Đại sứ Đan Mạch tại Thung lũng Silicon, Casper Klynge là Đại sứ công nghệ đầu tiên trên thế giới. (Nguồn: The New York Times) |
Casper Klynge là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Đan Mạch ở những “điểm nóng” đầy biến động của thế giới. Ông từng gắn bó 18 tháng với chương trình tái thiết quốc tế tại Afghanistan và từng dẫn đầu một phái bộ giải quyết khủng hoảng tại Kosovo trong vòng 2 năm.
Bước sang tuổi 46, khi ở độ “chín” của sự nghiệp ngoại giao, ông bắt đầu đảm nhiệm vị trí mà chính ông nhận định là khó khăn nhất – Đại sứ Đan Mạch tại Thung lũng Silicon.
Xâm nhập “đất thánh”...
Vì sao Đan Mạch lại có bước đi tiên phong và táo bạo như vậy?
Lý do thật đơn giản. Chính quyền Đan Mạch cho rằng, các tập đoàn, công ty công nghệ khổng lồ ngày nay như Google, Facebook, Apple… đang nắm trong tay quyền lực to lớn không thua kém gì các quốc gia trên thế giới, thậm chí còn có thể hơn.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Jeppe Kofod từng nhận xét: “Chúng tôi đã ngây thơ trong một thời gian dài về cuộc cách mạng công nghệ”. Do vậy, vị trí của Đại sứ Klynge chính là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm đưa Đan Mạch trở thành biểu tượng của châu Âu và thế giới về nỗ lực nghiên cứu ảnh hưởng của công nghệ đối với xã hội.
“Điều gì đang tác động mạnh mẽ nhất tới đời sống hàng ngày của chúng ta? Một quốc gia ở Nam Âu, Đông Nam Á, Nam Mỹ, hay là các diễn đàn công nghệ lớn?”, ông Klynge đặt vấn đề trong một cuộc trả lời phỏng gần đây tại thủ đô Copenhagen.
Theo Đại sứ Klynge, các giá trị lớn như nền dân chủ, nhân quyền của châu Âu đang bị thách thức bởi sự nổi lên của công nghệ. Xuất phát từ các mục tiêu thương mại, các công ty công nghệ đã thực sự trở thành một “người chơi” trong hoạt động đối ngoại toàn cầu.
… cũng chẳng dễ dàng
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen: Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển công nghệ theo cấp số nhân, Đan Mạch mong muốn đi đầu trong việc phát hiện ra những xu hướng, mô hình kinh doanh và công nghệ mới để có thể tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu. Thế giới ngày nay đã làm thay đổi bản chất của ngoại giao, công nghệ tạo ra những thách thức mới song cũng trở thành một công cụ hữu hiệu cho người làm đối ngoại. Các nhà ngoại giao có thể truyền đi thông điệp của mình bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội, từ đó tiếp cận được với đối tượng công chúng rộng rãi hơn. |
Sau hai năm làm việc trên cương vị đặc biệt, ông Klynge đã thấy rõ được sức mạnh của các tập đoàn, công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon. Dân số Đan Mạch chỉ khoảng 5,8 triệu người, chưa bằng 0,3% số người dùng toàn cầu hiện nay của Facebook (2,4 tỷ người).
Trái ngược với sự hiện diện long trọng của một Đại sứ truyền thống, những ngày đầu, ông Klynge gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với “chính quyền” sở tại khi phải đối mặt với sự lạnh lùng đến từ những ông chủ công nghệ lớn.
Đại sứ Klynge phải tốn khá nhiều thời gian mới tiếp cận được ông chủ Mark Zuckerberg của Facebook, Sundar Pichai của Google hay Timothy D. Cook của Apple. Với ông Klynge, việc tiếp xúc với các công ty công nghệ giống như việc bang giao với một “siêu cường” đầy bí hiểm và chưa bao giờ dễ dàng.
Đơn cử, nhà ngoại giao năng động này đã phải mất chín tháng mới có được lịch hẹn với quản lý cấp cao của một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại “thánh địa” Silicon. Khi đến buổi gặp, ông hy vọng mình sẽ có cuộc nói chuyện chân thành về các vấn đề đã được hai bên đồng ý trước đó, bao gồm thuế, an ninh mạng và thông tin sai lệch trên Internet.
“Khi vị quản lý đến, ông ấy chỉ độc diễn một hồi về những vấn đề phiền toái do các quy định của châu Âu đối với ngành công nghệ, sau đó nói rằng không có thời gian cho cuộc nói chuyện và rời đi”, ông Klynge nhớ lại.
Dù vậy, những nỗ lực của Đại sứ Klynge đã được đền đáp khi ông đã dần xây dựng được mối quan hệ khá tốt với lãnh đạo của một số công ty. Nhiều người đã có cái nhìn thiện cảm hơn về công việc mà ông Klynge đang làm. Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith cho biết, ông thường xuyên có những cuộc nói chuyện với Đại sứ Klynge và đánh giá cao quyết định của Chính phủ Đan Mạch khi cử Đại sứ tới Thung lũng Silicon.
Nhờ Đại sứ Công nghệ mà Copenhagen hiện có thể liên lạc trực tiếp với các công ty ở Thung lũng Silicon mà không cần phải qua Washington, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Chính phủ Mỹ và châu Âu đang gặp nhiều trở ngại.
Ngoài ra, với sự trợ giúp của các công ty công nghệ, Đại sứ Klynge đã hoàn thành xuất sắc công tác bảo hộ công dân trên cương vị của mình. Năm ngoái, khi một công dân Đan Mạch bị phần tử khủng bố Hồi giáo giết hại khi đang du lịch tại Morocco, ông nhanh chóng tiếp cận với đại diện của Facebook và Google để vận động gỡ bỏ video quay lại vụ tấn công khủng khiếp.
“Về bản chất, làm ngoại giao không nhất thiết phải là hoàn thành các mục tiêu trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài”, Đại sứ Klynge chia sẻ.
Trong một bài viết trên trang Diplomatic Courier, chuyên gia địa chính trị W. Alejandro Sanchez nhận định vai trò Đại sứ Công nghệ mà ông Klynge đang đảm nhiệm sẽ là tương lai của ngành ngoại giao. Ngoại giao truyền thống – giữa các Chính phủ sẽ tiếp tục được thực hiện bởi các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, sự tiến bộ về công nghệ đang ảnh hưởng đến những cách thức ngoại giao, các nhà ngoại giao hiện nay có thể liên lạc với cơ quan trong nước thông qua tin nhắn văn bản hoặc WhatsApp, và thậm chí, các quyết định chính sách có thể được đưa ra thông qua điện thoại thông minh... |