra, sau chiến thắng đế quốc Mỹ (17/04/1975) ở Campuchia, tập đoàn Pol Pot lên nắm quyền, lập ra nhà nước “Campuchia dân chủ”, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Trước hành động này, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đập tan các hành động xâm lược, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot và giải phóng Campuchia vào ngày 07/01/1979.
Quyền tự vệ chính đáng
Sự thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam lên đỉnh điểm.
Từng giữ vị trí Bí thư thứ ba tại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn 1978 - 1980, ông Lê Công Phụng hồi tưởng lại: “Trước khi chiến tranh nổ ra, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc lúc ấy là bác Nguyễn Trọng Vĩnh, cùng Bí thư thứ nhất là bác Dương Danh Dy, với tôi, là Bí thư thứ ba, đã tham gia chuyến lữ hành do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức vào năm 1978. Đại sứ Vĩnh là trưởng đoàn ngoại giao. Trong 5 - 7 ngày đầu, cả đoàn đi rất "ngon lành", đi đâu Đại sứ ta cũng lên phát biểu. Nhưng đến khi xảy ra vấn đề người Hoa ở Việt Nam thì phía bạn cắt hết, không có phát biểu gì nữa”. Đại sứ Lê Công Phụng kể lại rằng trong chuyến đi đó, Trung Quốc đã có cách hành xử khác, thậm chí “Đại sứ phải ăn bằng bát sứt, Bí thư phải ngủ giường tầng”.
Trong khi đó, Trung Quốc lên kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học” và chuẩn bị chiến tranh “trừng phạt Việt Nam” thông qua việc tăng cường xây dựng căn cứ, hệ thống kho trạm; mặt khác tuyên bố với dư luận trong nước và quốc tế rằng Bắc Kinh chỉ sử dụng lực lượng “bộ đội biên phòng” để thực hiện “phản kích tự vệ”, đồng thời cáo buộc Việt Nam gây ra xung đột, “lấn chiếm đất đai”, “quấy rối biên cương” phía Nam.
Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, từng giữ vị trí Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc giai đoạn 1978 - 1980. |
Trái với những gì Bắc Kinh tuyên bố, vùng biên giới Việt - Trung ghi nhận không có bất kỳ lực lượng vũ trang nào của Việt Nam buộc Trung Quốc phải “tự vệ”. Trên thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị lực lượng quy mô lớn cả trên thực địa và trên biển, bí mật đưa lực lượng vượt biên, sử dụng pháo binh bắn phá và huy động 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới của Việt Nam.
Trước diễn biến đó, Đảng và Nhà nước ta kiên trì chủ trương giải quyết bằng biện pháp hoà bình, khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Quân sự - ngoại giao song hành
Trong suốt quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, quân và dân Việt Nam đã đồng lòng chiến đấu trên mọi mặt trận, tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới.
Trên mặt trận quân sự, trải qua hơn 10 ngày chiến đấu, lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và nhân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã anh dũng đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc, bẻ gãy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam tích cực tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và dư luận thế giới. Tại Trung Quốc, khi chiến tranh nổ ra, lực lượng an ninh nước này luôn theo sát Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh. “Cán bộ nhân viên tại Đại sứ quán rất cảnh giác và trực thường xuyên, những nơi cất giữ tài liệu mật được bảo vệ nghiêm ngặt, sứ quán được bảo vệ một cách an toàn tuyệt đối. Dân tộc mình đã quen với các cuộc chiến tranh vệ quốc, nên không có cái gì lo sợ hay rối loạn”, Đại sứ Lê Công Phụng nhấn mạnh.
Với các nước xã hội chủ nghĩa, Đại sứ Phụng cho biết: “Suốt thời gian trước, trong và sau chiến tranh, Đại sứ quán Việt Nam vẫn giữ các hoạt động giao lưu bình thường, vẫn liên hệ làm việc thường xuyên, nhất là Cuba, Liên Xô, Lào, Mông Cổ… Các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó cũng đứng về phía Việt Nam, không có nước nào không lên án Trung Quốc”.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Thọ, nguyên cán bộ Vụ châu Mỹ - Bộ Ngoại giao, nguyên Bí thư thứ ba Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, lúc đó, toàn bộ Đại sứ quán Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đại sứ Lê Thám đã “tập trung toàn bộ vào việc vận động dư luận chính giới, nhân dân và báo chí nước sở tại cùng bạn bè các nước Mỹ Latin đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân Việt Nam”.
