Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. |
Xin Đại sứ cho biết sự chuẩn bị của Việt Nam cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ cũng như trọng trách Chủ tịch HĐBA trong tháng 1/2020?
Ngay sau khi được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam tiến hành ngay các công việc chuẩn bị về con người, bộ máy và nội dung cho phái đoàn ở New York. Về bộ máy, Việt Nam đã thành lập cơ chế hợp tác liên ngành ở trong nước và bắt đầu chạy thử cơ chế hợp tác giữa Phái đoàn ở New York và các cơ chế hợp tác liên ngành ở trong nước để làm sao khi Việt Nam vào HĐBQ, nhất là khi làm Chủ tịch trong tháng 1/2020 (theo cơ chế luân phiên) thì có thể ra được những quyết định nhanh chóng và kịp thời, bởi tình hình diễn biến rất nhanh.
Về nội dung, Việt Nam tiến hành rất nhiều cuộc tham vấn tại thủ đô các nước cũng như tại LHQ với các phái đoàn của các nước thành viên HĐBA để xây dựng chương trình làm việc của tháng 1/2020 và những sự kiện, những vấn đề mà Việt Nam sẽ đi đầu trong tháng. Phái đoàn và các bộ máy đã chạy thử, điều chỉnh và cho tới bây giờ đã sẵn sàng để tham gia chính thức bắt đầu từ tháng 1/2020.
Trong tháng nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐBA thì những ưu tiên của Việt Nam là gì, thưa Đại sứ?
Ưu tiên thứ nhất trong tháng Chủ tịch là làm tốt vai trò điều hành để HĐBA xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, bảo vệ vững chắc hòa bình và an ninh quốc tế.
Ưu tiên thứ hai là phát huy vai trò của Chủ tịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của Hiến chương LHQ trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, tuân thủ Hiến chương để bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế. Tháng Một là tháng đầu tiên LHQ kỷ niệm 75 năm sự ra đời của Hiến chương và 75 năm thành lập tổ chức.
Ưu tiên thứ ba là Việt Nam thúc đẩy sự hợp tác giữa LHQ và ASEAN. ASEAN ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực cũng như đóng góp vào quá trình gìn giữ hòa bình, an ninh trên thế giới. Tháng 1/2020 cũng là tháng mà Việt Nam bắt đầu đmả nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Nắm giữ trọng trách là Chủ tịch HĐBA sẽ là một khó khăn lớn đối với bất kỳ thành viên nào của LHQ, vậy đối với Việt Nam thì như thế nào và sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ khác đối với Việt Nam cụ thể ra sao, thưa Đại sứ?
Có thể nói, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên HĐBA và các nước thành viên LHQ. Nhưng, để xử lý được những thách thức cũng là điều hết sức khó khăn bởi tình hình biến chuyển rất nhanh, bất trắc khó lường. Trong khi đó, trong rất nhiều vấn đề, các nước thành viên HĐBA không thống nhất, thậm chí có xung đột lợi ích. Phải xử lý như thế nào để vừa bảo vệ được hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước thành viên của HĐBA là thách thức rất lớn.
Xin cảm ơn Đại sứ!