TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam ứng cử vào HĐBA LHQ thể hiện mức cao nhất chính sách đối ngoại đa phương hóa | |
Báo Campuchia đánh giá cao Việt Nam trong công tác đối ngoại đa phương |
Đó là chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, người có nhiều năm gắn bó với đối ngoại đa phương khi trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp Hội nghị Ngoại giao 30.
Là người đã trực tiếp làm công tác đối ngoại tại Liên hợp quốc, Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương nói chung và Liên hợp quốc nói riêng?
Đối ngoại đa phương có vị trí rất quan trọng trong chính sách và hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động và tích cực vận động LHQ, trước hết là các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ, tiếp nhận Việt Nam vào LHQ, công nhận nền độc lập của Việt Nam, ngăn chặn chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Từ đó tới nay, ngoại giao đa phương Việt Nam giành nhiều thành tựu, trong đó có những đỉnh cao như Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương và Hội nghị Paris năm 1972 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong những năm gần đây, khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế thì ngoại giao đa phương đã có những bước trưởng thành vượt bậc, tiếp tục phát huy truyền thống và đổi mới, sáng tạo để phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chúng ta tham gia diễn đàn đa phương trên rất nhiều bình diện và và ở mỗi tổ chức đều mang đến một sức sống mới, không chỉ góp phần nâng cao vị thế của đất nước mà còn chung tay giải quyết những vấn đề cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, cơ chế đa phương khu vực và quốc tế như ASEAN, LHQ, APEC, ASEM, WTO...
Có được điều này, trước hết là do thế và lực của đất nước. Bạn bè quốc tế cảm phục cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta vì độc lập tự do và hoà bình, thống nhất đất nước, ngưỡng mộ những thành tựu Việt nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bạn bè tin tưởng Việt Nam, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chứng tỏ trên thực tế là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có những đóng góp thiết thực thúc đẩy các nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh, phát triển, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, được bạn bè tin cậy, đánh giá cao. Chúng ta đã hai lần đảm nhiệm tốt cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 1998 và 2010, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Chúng ta cũng đã thành công rực rỡ trong cả 2 lần tổ chức năm APEC tại Việt Nam (2006 và 2017), tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và liên kết trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong hơn 40 năm tham gia LHQ, diễn đàn đa phương lớn nhất và quan trọng nhất hiện nay, Việt Nam đã có những đóng góp có ý nghĩa?
Đúng như vậy. Trong lĩnh vực hoà bình, an ninh, Việt Nam đã lần đầu tiên được tín nhiệm bầu và đã đảm nhận thành công trọng trách uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Lần đầu tiên chúng ta tham gia nhưng đã góp phần tích cực vào việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ phức tạp giữa các quốc gia, vừa là khẳng định được bản lĩnh của Việt Nam, kiên định lập trường, nguyên tắc chính sách đối ngoại độc lập tự chủ hòa bình của Việt Nam, nhưng cũng góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Từ 2014, chúng ta đã cử các sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đóng góp vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga trong buổi gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: TTXVN) |
Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, có nhiều ý tưởng tích cực, nỗ lực góp phần thúc đẩy bảo vệ và phát huy quyền con người. Đặc biệt chúng ta đã đưa ra sáng kiến được ủng hộ rộng rãi về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.
Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam đã làm tốt vai trò thành viên Uỷ ban KT-XH LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2014-2016. Chúng ta đã chủ động phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động, nâng cao hiệu quả hoạt động của LHQ. Ngôi nhà xanh LHQ hiện là trụ sở chung của tất cả các tổ chức LHQ tại Việt Nam, là hình mẫu của sáng kiến Thống nhất hành động và là biểu tượng cho hợp tác Việt Nam - LHQ. Chúng ta cũng đang tích cực triển khai thực hiện chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.
Sau năm 2017, năm “được mùa” của đối ngoại đa phương Việt nam, Đại sứ mong muốn có những điểm nhấn nào mới trong bức tranh đối ngoại của Việt nam trong thời gian tới?
Trong bối cảnh hợp tác đa phương có vai trò ngày càng quan trọng, đối ngoại đa phương nói chung và tại LHQ nói riêng đã và đang tiếp tục là một mũi nhọn triển khai chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Mọi người thường nói rằng sau mỗi đỉnh cao sẽ rất khó khăn để đạt được những đỉnh cao tiếp theo. Nhưng theo tôi, với đà trưởng thành lớn mạnh của ngoại giao Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ tạo được những điểm nhấn mới. Tôi mong muốn trong thời gian tới chúng ta sẽ tạo được những mốc son mới trong bức tranh đối ngoại VN, trước hết đó là:
Thành công trong cuộc bầu cử vào LHQ tháng 6/2019 và đảm nhiệm tốt cương vị thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; Đảm nhiệm xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN 2020; Đề xuất và tham gia những sáng kiến mới phát huy vai trò của ngoại giao phục vụ phát triển, góp phần thu hút, huy động nguồn lực vốn, công nghệ, tri thức từ bên ngoài phục vụ xây dựng đất nước, cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ, không để ai tụt lại phía sau.
Tôi tin tưởng chúng ta sẽ thành công và đây sẽ là những đóng góp mới của Việt Nam vào việc giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Phương Hằng (thực hiện)
Nơi tiền đồn của đối ngoại đa phương (phần 1) Trả lời phỏng vấn phóng viên báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 (22-26/8) tại Hà Nội, Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng ... |
APEC 2017: Cú hích quan trọng trong đối ngoại đa phương Năm 2017, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ... |
Vai trò thúc đẩy lợi ích và tạo dựng vị thế Tốc độ toàn cầu hóa nhanh chóng của thế kỷ XXI trong một thế giới phẳng đang nâng vai trò của đối ngoại đa phương ... |