Đại sứ Đặng Đình Quý và các cán bộ Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, năm 2020. |
Tôi vẫn rất nhớ bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ về kết quả của Việt Nam trong nhiệm kỳ hai năm làm Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Đó là bài trả lời phỏng vấn dài nhất tôi từng nhận được! Có lẽ 8 trang giấy ấy vẫn chưa thể lột tả hết được những công việc mà Phái đoàn ta phải đảm nhiệm trong hai năm quan trọng này! Nghĩ lại, Đại sứ muốn chia sẻ điều gì về kỷ niệm khiến Đại sứ khó quên nhất?
Khó có thể nói kỷ niệm nào khó quên nhất vì mỗi khi nhớ lại, cảm xúc về khoảng thời gian đó trong tôi lại khác nhau, gợi ra những kỷ niệm khác nhau.
Lúc này, tôi nhớ đến kỷ niệm về quá trình soạn thảo Tuyên bố Chủ tịch HĐBA. Để chuẩn bị cho tháng Chủ tịch ngay khi chúng ta vào HĐBA, tháng 1/2020, Nhà đã chỉ đạo và chuẩn bị rất sớm dự thảo Tuyên bố Chủ tịch để thông qua ngay sau cuộc Thảo luận mở với chủ đề “Thượng tôn Hiến chương LHQ trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế”.
Dự thảo đã được Nhà chuẩn bị kỹ. Nhưng việc tổ chức tham khảo, đàm phán để đạt được đồng thuận là trách nhiệm của Phái đoàn.
Khi đó, mọi thứ đều mới, chúng ta lại chưa tham gia chính thức vào HĐBA. Bên cạnh các nội dung thực chất mà Tuyên bố Chủ tịch cần phải thể hiện thì hình thức văn bản và sự chuẩn xác về từ ngữ cũng là yêu cầu rất quan trọng.
Nghiên cứu kỹ chỉ đạo và dự thảo của Nhà, chúng tôi quyết định tham khảo các bạn. Tôi chạy đến Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Saint Vicent và The Grenadines trình bày với bà Đại sứ ý tưởng và những điều mình còn “e ngại”, nghe xong bà ấy nói: Ý tưởng tuyệt vời, khẳng định tầm quan trọng của Hiến chương nhân dịp kỷ niệm 75 năm LHQ và góp ý thêm cách sắp xếp lập luận cho thuyết phục hơn.
Tôi cảm thấy tự tin hơn vì Đại sứ Trưởng Phái đoàn Saint Vicent và The Grenadines là người có rất nhiều kinh nghiệm soạn thảo văn bản của LHQ, tiếng Anh cũng là tiếng phổ thông của họ. Tiếp đó, tôi gọi điện cho Đại sứ, Trưởng phái đoàn hai nước Canada và Ấn Độ nhờ họ góp ý thêm để hoàn chỉnh dự thảo trước khi đưa ra tham vấn chính thức với các thành viên HĐBA.
Điều trùng hợp là cả hai ông này đang trên đường ra sân bay nhưng đều sẵn sàng nghe tôi trình bày và trao đổi từng điểm một qua điện thoại, rất nhiệt tình và đầy tính xây dựng.
Đại sứ từng bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm nhưng lại hụt hẫng vì mạch làm việc hai năm đã quen khi nhiệm kỳ của Việt Nam tại HĐBA LHQ kết thúc. Tôi được nghe kể rằng, làm việc tại LHQ, một ngày không tính chỉ có 24 giờ. Đại sứ có thể chia sẻ cụ thể hơn để thấy rõ nỗ lực thầm lặng của các cán bộ ngoại giao trong những năm tháng ấy?
Phải nói thế này, công việc nhiều, trách nhiệm lớn nhưng cũng đầy tính hấp dẫn.
Tôi rất cảm ơn Nhà, cảm ơn các đơn vị đã trao cho chúng tôi những cán bộ đầy nhiệt huyết, đầy đam mê và đều coi việc được làm trong nhiệm kỳ HĐBA là cơ hội lớn.
