Đại sứ Nguyễn Phương Nga đảm nhiệm vị trí Người phát ngôn Bộ Ngoại giao từ năm 2009-2011. |
Đã gần mười năm rời vị trí Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhưng hơn hai năm ở “ghế nóng” ấy với Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam vẫn là khoảng thời gian ý nghĩa với nhiều kỷ niệm khó quên...
Nhớ lại thời gian giữ cương vị là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (2009-2011), thường xuyên "đối mặt" với giới báo chí, lúc này đây trong bà gợi lại những câu chuyện hay hình ảnh nào rõ nét nhất?
Thời gian tôi làm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao là hai năm hai tháng, ngắn hơn nhiều so với những Người phát ngôn tiền nhiệm như cô Hồ Thể Lan, chị Phan Thuý Thanh, anh Lê Dũng, nhưng để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm.
Tôi đã học được rất nhiều qua việc tham gia xây dựng và triển khai các kế hoạch truyền thông phục vụ các hoạt động lớn như Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009), Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chiến dịch sơ tán gần 11.000 người lao động Việt Nam từ Libya về nước, hỗ trợ công dân ta ở Nhật sau trận động đất sóng thần tháng 3/2011..., cũng như tổ chức hoạt động báo chí của Lãnh đạo cấp cao.
Đó cũng là thời gian mà bạn bè tôi thường gọi là “Biển Đông dậy sóng”. Dư luận đặc biệt quan tâm tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan điểm, lập trường của Việt Nam, nhất là sau khi Trung Quốc chính thức đưa ra Liên hợp quốc bản đồ yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường chín đoạn” và triển khai thực hiện yêu sách này trên thực địa.
Hầu như cuộc họp báo nào của chúng tôi cũng có các câu hỏi của phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và vấn đề ngư dân, tàu cá...
Một trong những kỷ niệm sâu sắc đối với tôi là cuộc họp báo ngày 29/5/2011 thể hiện lập trường của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông, phản đối hành động của tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02, phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhưng công tác phát ngôn không phải chỉ là Người phát ngôn đứng trên bục họp báo. Các cuộc họp báo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trên nền tảng rất nhiều công sức, nỗ lực của nhiều người, nhiều đơn vị.
Hơn hai năm ở “ghế nóng” để lại cho tôi những ký ức không bao giờ phai mờ về sự tận tụy quên mình của các bạn đồng nghiệp ở Vụ Thông tin Báo chí, những người luôn lăn xả, hăng say trong công việc đến quên cả giờ giấc, luôn sát cánh bên tôi để có được thông tin cập nhật nhất, tìm những lập luận xác đáng nhất và góp ý cho tôi từng chi tiết nhỏ để thể hiện thuyết phục hơn.
Tôi cũng có nhiều kỷ niệm rất đẹp về sự hỗ trợ, hợp tác của các đơn vị trong Bộ, các cơ quan và địa phương trong nước, các bạn phóng viên báo chí cả trong nước và nước ngoài.
Và tôi rất biết ơn các đồng chí lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ, các nhà ngoại giao lão thành đã luôn quan tâm, cho chúng tôi những ý kiến chỉ đạo rất kịp thời và sâu sắc.
Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Là Người phát ngôn giai đoạn ấy có những điều gì khác biệt so với hiện nay, thưa bà?
Đã gần 10 năm kể từ khi tôi rời vị trí Người phát ngôn. Nếu nói về nhiệm vụ thì trong bất kỳ giai đoạn nào, nhiệm vụ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng là cung cấp cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế thông tin trung thực, cập nhật về tình hình Việt Nam, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam với các nước và quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề ở khu vực và quốc tế, đồng thời bác bỏ những thông tin sai trái về Việt Nam.
Nhưng bối cảnh tình hình hiện nay rất khác với mười năm trước, đòi hỏi công tác phát ngôn phải có những đổi mới, thích ứng kịp với những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp.
Khi tôi làm Người phát ngôn thì các Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí chưa đảm nhiệm nhiệm vụ Phó Phát ngôn, chưa đứng ra chủ trì họp báo. Công nghệ thông tin, mạng Internet, mạng xã hội cũng chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, thông tin về Việt Nam ra thế giới và thông tin về thế giới đến cho nhân dân ta cũng chưa phong phú, đa chiều như hiện nay. Họp báo trực tuyến khi đó là rất hiếm.
Thời đó chúng ta mới chỉ bắt đầu triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, các bộ, ngành, địa phương còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên việc cung cấp thông tin, phối hợp xử lý thông tin còn có nhiều khó khăn.
Tôi còn nhớ đã cùng các anh ở Cục Báo chí và Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông có rất nhiều chuyến công tác đến các địa phương để tổ chức các cuộc tập huấn về đề tài này.
Điều bà trăn trở nhất đối với công việc phát ngôn khi đó?
Người phát ngôn phải chịu áp lực rất lớn. Điều làm tôi trăn trở nhất khi làm Người phát ngôn là làm sao để các hoạt động thông tin, tuyên truyền của ta, trong đó có công tác phát ngôn, được kịp thời, chính xác, nhạy bén, có sức thuyết phục, nêu bật được tính chính nghĩa, nhân văn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng được quan tâm của dư luận và gây được thiện cảm, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Công tác phát ngôn, theo bà, có ý nghĩa như thế nào đối với công tác ngoại giao?
Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi cơ quan, tổ chức. Những người làm công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, chuẩn bị họp báo, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo hay của Người phát ngôn chính là cầu nối giữa các cơ quan, tổ chức với báo chí và qua báo chí đến với người dân và công chúng rộng rãi. Mục tiêu cao nhất là tranh thủ sự ủng hộ của công chúng đối với những chủ trương, chính sách, hoạt động của cơ quan, tổ chức đó vì đây là nhân tố quyết định thành công.
Công tác này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành Ngoại giao bởi đây là tiếng nói thể hiện quan điểm chính thức của quốc gia, là trận địa đấu tranh với những quan điểm sai trái, những hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ và nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam.
Công tác phát ngôn giúp nắm bắt và giải toả quan tâm của dư luận, góp phần vào việc hoạch định chính sách đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho việc triển khai và phát huy hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.
Công tác phát ngôn cũng là môi trường tốt, một “lò luyện” để đào tạo các cán bộ đối ngoại có bản lĩnh vững vàng, kiến thức rộng, độ nhạy bén cao, năng động và linh hoạt trong ứng xử.
Trong bối cảnh mới hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân, để phát huy được vai trò tiên phong của đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện và chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.