TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam đặc biệt coi trọng đối ngoại nhân dân | |
Bà Nguyễn Phương Nga được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam |
Vẫn luôn ấn tượng với hình ảnh nữ Đại sứ trong bộ áo dài Việt Nam trên bục phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Mềm mại nhưng mạnh mẽ, phải chăng đó là “chất thép” trong ngoại giao, thưa chị?
Trên mặt trận ngoại giao - mặt trận không tiếng súng, vũ khí của chúng ta là sức mạnh của chính nghĩa, của đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, của truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc, của tình yêu Tổ quốc và ý chí quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, khát vọng đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới. Cùng với đó là bản lĩnh của nhà ngoại giao, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết thực hiện thành công chính sách đối ngoại của đất nước mình, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của dân tộc mình và những giá trị chung của nhân loại. Những yếu tố này tạo nên “chất thép” trong ngoại giao. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ Bác Hồ, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, bà Nguyễn Thị Bình..., những đại diện tiêu biểu cho bản lĩnh kiên cường và nghệ thuật ứng xử tinh tế, khôn khéo, thu phục lòng người của ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Sẽ là không đúng khi nghĩ rằng trong ngoại giao, phụ nữ không cứng rắn như nam giới. Các nhà ngoại giao nữ càng không nên nghĩ mình là phái yếu! Số lượng các nhà ngoại giao nữ ngày càng tăng, thậm chí ở một số nước, nữ giới đã chiếm đa số trong ngành ngoại giao. Ở LHQ, nếu như trước kia, số lượng đại sứ nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có tới gần 40 đại sứ, trưởng phái đoàn là nữ. Phụ nữ có những tố chất làm nên lợi thế trong ngoại giao, đó là mềm mại mà sắc sảo, nhanh nhạy mà cẩn trọng, chắc chắn mà quyết liệt.
Đại diện cho đất nước ở một tổ chức đa phương lớn như LHQ, theo chị, đâu là cái khó nhất?
LHQ có 193 thành viên. Mỗi nước đều theo đuổi các mục tiêu, lợi ích của mình. Tại diễn đàn đa phương rộng lớn này luôn có những vấn đề rất mới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển rất nhanh chóng và phức tạp. Không phải lúc nào quan điểm, lợi ích của chúng ta cũng song trùng với quan điểm, lợi ích của các nước khác.
Mục tiêu cao nhất của chúng ta ở LHQ là bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của đất nước, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy hoà bình, an ninh, phát triển, bình đẳng và tiến bộ xã hội trên thế giới. Điều khó nhất, làm chúng tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất là làm thế nào để vừa bảo vệ, vừa kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Như đối với một trong những vấn đề còn khá mới, đang được một số nước đưa ra để LHQ thảo luận là “Trách nhiệm bảo vệ” (Responsibility to Protect) với mục tiêu quy định trách nhiệm của các quốc gia ngăn chặn các tội ác chống lại loài người, tội ác diệt chủng, giết người hàng loạt. Việt Nam phản đối, lên án mạnh mẽ các hành động tội ác này, đồng thời, chúng ta cho rằng cần phải có những quy định rất rõ ràng và chặt chẽ, tránh việc lợi dụng vấn đề này để can thiệp vào công việc nội bộ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Song song với các vấn đề về hòa bình, an ninh, chắc hẳn còn nhiều lĩnh vực liên quan tới phát triển trong khuôn khổ LHQ, chị có thể chia sẻ một lĩnh vực mà chị tâm huyết?
Bên cạnh nhiều vấn đề về phát triển, tôi và anh chị em trong Phái đoàn đã dành rất nhiều tâm huyết cho một lĩnh vực rất thời sự nhưng lại được ít người quan tâm, đó là tình trạng đuối nước. Trên báo chí, nhất là ở những nước có nhiều sông suối và thường hay bị lũ lụt như Việt Nam, hầu như ngày nào cũng có tin về các nạn nhân chết đuối. Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất với khoảng 360.000 người chết trên toàn thế giới hàng năm, trong đó hơn 90% là ở các nước đang và kém phát triển ở châu Á và châu Phi, chủ yếu là thanh thiếu niên và trẻ em. Thế nhưng trong toàn bộ chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ, hoàn toàn không có một chữ nào đề cập đến vấn đề này. Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề này và đã có những chính sách, quy định về phòng chống đuối nước cho trẻ em. Chính vì vậy, chúng ta đã cùng với các nước nòng cốt như Fiji, Bangladesh, Ireland, Thái Lan và các tổ chức nhân đạo như RNLI (Anh), Bloomberg (Mỹ) sáng lập Nhóm “Những người bạn Phòng chống đuối nước” để nêu vấn đề tại LHQ, nhằm huy động đầu tư nguồn lực, hỗ trợ các nước đang phát triển phòng chống đuối nước.
Tôi hy vọng Phái đoàn của Việt Nam tại LHQ cùng các thành viên khác của Nhóm “Những người bạn phòng chống đuối nước” sẽ tiếp tục các nỗ lực này và thành công trong việc thúc đẩy LHQ có hành động cụ thể, ví dụ như một nghị quyết của Đại Hội đồng về vấn đề này, bởi phòng chống đuối nước chính là một biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ những người yếu thế nhất, giảm bất bình đẳng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trao Quyết định Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Tại Quyết định số 939- QĐNS/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động, chỉ định đồng chí Nguyễn Phương Nga, Ủy viên Ban cán ... |
Tọa đàm về bình đẳng giới và nâng cao vai trò phụ nữ Sáng 5/12 tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Quỹ châu Á tổ chức tọa ... |
Khi phụ nữ làm lãnh đạo Bà là Thủ tướng ba nhiệm kỳ liên tiếp, bà đã “chiến đấu” không mệt mỏi để được bầu là Tổng Giám đốc chương trình ... |