Công việc nhiều nhưng cũng có lúc căng lúc chùng, lúc bận lúc không. Điều quan trọng là sắp xếp hợp lý để khi cần thì làm quên thời gian, khi rảnh thì tranh thủ nghỉ ngơi, chăm lo gia đình và hưởng thụ cuộc sống.
Có lẽ vì thế nên suốt hai năm với hơn 800 cuộc họp cấp đại sứ trở lên và gần 250 văn bản phải đàm phán thông qua nhưng toàn thể cán bộ Phái đoàn vẫn có sức khỏe tốt, các gia đình vui vẻ, hai năm HĐBA qua nhanh. Nỗ lực thầm lặng thì nhiều. Nhưng vì nó thầm lặng nên không kể hết được.
Với cá nhân Đại sứ, có chăng, đây cũng là một trong những nhiệm kỳ đáng nhớ nhất trong cuộc đời ngoại giao của mình, Đại sứ đã chuẩn bị và trải qua nó như thế nào?
Thực sự, tôi không có chuẩn bị trước. Khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh giao nhiệm vụ, tôi cứ nghĩ nhiệm kỳ HĐBA chỉ một năm thôi. Nhưng cũng có thể nói, quá trình làm việc gần 30 năm (cho đến lúc đó) là quá trình chuẩn bị vì để làm Đại sứ nói chung và Đại sứ ở New York nói riêng thì phải chuẩn bị cả đời. Từ kiến thức, bản lĩnh đến kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp.
Nếu gọi việc hoàn thành nhiệm kỳ hai năm của Việt Nam tại HĐBA LHQ là “sứ mệnh” thì động lực nào đã thôi thúc Đại sứ làm tròn sứ mệnh đó?
Với tôi, “sứ mệnh” đó là vận may. Tôi được làm Đại sứ, Trưởng phái đoàn đúng nhiệm kỳ nước ta tham gia HĐBA. Và khi được làm thì ngày càng thấy đam mê.
Với thế và lực của đất nước như ngày nay, Đại sứ kỳ vọng như thế nào về những bước tiến xa hơn của ngoại giao đa phương?
Cũng như tất cả các nước khác, khi thế và lực gia tăng thì ngoại giao đa phương càng quan trọng. Ngoại giao đa phương góp phần tạo nên vị thế mới. Thế và lực mới lại tạo cho ngoại giao đa phương nền tảng và nguồn lực để phát huy. Do đó, trong quá trình chúng ta thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045, ngoại giao đa phương sẽ cần và phải được phát huy hơn nữa.
Ngày 28/8, nghĩ về ngành Ngoại giao, về nghề ngoại giao và cuộc đời làm ngoại giao, trong Đại sứ là…?
Tôi vẫn đang tiếp tục cuộc đời làm ngoại giao với cương vị người thầy. Xuất thân từ gia đình nông dân, tôi được nghề chọn và tôi đam mê. Cảm ơn nghề ngoại giao, cảm ơn các thế hệ đi trước đã dạy dỗ, kèm cặp, giúp đỡ tôi say mê với nghề này. Và bây giờ, tôi cũng muốn làm như vậy với các thế hệ đi sau.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam Trong bối cảnh mới nhiều thách thức, các hoạt động đối ngoại cần phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại và sức ... |
| Tuổi trẻ Ngoại giao: Giữ gìn, kế thừa giá trị cao đẹp của Ngành, không ngừng trau dồi bản thân Báo TG&VN đã trao đổi với các thanh niên, đặc biệt là các công chức mới được tuyển dụng, để hiểu hơn về tâm tư, ... |
| Ngoại giao hoà mục, hòa hiếu trong dựng nước và giữ nước (kỳ 1) Hòa mục, hòa hiếu luôn là một bản sắc xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ thời đại phong kiến ... |
| Phát huy bản sắc văn hóa ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2022), Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng ... |
| Ngành Ngoại giao cùng khát vọng phát triển của các địa phương Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, với phương châm tiên phong, tư duy phục vụ, tập trung thúc đẩy phát triển, Bộ ... |