“Chính phủ Mexico lúc đó im lặng, nhưng lại để cho nhân dân và báo chí lên tiếng. Đó là thuận lợi cho chúng tôi. Chúng tôi dựa vào Uỷ ban Mexico giúp đỡ Việt Nam do bà Marta Lopez Tamayo làm Chủ tịch; vào các giáo sư đại học và các trường học khác; Liên đoàn báo chí Mỹ Latin (FELAP); Hội hữu nghị Mexico với các nước xã hội chủ nghĩa như Cuba, Liên Xô; Mỹ Latin như Argentina, Chile, Nicaragua”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thọ, nguyên cán bộ Vụ châu Mỹ Bộ Ngoại giao, nguyên Bí thư thứ ba Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico. (Ảnh: Phạm Thuận) |
Cùng đứng về phía Việt Nam, Cuba - người anh em “sẵn sàng hiến dâng cả máu mình” đã kề vai sát cánh với quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Văn Đào bồi hồi nhớ lại: “4 ngày sau khi chiến tranh nổ ra, chiều tối ngày 21/2, tại Rampa - khu trung tâm sầm uất hàng đầu của Thủ đô Havana, đã diễn ra cuộc mit-tinh đoàn kết với Việt Nam để bảo vệ biên giới. Hàng vạn người dân Cuba đã đứng kín đại lộ trải dài hàng cây số, tới tận bờ biển với những khẩu hiệu ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam, phản đối các hành vi gây hấn tại biên giới phía Bắc của Việt Nam...”.
Đại sứ Nguyễn Văn Đào khẳng định: “Ai có mặt tại đây đều thấu hiểu rằng, trái tim của người anh em Cuba lúc nào cũng bên cạnh Việt Nam, đập cùng nhịp đập của trái tim những người Việt Nam trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.
Dư luận ủng hộ chính nghĩa
Cùng với những đấu tranh trên mặt trận quân sự và ngoại giao, trên mặt trận báo chí, dư luận tiến bộ trên thế giới đồng loạt lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Thống kê của hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc) chỉ ra rằng, trong cuộc chiến này, “chỉ có hai nước ủng hộ Trung Quốc, hầu như không có quốc gia trung lập, và đại đa số đều ủng hộ Việt Nam. Thậm chí, Mỹ - nước vừa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cũng yêu cầu Bắc Kinh rút quân khỏi Việt Nam”.
Miêu tả hậu quả sau chiến tranh, tờ New York Times của Mỹ số ra ngày 28/03/1979 có đăng bài viết của nhà báo Pháp Giăng Tô-ra-van: “Trung Quốc đã tàn phá đất nước Việt Nam và gây ra nhiều đau khổ cho nhân dân ở đây. Trong vùng bị quân Trung Quốc chiếm đóng trước đây, nay chỉ còn là sự đổ nát. Tất cả các đường giao thông bị phá huỷ. Tất cả các bệnh viện ở Lạng Sơn, Lào Cai và Cao Bằng đều bị phá sập. Gần 80% số nhà ở và công sở tại các thị xã này đã bị phá huỷ…”.
Quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam, để lại thiệt hại về người và của đối với đồng bào ta ở các tỉnh giáp biên giới. (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, lực lượng tiến bộ tại Mexico cũng góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979. Từng là Bí thư thứ ba phụ trách công tác Báo chí - Văn hoá tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Tôi còn nhớ khi rộ lên vấn đề người di tản, chúng tôi vận động nhà văn Gabriel Garcia Marquez, người đã đoạt Giải thưởng Nobel về Văn học và là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Trăm năm cô đơn”, viết một bài dài đăng trên báo Exselsor (Lên cao) với tiêu đề "giật gân": “Việt Nam đã phạm sai lầm lớn”, trong đó phê phán “sai lầm” của chúng ta là mất cảnh giác, không nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của phương Tây lợi dụng vấn đề di tản để bôi nhọ, làm mất uy tín Việt Nam”.
“Còn nhà báo lão thành Genaro Checa, Chủ tịch Liên đoàn nhà báo Mỹ Latin, tin tưởng chúng tôi đến mức, khi Đại sứ quán thông báo việc Trung Quốc leo thang chống Việt Nam và đề nghị bạn lên tiếng ủng hộ, ông nói với tôi: “Các bạn muốn chúng tôi ủng hộ thế nào thì cứ viết như vậy và ký tên của tôi”, ông Thọ cho biết thêm.
Về phía Trung Quốc, sau khi không đạt được mục tiêu và chịu sự lên án mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trong nước và quốc tế, ngày 05/03/1979, Bắc Kinh đã buộc phải rút quân trên tất cả các hướng.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, dư luận quốc tế đã ủng hộ Việt Nam và đứng về phía chính nghĩa. Với ý chí chiến đấu quật cường cùng truyền thống nhân nghĩa, bao dung và mong muốn gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, quân và dân Việt Nam đã chiến thắng không chỉ trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn chiến thắng bởi tính chính nghĩa của cuộc chiến này.