📞

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Bộn bề và mâu thuẫn

14:05 | 20/09/2019
TGVN. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu nhóm họp trong hai ngày 19 - 20/9 tại Washington, trong nỗ lực nhằm giải quyết các mâu thuẫn thương mại giữa hai nước.  
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có đang cố gắng khắc phục sự khác biệt sâu sắc? (Nguồn: CNN)

Cuộc họp lần này được cho là còn tồn tại một loạt vấn đề cần thảo luận, từ thuế quan đến những bất đồng lớn hơn liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một phái đoàn khoảng 30 quan chức Trung Quốc, dẫn đầu là Thứ trưởng Tài chính Liao Min, đã gặp các quan chức thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào ngày 19/9. Hai bên được cho là sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đạt được một thỏa thuận nào đó đủ để Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có thể ký vào tháng 10 tới.

Trước đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế cao lên hàng hóa của Trung Quốc kể từ năm 2018 và cho rằng, động thái này sẽ tạo lợi thế cho các quan chức Mỹ trong tiến trình đàm phán.

Trong khi đó, sau khi cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào bế tắc từ hồi tháng Năm, hai nước đã 'ăn miếng trả miếng', đánh thuế bổ sung lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau, phá vỡ các cam kết và công khai chỉ trích lẫn nhau. Các quan chức Trung Quốc muốn thuế phải được dỡ bỏ trước khi nước này nhất trí một thỏa thuận.

Mỹ đã áp mức thuế 25% lên khoảng 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng việc đánh thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Washington dự kiến sẽ nâng mức thuế hiện nay lên 30% vào ngày 15/10 và đánh thuế lên thêm 156 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào tháng 12 tới, bao gồm mặt hàng điện thoại di động trị giá 43 tỷ USD. Tuy nhiên, hai nước đã có một số nhượng bộ trước khi diễn ra cuộc đàm phán trong tuần này, như hoãn áp thuế lên một số hàng hóa.

Nhưng Trung Quốc hiện vẫn đang chịu những tác động từ quyết định của Tổng thống Trump trong việc đưa Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới của Trung Quốc, vào "danh sách đen", cấm các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho tập đoàn này. Lệnh cấm cũng khiến nhiều công ty nằm ngoài Mỹ cắt quan hệ với Huawei. Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm này, trong khi Washington vẫn đang vận động các nước khác hạn chế giao dịch với Huawei.

Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra danh sách các công ty nước ngoài gây tổn hại cho các công ty nước này. Trung Quốc cũng cho biết có thể đáp trả bằng việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ, bởi đây là vật liệu quan trọng đối với các nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao mà Trung Quốc là nguồn cung chính. Ngoài ra, Trung Quốc có thể hủy các đơn hàng máy bay do Boeing (Mỹ) sản xuất. Trong khi đó, Tổng thống Trump "ra lời kêu gọi" các công ty Mỹ như General Motors rút các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trước khi các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc hồi tháng Năm, các quan chức Mỹ cho biết, hai bên đã đạt được tiến triển trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Trung Quốc cũng đã có những đề xuất sâu hơn trong một loạt vấn đề. Các quan chức Mỹ cũng đề cập đến tiến triển về vấn đề tấn công mạng, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các rào cản thương mại phi thuế quan. Tuy nhiên, khi không đạt thỏa thuận, ông Lighthizer nói Trung Quốc đã rút lại các cam kết về các vấn đề thương mại điện tử.

Trung Quốc không sẵn sàng thương lượng về cách thức căn bản trong việc điều hành nền kinh tế, bao gồm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước. Các khoản hỗ trợ của Trung Quốc cho doanh nghiệp nhà nước đã thúc đẩy các ngành như sản xuất thép của nước này, khiến giá thép toàn cầu giảm và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở những nước khác, trong đó có Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc phủ nhận việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ, cho rằng đó là thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai nước.

(theo Reuters)