Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa ông Putin và ông Biden ở Geneva dự kiến vào ngày 16/6. (Nguồn: Getty) |
BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
| Căng thẳng EU-Belarus: Nhân tố mới trong câu chuyện cũ |
Trong tháng 6 tới, không phải Hội nghị cấp cao thường niên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tổ chức ở London (Anh) hay của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Brussels (Bỉ) hoặc cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mà là cuộc gặp giữa ông Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva (Thụy Sỹ) dự kiến vào ngày 16/6 tới mới được dư luận chung trên thế giới quan tâm đến nhiều nhất.
G7 hay NATO hoặc EU đều hể hả khi ông Biden cất công sang châu Âu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên để trực tiếp tham dự các cuộc gặp cấp cao, nhưng ông Biden sẽ phát biểu gì ở đấy và kết quả của các sự kiện đấy về cơ bản hiện đã có thể tiên liệu được trước. Còn ở cuộc hội ngộ giữa ông Putin và ông Biden thì lại hoàn toàn khác.
Hai người này vốn không lạ gì nhau và đã nhiều lần gặp nhau. Nhưng lần này họ gặp nhau trên cương vị và với quyền lực quốc gia đủ để không chỉ xử lý chuyện quan hệ song phương mà còn cả chuyện chính trị thế giới nữa. Mối quan hệ song phương này không được cải thiện thêm mà còn sa sút nữa kể từ khi ông Biden chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ.
Ông Biden đã tỏ ra không nhún nhường và ưu ái Nga cùng với cá nhân ông Putin như người tiền nhiệm. Trong bối cảnh tình hình như thế mà họ vẫn gặp nhau đủ để cho thấy họ ý thức được rằng cho dù quan hệ song phương còn có thể tồi tệ thêm như thế nào đi nữa thì Mỹ và Nga vẫn phải duy trì tiếp xúc và hợp tác với nhau, hai bên vẫn phải kiểm soát diễn biến của quan hệ và đều phải lưu ý đến những lằn ranh đỏ.
Vì thế, ở Geneva tới đây hai người này sẽ thẳng thắn với nhau khi đề cập bất hoà nhưng đồng thời sẽ đặc biệt coi trọng đồng thuận. Gạn đục, khơi trong như thế là cách thích hợp và hiệu quả nhất hiện tại đối với cả hai bên trong xử lý mối quan hệ song phương này.